Ngân hàng ngoài quốc doanh Việt Nam (tên giao dịch là VPBank) được Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp giấp phép hoạt động số 0042/NH – GP ngày 12/08/1993 với thời gian hoạt động 99 năm. Ngân hàng bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 04/09/1993 theo giấy phép thành lập số 1535/QĐ - UB ngày 04/09/1993.
Vốn điều lệ khi mới thành lập của VPBank là 20 tỷ đồng, với 6 cổ đông sáng lập là các pháp nhân, thể nhân Việt Nam.Sau đó do nhu cầu phát triển, VPBank đã tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng theo quyết định số 193/ QĐ - NH5 ngày 12/09/1994 và tiếp tục tăng lên 174,9 tỷ đồng theo quyết định số 53/QĐ - NH5 vào ngày 18/03/1996 của NHNN tương đương với 174.900 cổ phiếu thuộc sở hữu của 102 cổ đông thể nhân và pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, trong đó có một cổ đông nước ngoài là DRAGON CAPITAL nắm giữ 10% vốn điều lệ. Đến cuối năm 2004, VPBank nhận được quyết định số 689/NHNN_HAN của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho VPBank được nâng vốn điều lệ lên 198,4 tỷ đồng. Trong quý I năm 2005, theo công văn chấp thuận số 134/ NHNN_HAN7 ngày 25/2/2005, NHNN đã chấp thuận cho VPBank nâng vốn điều lệ lên 243,7 tỷ đồng, đã đáp ứng được quy mô và phạm vị hoạt động ngày càng rộng của VPBank, đồng thời thể hiện được tiềm lực của VPBank trong hiện tại và tương lai.
Ngày 21/03/2006, VPBank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ngân hàng OCBC Bank (Singapore). Với thỏa thuận này, OCBC Bank cam kết hỗ trợ
VPBank về mặt kỹ thuật, công nghệ, đào tạo trong các lĩnh vực: tín dụng, thẻ, các biện pháp quản trị rủi ro và công nghệ thông tin... OCBC Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược lớn nhất của VPBank. Cũng theo thỏa thuận, ngay khi vốn điều lệ của VPBank đạt 500 tỷ đồng OCBC Bank sẽ sử dụng vốn tự có của mình để mua 10% cổ phần gia tăng của VPBank, tương đương với 250 tỷ đồng. Việc lựa chọn OCBC Bank là cổ đông chiến lược sẽ giúp VPBank mở rộng hợp tác với các ngân hàng nước ngoài, nhanh chóng tiếp nhận công nghệ hiện đại. Đặc biệt nó tạo ra môi trường rất tốt cho cán bộ điều hành của VPBank bắt nhịp được với công nghệ quản trị ngân hàng tiên tiến trên thế giới.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, VPBank luôn chú ý đến việc mở rộng quy mô, tăng cường mạng lưới hoạt động tại các thành phố lớn. Cuối năm 1993, Thống đốc NHNN ký giấy phép số 0018-GCT ngày 16/12/1993 chấp thuận cho VPBank mở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 19/11/1994, VPBank được phép mở thêm chi nhánh tại Hải Phòng theo giấy phép số 0020/ GCT và ngày 20/7/1995, chi nhánh Đà Nẵng theo giấy phép số 0026/GCT. Đến cuối năm 2004, VPBank được NHNN cho phép mở thêm 3 chi nhánh cấp 1 mới đó là Chi nhánh Hà Nội (trên cơ sở tách bộ phận trực tiếp kinh doanh trên địa bàn Hà Nội ra khỏi hội sở) theo công văn chấp thuận số 1128/NHNN-CNH ngày 6/10/2004; chi nhánh Huế theo công văn chấp thuận số 1106/NHNN- CNH ngày 1/10/2004; chi nhánh Sài Gòn theo công văn chấp thuận số 1350/NHNN-CNH ngày 23/11/2004. Đầu năm 2005, VPBank tiếp tục mở thêm 4 chi nhánh cấp I là chi nhánh Cần Thơ (theo công văn chấp thuận số 227/NHNN-CNH ngày 23/3/2005): chi nhánh Quảng Ninh (theo công văn chấp thuận số 227/NHNN-CNH ngày 23/3/2005); chi nhánh Vĩnh Phúc (theo công văn chấp thuận số 682/NHNN-CNH ngày 16/5/2005); và chi nhánh bắc Giang (theo công văn chấp thuận số 986/QĐ-NHNN ngày 06/7/2005)
Tính đến tháng 12 năm 2005, hệ thống VPBank có tổng cộng 31 điểm giao dịch gồm có: Hội sở chính tại Hà Nội, 12 chi nhánh cấp I tại các tỉnh, thành phố của đất nước là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng,
Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang, 15 chi nhánh cấp 2 và 4 phòng giao dịch. Trong 2 năm 2005 và 2006 VPBank dự kiến mở thêm khoảng 20 điểm giao dịch mới tại các tỉnh, thành là trọng điểm kinh tế của đất nước.
Cho đến nay, lĩnh vực hoạt động của VPBank tương đối đa dạng, bao gồm các hoạt động:
• Huy động vốn ngắn – trung – dài hạn của các tổ chức và cá nhân.
• Huy động gửi góp.
• Tiếp nhận vốn uỷ thác đàu tư và phát triển của các tổ chức trong nước.
• Tài trợ ngắn – trung – dài hạn cho các tổ chức và cá nhân
• Chiết khấu thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá.
