Tiền lương trong nền kinh tế thị trường

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG đối với CÔNG CHỨC cấp xã ở VIỆT NAM (Trang 43 - 48)

6. Kết cấu của luận án

2.2.1. Tiền lương trong nền kinh tế thị trường

Theo từ điển giải nghĩa Kinh tế – Kinh doanh (Anh – Việt), NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 1996, các khái niệm tiền lương, tiền công, giá cả sức lao động là những khái niệm đồng nghĩa (Wages), gọi chung là giá cả sức lao động, một trong những yếu tố đầu vào của sản xuất.

Theo tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo một số lượng nhất định mà không căn cứ

vào số giờ làm việc thực tế, thường được trả theo tháng hoặc nửa tháng. Còn tiền công (wage) là khoản tiền trả công lao động theo hợp đồng lao động (chưa trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản khấu trừ theo quy định), được tính dựa trên số lượng sản phẩm làm ra hoặc số giờ làm việc thực tế.

Trong kinh tế thị trường, tiền lương, tiền công phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu lao động. Khi cung lao động lớn hơn cầu lao động, người sử dụng lao động có xu hướng hạ thấp tiền lương, tiền công. Ngược lại khi cầu lao động lớn hơn cung lao động, tiền lương, tiền công lại có xu hướng tăng lên. Mặc dù tiền lương, tiền công phụ thuộc vào quan hệ cung cầu lao động, nhưng mức tiền lương, tiền công phải dựa trên cơ sở giá trị sức lao động và có xu hướng là phải trả đúng giá trị sức lao động.

Theo Durkhein, nhà xã hội học nổi tiếng của Pháp cho rằng trong xã hội công nghiệp hiện đại, tiền lương, tiền công còn được coi như là một quan hệ kinh tế – xã hội. Ủng hộ quan điểm này, các nhà kinh tế thị trường xã hội cho rằng tiền lương, tiền công là kết quả của các bên thoả thuận thường có tác dụng như một giá tối thiểu nằm bên trên mức cân bằng của thị trường lao động.

Giáo trình Tiền lương - Tiền công của Trường Đại học Lao động – Xã hội do Nguyễn Tiệp chủ biên, năm 2006 đưa ra khái niệm tiền lương trong như sau: “Tiền lương là giá cả sức lao động, được hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, chịu tác động của quy luật cung cầu về sức lao động trên thị trường lao động và phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật”.

Theo giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực do Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh biên soạn thì tiền lương trong nền kinh tế thị trường được hiểu là “số lượng tiền tệ mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo giá trị sức lao động mà họ hao phí trên cơ sở thoả thuận (theo hợp đồng lao động)”.

Theo giáo trình tiền lương khu vực công do Vũ Hồng Phong chủ biên, tiền lương trong khu vực công được hiểu là số tiền Nhà nước trả cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong khu vực công, căn cứ vào số lượng, chất lượng lao động, phù hợp với khả năng ngân sách quốc gia và các quy định pháp luật.

Từ các quan niệm trên có thể khái quát tiền lương trong nền kinh tế thị trường gồm 3 nội dung:

- Tiền lương là giá cả sức lao động, hay biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động mà người sử dụng lao động trả cho người lao động làm thuê dựa trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí lao động. Trong khu vực công thì người sử dụng lao động

ở đây là Nhà nước

- Tiền lương phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu lao động trên thị trường lao động.

- Tiền lương khu vực công trả cho cán bộ, công chức và người lao động trong khu vực công được trả trên cơ sở ngân sách quốc gia và phù hợp với quy định của pháp luật.

