Chính sách của Pháp đối với Việt Nam

Một phần của tài liệu QUAN hệ hợp tác KINH tế, văn hóa GIÁO dục, KHOA học kỹ THUẬT GIỮA PHÁP và VIỆT năm từ năm 2005 đến năm 2016 (Trang 29 - 33)

Trong những năm từ 2005 đến 2016, quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đã chuyển biến về chất. Pháp coi Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách của họ ở châu Á, đánh giá Việt Nam có vai trò và vị trí quan trọng ở Đông Nam Á, là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình ổn định trong khu vực.

Bước vào thế kỉ XXI, trước những thay đổi của tình hình quốc tế và lợi ích của quốc gia, Pháp đã có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Trước sự phát triển năng động và những biến đổi mạnh mẽ trong cục diện chính trị ở châu Á, Pháp thấy rõ lợi ích của mình ở đây và đã nhanh chóng điều chỉnh lại chính sách đối với khu vực. Pháp cũng muốn với vị thế quan trọng của Việt Nam tại ASEAN để thúc đẩy lợi ích của Pháp tại khu vực, tranh giành lợi ích với các nước đang thúc đẩy quan hệ với ASEAN, tạo ảnh hưởng, vị thế nhất định trong quan hệ với các nước lớn khác trong khu vực như Mĩ và Trung Quốc. Mặc dù vai trò của Pháp có suy giảm do sức mạnh của các đối tác khác tăng lên

nhưng Pháp vẫn triển khai một chính sách đối ngoại toàn diện với khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Sự bình thường hóa ở khu vực Đông Nam Á lại cũng đặt ra cho Pháp những thách thức đó là sự cạnh tranh với việc mở rộng ảnh hưởng của các cường quốc khác. Muốn giữ vững chỗ đứng của mình ở đây, nước Pháp cần phải tăng cường củng cố mối quan hệ với Việt Nam - đất nước ngày càng trở nên quan trọng và có uy tín trong khu vực.

Do yếu tố lịch sử, văn hóa và nhất là do tiềm năng, vị trí của Việt Nam trên đường đổi mới ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Pháp mong muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam, tạo ảnh hưởng, sức hấp dẫn và lấy lại hình ảnh, vị thế của Pháp tại Việt Nam, từ đó lan tỏa ảnh hưởng sang các nước Đông Nam Á khác: “Việt Nam nằm trong khu vực châu Á là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Pháp vì quan hệ giữa Pháp và Việt Nam có những đặc thù mà những đối tác khác không có. Có thể nói từ sau Chiến tranh lạnh đến nay Pháp thực hiện một chính sách đối ngoại nhất quán đối với Việt Nam, coi Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp ở khu vực. Với chính sách đó, Pháp mong muốn duy trì và đẩy mạnh ảnh hưởng truyền thống của họ ở ba nước Đông Dương và hy vọng Việt Nam đóng vai trò “cầu nối” cho sự hợp tác của Pháp với các nước trong khu vực [27]. Phát triển quan hệ với Việt Nam, Pháp có một lợi thế mà không có một nước lớn nào có được, đó là sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp trong đời sống Việt Nam. Văn hóa Pháp trong quá khứ đã để lại dấu ấn và ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư Việt Nam và Đông Dương, các thuộc địa mà Pháp đã cai trị hàng trăm năm. Do đó việc khôi phục và phát triển ảnh hưởng của Văn hóa Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ là yếu tố quan trọng trong chính sách của Pháp đối với Việt Nam.

Đặc biệt hơn, kể từ sau khi Pháp tuyên bố “hành động chủ động của Pháp tại châu Á” và coi Việt Nam là cửa ngõ vào Đông Nam Á, chính phủ nước này không ngừng đẩy mạnh quan hệ trên tất cả các lĩnh vực. Một mặt, Pháp giúp Việt Nam

xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu, ngược lại Việt Nam giúp Pháp có chỗ đứng trong khu vực châu Á [49]. Trong buổi tiếp đón Tổng bí thư Việt Nam Lê Khả Phiêu (tháng 5/2000), Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac đã nhấn mạnh: “Tại các Hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia châu Á và châu Âu, chúng ta cùng phấn đấu cho một thế giới đa cực, một thế giới mà cả hai nước đều mong muốn xây dựng’’[33]. Năm 2004 trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống cộng hòa Pháp Jacques Chirac cũng khẳng định: “Cộng hòa Pháp coi việc phát triển quan hệ với Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách của Cộng hòa Pháp đối với khu vực châu Á và tiếp tục hỗ trợ công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” [50].

