Phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản

Một phần của tài liệu SỰ CHUYỂN BIẾN của PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG dân tộc ở ĐÔNG NAM á từ năm 1940 đến năm 1945 (Trang 44 - 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Các khuynh hướng trong phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Na mÁ

2.1.2. Phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản

So với phong trào dân tộc theo xu hướng tư sản, phong trào dân tộc theo xu hướng vô sản ở Đông Nam Á phát triển muộn hơn. Sau thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười năm 1917 ở Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản, phong trào dân tộc theo xu hướng vô sản mới bắt đầu phát triển. Ánh sáng của cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra con đường mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Phong trào theo xu hướng vô sản phát triển chủ yếu ở Indonesia, Việt Nam và Lào. Còn những nước khác, phong trào theo xu hướng này rất yếu ớt.

Đầu thế kỷ XX, phong trào công nhân ở Indonesia có bước phát triển, nhiều tổ chức công nhân ra đời, thúc đẩy phong trào công nhân phát triển.

Đến tháng 12 năm 1914, Liên minh xã hội dân chủ Indonesia, một tổ chức chính trị của những trí thức cách mạng Indonesia và Hà Lan được thành lập tại Sumatra. Đây là tổ chức truyền bá chủ nghĩa Mác vào Indonesia, đồng thời là cơ sở để Đảng cộng sản Indonesia ra đời năm 1920.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã tác động sâu sắc đến công nhân và nhân dân Indonesia, từ đó phong trào cách mạng phát triển lên giai đoạn mới. Tháng 8 năm 1920, Đại hội thống nhất phong trào đấu tranh của công nhân Indonesia được tiến hành. Tham gia đại hội có đại diện của 22 tổ chức công đoàn, gồm 72.000 đoàn viên tham gia [35, tr.78]. Ngày 1/5/1920, cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động do lính thủy ở Xurabaya tổ chức đã biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân. Ở Sumatra, hàng vạn người tham gia biểu tình, thị uy.

Trước sự phát triển của phong trào công nhân, ngày 23/5/1920, Đảng Cộng sản Indonesia (viết tắt là PKI) được thành lập trên cơ sở của Liên minh xã hội dân chủ Indonesia. Đây là Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tháng 12/1920, Đảng Cộng sản Indonesia đã gia nhập Quốc tế Cộng sản [6, tr.43].

Tính đến năm 1923 - 1924, PKI phát triển khá nhanh và trở thành Đảng đi đầu trong phong trào công đoàn, có ảnh hưởng lớn nhất trong giới công nhân, thợ thuyền [5, tr.1076]. Tại thời điểm này, tại thành phố Kota Gede và Djokjakarta, PKI đã có 38 chi bộ với số Đảng viên là 1.140 người và một tổ chức quần chúng là Hội liên hiệp nhân dân gồm 46 chi bộ và 31.000 hội viên [6, tr.11]. Đến năm 1925, số lượng Đảng viên của Indonesia đã đông hơn so với đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, một loạt các cuộc bãi công lớn đã nổ ra, đỉnh cao là cuộc bãi công của công nhân đường sắt vào tháng 5/1923. Để dìm tắt phong trào công nhân và cộng sản, chính quyền Hà Lan sửa đổi luật hình và quy định những hình thức phạt nặng đối với những người tham gia bãi công. Hành động đó đã thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển hơn. Năm 1925, đã nổ ra cuộc bãi công của công nhân ngành thép ở Sumatra. Mặc dù bị đàn áp nhưng làn sóng cách mạng vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Đảng Cộng sản Indonesia cho rằng đã đến lúc tiến hành một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền thực dân, thiết lập chính quyền của giai cấp vô sản kiểu Xô viết như ở nước Nga. Đại diện của Quốc tế Cộng sản ở Indonesia phản đối chủ trương này. Nhưng trong thời gian các lãnh tụ của Đảng sang Liên Xô xin chỉ thị của Quốc tế Cộng sản thì cuộc khởi nghĩa bùng nổ vào tháng 11 năm 1926 ở Giava. Quân khởi nghĩa đã chiếm được chính quyền ở một số nơi, lập nên chính quyền Xô viết và tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa. Đến tháng 1/1927, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.

Tại đảo Sumatra đêm 2/1/1927, cũng nổ ra khởi nghĩa giành chính quyền của người dân. Những người lãnh đạo Đảng đặt kế hoạch phát động khởi nghĩa cùng một lúc với đảo Giava nhưng do chỉ đạo không thống nhất, thiếu thông tin liên lạc, nên khởi nghĩa diễn ra muộn hơn. Cuộc khởi nghĩa ở Sumatra cũng chiếm được chính quyền ở nhiều thành phố và lập nên các Xô viết, nhưng chỉ tồn tại thời gian ngắn do bị thực dân Hà Lan đàn áp. Hàng nghàn nghĩa quân hy sinh, 13.00 người bị bắt, hàng nghìn người bị kết án tử hình, 4.500 bị kết án tù. Nhiều nhà lãnh đạo phải trốn ra nước ngoài. Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động [6, tr.56].

Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa, phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản bị suy yếu dần. Vai trò của Đảng Cộng sản trong phong trào dân tộc ở Indonesia đến đây về cơ bản đã chấm dứt.

Ở Việt Nam, chương trình khai thác thuộc địa của Pháp đã làm xã hội biến đổi sâu sắc. Nếu đầu thế kỷ XX, giai cấp vô sản mới ra đời, thì sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, số lượng tăng lên đông đảo. chính sách bóc lột của thực dân Pháp làm giai cấp công nhân Việt Nam bị bần cùng hóa, vì vậy, họ đã đứng dậy đấu tranh. Từ năm 1920 đến năm 1925, đã có 25 cuộc bãi công của công nhân. Năm 1925, phong trào công nhân có bước phát triển nhảy vọt. Nổi bật là cuộc bãi công của thợ máy Ba Son ở cảng Sài Gòn. Sự phát triển của phong trào công

nhân từ “tự phát” sang “tự giác” vừa là kết quả, vừa là điều kiện để những nhà cách mạng Việt Nam, đi đầu là Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin vào Việt Nam.

Sau nhiều năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin và ánh sáng của cách mạng tháng Mười Nga. Bắt đầu từ đây, Người tiến hành truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin về Việt Nam. Tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” mà nòng cốt là nhóm “Cộng sản đoàn”. Đây chính là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Với những hoạt động tích cực nên chỉ sau một thời gian ngắn ra đời, cơ sở cũng như số hội viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tăng lên nhanh chóng: “Năm 1928 mới có 300 hội viên thì năm sau con số đó là 1.700” [43, tr.128]. Từ năm 1928, Hội thực hiện chủ trương “vô sản hóa” nhằm đưa hội viên về các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, để vừa rèn luyện, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào phong trào công nhân. Vì vậy, phong trào công nhân phát triển mạnh.

Ở trong nước, một tổ chức cách mạng khác là Tân Việt cách mạng đảng cũng đi vào hoạt động, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin, giác ngộ ý thức chính trị cho quần chúng.

Đến năm 1929, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam là “Đông Dương cộng sản Đảng”, “An Nam cộng sản Đảng”“Đông Dương cộng sản liên đoàn”. Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản đã thúc đẩy cuộc đấu tranh của quần chúng chống thực dân, phong kiến ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. Nhưng sự không thống nhất của ba tổ chức cộng sản cũng gây trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Để tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên, Nguyễn Ái Quốc đã hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam ngày 3/2/1930 lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 10/1930, Đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Với khẩu hiệu:

“Dân tộc độc lập” và “Người cày có ruộng”, Đảng đã tập hợp được 2 giai cấp cơ bản trong xã hội là nông dân và công nhân thành một khối.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm 1930 - 1931 phong trào cách mạng diễn ra mạnh mẽ. Các cuộc bãi công của công nhân, nông dân diễn ra trên khắp cả nước mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng nó khẳng định đường lối cách mạng của Đảng đề ra là đúng đắn, khẳng định năng lực lãnh đạo của giai cấp vô sản. Phong trào chính là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Từ giữa những năm 30, chủ nghĩa phát xít đã trở thành nguy cơ đối với hòa bình thế giới, Đại hội lần thứ VII của quốc tế Cộng sản (tháng 7/1935) đã xác định kẻ thù trước mắt của nhân dân thế giới lúc này là chủ nghĩa phát xít. Để tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa phát xít, các nước cần thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi trên cơ sở khối liên minh công nông. Căn cứ vào tình hình trên, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định: “kẻ thù trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng; mục tiêu trực tiếp trước mắt của cách mạng Việt Nam là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình; kết hợp các hình thức đấu tranh công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp...” [43, tr.137].

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương được thành lập, đến tháng 3 năm 1938 được đổi tên thành Mặt trận dân chủ Đông Dương để tập hợp lực lượng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và bọn phản động Pháp. Các hình thức đấu tranh được tận dụng để huy động lực lượng đấu tranh và mở rộng phong trào.

Trong giai đoạn này, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân diễn ra sôi nổi, phong trào của nông dân chống cướp đoạt ruộng đất, đòi giảm tô tức cũng phát triển mạnh... Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương còn chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động, nhiều tờ báo công khai của Đảng, của Mặt trận dân chủ Đông Dương ra đời, như Tiền phong, Lao động, Bạn dân... Đảng còn tận dụng diễn đàn nghị trường để tiến hành đấu tranh công khai.

