Chất lượng công chức cấp xã

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG đối với CÔNG CHỨC cấp xã ở VIỆT NAM (Trang 84 - 85)

6. Kết cấu của luận án

3.2.2. Chất lượng công chức cấp xã

Về chất lượng đội ngũ cán bộ - công chức nói chung và chất lượng công chức cấp xã nói riêng thể hiện ở trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu tuổi v.v… Đây là những chỉ số cụ thể đánh giá chất lượng đội ngũ công chức nước ta.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, năm 2020, cho thấy:

* Đội ngũ cán bộ công chức cấp xã

Về số lượng, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, cả nước có 184.141 người. Trong đó, số cán bộ người dân tộc thiểu số là 34986 người (chiếm 19%); số cán bộ nữ là 31.672 người (chiếm 17,2%).

- Về trình độ chuyên môn, số cán bộ chưa qua đào tạo có 57083 người (chiếm 31%); số có trình độ sơ cấp là 11969 người (chiếm 6,5%); trung cấp là 66.659 người (chiếm 36,2%); cao đẳng là 7.733 người (chiếm 4,20%) và đại học là 40.787 người (chiếm 22,15%).

- Về trình độ lý luận chính trị, số chưa qua đào tạo là 31.303 người (chiếm 17%); số có trình độ sơ cấp là 29462 người (chiếm 16%); trung cấp 114161người (chiếm 62%) và cao cấp là 8838 người (chiếm 4,8%).

Như vậy, số liệu trên cho thấy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhìn chung thấp hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt nghiệp trung cấp chiếm đại đa số (cán bộ chiếm tỉ lệ là 36,13%; công chức chiếm tỉ lệ là 59,42%). Đó là thống kê trên văn bằng, chứng chỉ còn trong thực tế, không ít cán bộ, công chức cấp xã chỉ ở trình độ "cầm tay chỉ việc", nên khi tham mưu trong quản lý nhà nước và giải quyết các thủ tục hành chính còn nhiều lúng túng, dẫn đến sai phạm gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Chăn nuôi, trồng trọt là công việc chính ở nông thôn nhưng nhiều người trong đội ngũ này không am hiểu về kỹ thuật nông nghiệp không tham mưu được cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị như vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang gặp phải những thách thức lớn trước đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn hiện nay. Nguyên nhân của thực trạng này là do phần lớn công chức cấp xã xuất thân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đảm bảo tiêu chuẩn gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thách thức rất lớn trong việc phát triển chính quyền cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG đối với CÔNG CHỨC cấp xã ở VIỆT NAM (Trang 84 - 85)