* Các Chức năng cơ bản của tiền lương trong kinh tế thị trường

Theo lý thuyết kinh tế thị trường, tiền lương có các chức năng cơ bản sau:

(1) Thước đo giá trị của lao động

Trong kinh tế thị trường, sức lao động là hàng hóa (loại hàng hóa đặc biệt), nên nó có giá trị. Người lao động khi bán sức lao động của mình cho người sử dụng lao động, thì trong quá trình sử dụng sức lao động đó nó có khả năng tạo ra giá trị mới của hàng hóa và dịch vụ lớn hơn giá trị của bản thân nó. Người sử dụng lao động sau khi bán hàng hóa và dịch vụ, trích một phần để trả lương cho người lao động tương ứng với giá trị của sức lao động theo nguyên tắc trao đổi ngang giá. Đây là chức năng cơ bản nhất của tiền lương và cũng thể hiện bản chất của tiền lương, tiền công như là giá cả sức lao động. Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường, tiền lương phụ thuộc và chịu sự điều tiết của quy luật giá trị hàng hóa, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu lao động… Do đó, nó có thể lên xuống, xoay xung quanh giá trị sức lao động. Trong thực tế, trả đúng giá trị sức lao động là xu thế khách quan và cũng là thực hiện nguyên tắc công bằng trong tiền lương. Đặc biệt, trong kinh tế thị trường tiền lương được coi là sự hoàn trả giá trị lao động được phản ánh thông qua giá trị việc làm đã được thực hiện. Giá trị việc làm phụ thuộc vào tính chất kỹ thuật và công nghệ áp dụng cao hay thấp; tính chất kinh tế của việc làm như thế nào (vị trí của việc làm trong quan hệ lao động, trong hệ thống phân công lao động xã hội: quản lý - việc làm bậc cao, công nhân kỹ thuật - việc làm bậc trung, nhân viên - việc làm bậc thấp). Tương ứng với nó là các yêu cầu về tri thức, năng lực nghề nghiệp (nhất là kỹ năng) và phẩm chất của người lao động. Giá trị việc làm càng cao thì các mức trả lương càng cao.

(2) Duy trì và tái sản xuất sức lao động

Đây thực chất là chức năng tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng sức lao động. Người lao động làm thuê cho người sử dụng lao động và nhận được tiền lương không những phải đủ thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần để duy trì cuộc sống của bản thân và gia đình họ, mà còn phát triển sức lao động. Và do đó, tiền lương như là biểu hiện bằng tiền của giá trị lao động, mang tính khách quan và phải là điểm xuất phát trong mọi bài toán của sản xuất hàng hóa nói chung, của người sử dụng lao động nói riêng. Từ đó, tiền lương không những phải đảm bảo đủ sống, mà còn phải được coi là đầu tư cho phát triển con người, đầu tư cho phát triển.

(3) Kích thích lao động

Tiền lương là bộ phận cấu thành quan trọng trong giá trị hàng hóa và dịch vụ. Tiền lương cũng là bộ phận thu nhập chính của người lao động nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của bản thân và gia đình. Do vậy, nó gắn chặt với lợi ích thiết thân, sống còn của người lao động làm thuê và trở thành động cơ trực tiếp kích thích người lao động làm việc. Khi độ lớn của tiền lương phụ thuộc vào năng suất lao động cá nhân (mức đóng góp của lao động) và hiệu quả sản xuất chung sẽ kích thích người lao động quan tâm nhiều hơn đến năng suất, chất lượng và kết quả sản xuất cuối cùng. Do đó, người sử dụng lao động thường sử dụng công cụ tiền lương như là đòn bẩy kinh tế quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình trong kinh tế thị trường.

(4) Thúc đẩy chuyển dịch và phân bố nguồn nhân lực hợp lý

Trong kinh tế thị trường, thị trường lao động tham gia vào điều chỉnh các dòng di chuyển lao động, phân bố hợp lý nguồn nhân lực (NNL) theo ngành, khu vực trên phạm vi vùng, quốc gia và quốc tế, thực hiện phân công lao động nhằm sử dụng có hiệu quả vốn nhân lực. Trong đó, tiền lương là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng của thị trường lao động (giá cả sức lao động) và là lực hút mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch lao động đến các ngành, khu vực, vùng, nơi có tiền lương, cao hơn, hấp dẫn hơn. Chức năng này thể hiện mức tiền lương trả cho lao động được tính trên cơ sở giá trị cận biên, tức là phụ thuộc vào tổng sản phẩm tiêu thụ và mức giá cả trên thị trường (giá trị sản phẩm cận biên bằng sản phẩm cận biên nhân với giá của sản phẩm cuối cùng). Mặt khác, tổng mức tiền lương quyết định tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ cần thiết phải sản xuất ra cũng như giá cả của nó. Do