Cuộc vận động dân chủ thời kỳ 1936 – 1939 là một phong trào cách mạng rộng lớn. Thắng lợi của cuộc vận động không dừng lại ở những nhượng bộ của chính quyền thuộc địa mà là hàng triệu quần chúng được giác ngộ cách mạng, được tổ chức và tập dượt đấu tranh, đội ngũ cán bộ của Đảng được đào tạo, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Phong trào dân chủ 1936 – 1939 là cuộc diễn tập thứ hai chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cách mạng, Đảng cộng sản Đông Dương phải rút vào hoạt động bí mật. Trước sự biến đổi của tình hình trong nước và thế giới, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành Hội nghị lần thứ VI (từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939). Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách của cách mạng Đông Dương là giải phóng dân tộc. Đảng tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thay thế bằng khẩu hiệu chống địa tô cao..., tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và tay sai chia cho dân nghèo. Lực lượng cách mạng là bao gồm tất cả các tầng lớp, giai cấp, đảng phái, các phần tử phản đế mong muốn giải phóng dân tộc. Lực lượng đó được tập hợp trong Mặt trân thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.

Từ đây phong trào cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn trực tiếp chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương không chỉ là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Lào và Camphuchia.

Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, các chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Viêng Chăn, các chi bộ đảng Tân Việt ở Savanakhet, Pắcxế lần lượt chuyển đổi thành chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương [38, tr.293]. Sự ra đời các chi bộ cộng sản ở Lào thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động các bộ tộc Lào. Các Đảng viên bắt đầu đi vào quần chúng tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều tổ chức quần chúng như Liên minh chống chủ nghĩa đế quốc, Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ... được gây dựng và phát triển ở các đô thị. Tháng 3/1931, “Công hội vận tải Lào” được thành lập ở Viên Chăn.

Trong những năm 1931 - 1933, mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố, nhưng phong trào đấu tranh ở Lào vẫn phát triển mạnh mẽ: công nhân mỏ thiếc Bonèng, Phôntịu bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, tiểu thương Viêng Chăn bãi thị... Năm 1934, công nhân mỏ than Phôn tịu, công nhân trường kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn bãi công. Công nhân xưởng dệt Kapphạ, công nhân làm đường, công nhân vận tải thủy đấu tranh chống sa thải thợ, chống cúp lương nổ ra liên tiếp.

Tháng 9/1934, đại biểu cộng sản từ các địa phương Viêng Chăn, Phôntịu, Bònèng, Thà khẹt, Xavannakhet, Pắcxế đã tiến hành hội nghị Đảng bộ, cử Ban chấp hành Đảng bộ Lào và cử đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng [38, tr.311]. Hội nghị đã bàn việc phát triển các tổ chức quần chúng, thúc đẩy phong trào đấu tranh. Ngày 12/9/1934, ở Viêng Chăn, khu mỏ Hinbun (Thàkhẹt), Xavannakhet, Pắcxế các chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương đã tổ chức cho quần chúng treo cờ đỏ, trải truyền đơn ở nhiều nơi để kỷ niệm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lần thứ tư. Cũng từ đây, các tổ chức cách mạng của quần chúng ra đời ngày càng nhiều, như công hội đỏ, cứu tế đỏ, tổ chức thanh niên cộng sản.

Sự phát triển phong trào cách mạng ở Lào đe dọa nền thống trị của thực dân Pháp. Để khống chế phong trào đấu tranh của quần chúng, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp các tổ chức cộng sản. Mặc dù vậy, phong trào đấu tranh của quần chúng vẫn không ngừng phát triển.

Trong thời kỳ chống chủ nghĩa phát xít và chính quyền phản động thuộc địa những năm 1936 - 1939, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Đông Dương, các tổ chức quần chúng dưới hình thức các hội ái hữu, hội tương tế, đoàn thanh niên dân chủ lần lượt ra đời, phong trào đấu tranh đòi tăng lương, đòi dân chủ lan rộng khắp cả nước.

Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, xu hướng dân tộc theo con đường vô sản bắt đầu phát triển ở Camphuchia. Cuối năm 1931, đã xuất hiện một số cơ sở cách mạng trong Việt kiều và trong nhân dân Camphuchia. Đến năm 1934, Ban cán sự của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời ở Camphuchia với 5 chi bộ.

Trong những năm 1936 - 1939, phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thực sự phát triển. Những người cộng sản cùng với lực lượng yêu nước đã thành lập Ủy ban hành động để hưởng ứng phong trào Đông Dương Đại hội. Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, viên chức, học sinh tham gia khá tích cực vào phong trào này. Công nhân Camphuchia cũng tiến hành bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi tự do lập nghiệp đoàn, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của 300 công nhân và Việt kiều ở sở cao su Côngpông Chàm.

Mặc dù cuộc đấu tranh của nhân dân Camphuchia lúc này chưa giành được thắng lợi cụ thể, nhưng là thời kỳ nhân dân Campuchia tập dượt để bước vào giai đoạn đấu tranh cao hơn.

Một phần của tài liệu SỰ CHUYỂN BIẾN của PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG dân tộc ở ĐÔNG NAM á từ năm 1940 đến năm 1945 (Trang 44 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w