• Hùn vốn liên doanh, mua cổ phần theo pháp luật hiện hành.
• Làm dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng.
• Thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, huy động các nguồn vốn từ nước ngoài và làm dịch vụ thanh toán quốc tế khác.
• Thực hiện các dịch vụ chuyển tiền trong nước và quốc tế dưới nhiều hình thức, đặc biệt là chuyển tiền nhanh Western Union.
Để có thể thực hiện tốt các họat động trên VPBank đã thu nhận một đội ngũ đông đảo cán bộ công nhân viên với chính sách đãi ngộ hết sức ưu đãi. Tại thời điểm ban đầu thành lập 12/08/1993 VPBank chỉ hoạt động với 18 người thì tính đến thời điểm 01/2006 số lượng cán bộ, nhân viên của VPBank trên toàn hệ thống là gần 782 người, tăng 298 người so với năm 2004, trong đó 440 nữ và 342 nam; về trình độ: có 15 người có trình độ trên đại học (tăng 12 người so với năm 2004), 602 người có trình độ đại học (chiếm 78% tổng nhân sự của VPBank); trong năm, có 30 cán bộ được đề bạt vào chức danh trưởng, phó phòng. Với đội ngũ cán bộ, nhân viên năng động, nhiệt tình và có trình độ nghiệp vụ cao, nguồn nhân lực của VPBank luôn được đánh giá cao và sẽ là một trong những tiền đề cho sự phát triển của VPBank về sau.
VPBank hiện đang có 61 ngân hàng đại lý tại 31 quốc gia trên thế giới trong đó có những ngân hàng danh tiếng như: ABN ARMO Bank New York (Mỹ), The Bank of New York (Mỹ), Standard Chartered Bank New York (Mỹ), Citi Bank of N.A New York (Mỹ), The Bank of Tokyo – Mitsubishi Ltd (Nhật), …
Với hơn 12 năm hoạt động, lịch sử phát triển của VPBank có thể chia ra làm các giai đoạn chủ yếu sau:
• Giai đoạn 1993 – 1996.
Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của VPBank với nhiều thành công trên các mặt của hoạt động kinh doanh. Doanh số hoạt động của ngân hàng không ngừng tăng nhanh, chỉ trong 4 tháng đầu tiên con số lãi mà VPBank thu được là 101 triệu đồng. Con số lãi đó đã tăng lên 10 tỷ đồng vào cuối năm 2004, đặc biệt đến năm 1995 nó đã được nhân lên gần 3 lần, đạt 29,6 tỷ đồng. Năm 1996, VPBank đạt mức lãi kỷ lục với 75,9 tỷ đồng tiền lãi và trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất miền bắc nước ta.
• Giai đoạn 1996 – 2000.
Đây là thời kỳ mà hoạt động của VPBank gặp rất nhiều khó khăn và ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Do quá chủ quan trước những kết quả đạt được trong những năm đầu, liên tục mắc những sai lầm, quan điểm và phưng thức kinh doanh chưa đúng đắn VPBank đã rơi vào thời kỳ phát triển “bong bóng”. Năm 1996 mặc dù mức lãi đạt kỷ lục song chỉ là con số trên giấy tờ mà thực tế ngân hàng không có khả năng thu hồi. Vì thế đầu năm 1997 tình hình tài chính của VPBank đã bộc lộ những điểm yếu rõ rệt, VPBank đứng trên bờ vực phá sản khi mà tỷ lệ nợ quá hạn lên tới 71% so với tổng số nợ, và khả năng tài chính của ngân hàng không đủ để chi trả. Trước tình hình đó VPBank đã củng cố lại bộ máy tổ chức, cùng với sự can thiệp của NHNN đến cuối năm 1997 tình hình của ngân hàng đã được cải thiện. Khả năng thanh toán đã tăng lên, đạt mức trên dưới 30%, tuy vậy con số này vẫn cón quá thấp. Từ sau năm 1997 đến năm 2000, VPBank hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN, mọi hoạt động
của VPBank đều phải thông qua sự nhất trí của NHNN. VPBank đã dần dần từng bước chiếm lại được vị trí của mình trong lòng khách hàng cũ cũng như những khách hàng tiềm năng.
• Giai đoạn từ sau 2000 đến nay.
Đây là thời kỳ mà VPBank bước từng bước đi thận trọng, tuy chậm mà chắc để lấy lại vị thế của mình trong giới ngân hàng. Năm 2000 đã đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong quá trình phát triển của VPBank bằng việc Hội Đồng Quản Trị quyết định lựa chọn mục tiêu chiến lược của VPBank trong 10 năm tới là xây dựng VPBank trở thành ngân hàng bán lẻ điển hình hàng đầu của Việt Nam và trong khu vực. Với mục tiêu đó, VPBank tiếp tục tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng bán lẻ, hướng tới khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân có nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng…Hoạt động của VPBank đã được mở rộng cả về số lượng và quy mô, uy tín của ngân hàng ngày càng được nâng cao, VPBank dần dần từng bước chiếm lĩnh thị trường bán lẻ và trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Trong năm 2006, VPBank sẽ triển khai dịch vụ thẻ. Đây là một bước đi cần thiết, nó tạo ra một lợi thế cạnh tranh hết sức quan trọng trong cuộc đua nhắm tới khối thị trường ngân hàng bán lẻ. Qua đó, VPBank sẽ mở rộng thị phần, nâng cao vị thế và thương hiệu của mình nhằm thực hiện mục tiêu ngân hàng bán lẻ.