đó, tăng các mức tiền lương phải dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động (sản phẩm cận biên). Việc tăng năng suất lao động luôn dẫn đến sự tái phân bố lao động. Theo quy luật thị trường, lao động sẽ di chuyển và tái phân bố theo các ngành, khu vực và vùng có năng suất lao động cao hơn để nhận được các mức tiền lương cao hơn. Do đó, một chính sách tiền lương cạnh tranh sẽ là công cụ quan trọng để điều tiết các dòng di chuyển và phân bố NNL nhằm sử dụng hiệu quả hơn.

(5) Kích thích phát triển nguồn nhân lực

Phát triển NNL trong kinh tế thị trường phản ánh trình độ phát triển cao của nền kinh tế. Phát triển NNL là tạo cơ hội và nâng cao năng lực cho mọi người lao động trong phát triển, trở thành vốn nhân lực. Theo các nhà kinh tế, vốn nhân lực là toàn bộ trình độ chuyên môn kỹ thuật mà một người lao động có được do được đào tạo và tích lũy trong cuộc sống, trong làm việc, là kết quả đầu tư trong quá khứ với mục đích tạo ra thu nhập trong tương lai. Theo lý thuyết về hoàn trả tiền lương, tiền công trong đào tạo dựa trên cơ sở vốn con người, vốn nhân lực thì trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động càng cao, càng có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động và có cơ hội việc làm giá trị cao, làm việc có năng suất cận biên và hiệu quả lao động cao hơn, do đó, sẽ có mức tiền lương, cao hơn. Chính vì vậy, tiền lương được trả đúng giá trị sức lao động sẽ trở thành động lực kích thích phát triển NNL.

(6) Chức năng xã hội của tiền lương

Trong kinh tế thị trường, chức năng xã hội của tiền lương thể hiện rất rõ ở mức tiền lương tối thiểu đủ sống cho bản thân và gia đình người lao động. Đó là mức sàn thấp nhất đảm bảo duy trì cuộc sống của bản thân người lao động và gia đình với tư cách là một con người khi làm công việc giản đơn, trong điều kiện lao động bình thường.

Tiền lương còn có chức năng xã hội rất lớn khi chính sách tiền lương được đặt trong tổng thể chính sách việc làm và giải quyết vấn đề thất nghiệp. Trong kinh tế thị trường, cạnh trạnh việc làm là rất quyết liệt và phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động. Một mức tiền lương linh hoạt và theo mô hình hướng cầu sẽ tạo cơ hội việc làm cho nhiều người với giá cả sức lao động (Tiền lương) đang thịnh hành và góp phần giảm thất nghiệp.

Hơn nữa, xét về mặt xã hội, tiền lương thuộc phạm trù quan hệ lao động. Cùng với việc kích thích, không ngừng nâng cao năng suất lao động, tiền lương là yếu tố

kích thích xây dựng và phát triển, hoàn thiện quan hệ lao động hài hòa, đồng thuận giữa các bên và vì lợi ích phát triển chung thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận về tiền lương giữa các bên trong QHLĐ. Hơn nữa, việc gắn tiền lương với năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, cải thiện năng lực làm việc theo nhóm, trong môi trường đa văn hóa, đa tôn giáo…, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện con người và thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ, dân chủ, công bằng và văn minh hơn.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG đối với CÔNG CHỨC cấp xã ở VIỆT NAM (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(189 trang)
w