Thông qua Việt Nam, Pháp có thể đẩy mạnh quan hệ hợp tác với ASEAN, giúp nước Pháp đa phương hóa quan hệ chính trị, đối ngoại của mình trong điều kiện toàn cầu hóa, tăng cường sự hiện diện chính trị và an ninh của mình ở châu Á. Bên cạnh đó còn giúp Cộng hòa Pháp tạo thế cân bằng với Mĩ, Nhật Bản, Trung Quốc… tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần mang lại hòa bình, ổn định chính trị cho hai lục địa châu Á - Âu cũng như trên thế giới. Mặt khác, Việt Nam là nước đang phát triển, đang đổi mới và hội nhập tích cực vào nền kinh thế giới với dân số hơn 90 triệu người, lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, tay nghề cao và được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển năng động và tương đối ổn định trên thế giới hiện nay. Thế mạnh của Việt Nam là tình hình chính trị, xã hội ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng cởi mở. Đặc biệt Việt Nam là thị trường rộng lớn với mối liên kết thị trường ASEAN – AFTA, ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), giúp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước Pháp tiếp cận với khu vực thị trường quan trọng này, từ đó ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương và tăng cường khả năng cạnh tranh với các nước như Mĩ, Đức, Nhật Bản… Có thể nói, Việt Nam là một lá bài kinh tế của nước Pháp thâm nhập ngày

càng sâu vào khu vực này. Lợi thế và sức hấp dẫn của mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đã được Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean Nougreda chỉ rõ trong bài phát biểu năm 2004: “Chính sách Việt Nam của Cộng hòa Pháp được suy tính trên quy mô khu vực. Chính sách này mang lại lợi ích cho cả hai nước, Cộng hòa Pháp có thể giúp Việt Nam phát triển và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu. Để đáp lại, Việt Nam giúp Cộng hòa Pháp có lại chỗ đứng trong khu vực châu Á. Đó là một bàn đạp cho sự trở lại châu Á của Pháp’’ [23]. Trong cuộc họp báo sáng 24/3/2010 tại Hà Nội, nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, Đại sứ Cộng hòa Pháp Francois Girault khẳng định, Cộng hòa Pháp coi “Việt Nam là cửa ngõ của Cộng hòa Pháp vào châu Á”, [34] cầu nối để Cộng hòa Pháp mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực.

Năm 2013 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai bên đã tổ chức “Năm Pháp – Việt Nam” và nâng tầm quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hướng tới sự phát triển ở tầm cao mới, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn, đáp ứng được yêu cầu về phát triển và đối ngoại của hai nước. Nước Pháp đang thực hiện chính sách tăng cường sự hiện diện và quan hệ với các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Tổng thống Pháp Francois Holland đã có nhiều chuyến thăm đến khu vực này, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius cũng có nhiều chuyến công cán sang khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 5/8/2013 của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius là nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande (từ ngày 5 đến 7/9/2016), Chính phủ hai nước đã khẳng định quyết tâm đưa quan hệ đối tác chiến lược sang một giai đoạn mới,

phát triển thực chất, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu ...

Trên cơ sở bối cảnh khu vực, nước Pháp đã thiết lập, điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Pháp mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam, tăng cường xuất khẩu hàng hóa, công nghệ Pháp vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Pháp đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trên nhiều mặt hàng, lĩnh vực… tạo sức cạnh tranh với một số mặt hàng với các nước khác… Bên cạnh đó, Pháp muốn thúc đẩy các dự án hợp tác xuất khẩu vũ khí, khí tài quân sự cho Việt Nam; hợp tác nghiên cứu và bán công nghệ cao cho Việt Nam; thúc đấy các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam, tăng cường đầu tư các dự án y tế, giáo dục tại Việt Nam; thu hút học sinh, bệnh nhân, khách du lịch tại Việt Nam đến Pháp học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc tiếp cận các điều kiện học tập, chữa bệnh tiên tiến của các nhà đầu tư Pháp tại Việt Nam; thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước, tư đó duy trì hình ảnh của nước Pháp tại Việt Nam, mong muốn Việt Nam tham gia sâu hơn vào các tổ chức do Pháp đứng đầu.

Một phần của tài liệu QUAN hệ hợp tác KINH tế, văn hóa GIÁO dục, KHOA học kỹ THUẬT GIỮA PHÁP và VIỆT năm từ năm 2005 đến năm 2016 (Trang 29 - 33)