Thực trạng sử dụng các công cụ quản lý tài chính tại các bệnh viện

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Trang 85 - 89)

5. Bố cục của luận văn

3.2.4.Thực trạng sử dụng các công cụ quản lý tài chính tại các bệnh viện

công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

3.2.4.1. Hệ thống chính sách pháp luật của nhà nước

Thực hiện nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn số 71/2006/TT-BTC ngày 09/08/2006 của Bộ Tài chính qui định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, chi trả thu nhập trong năm cho người lao động và trích lập sử dụng các quỹ (đặc biệt là quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp) để phát triển bệnh viện. Cụ thể trong các hoạt động các bệnh viện được chủ động thực hiện:

+ Về thực hiện nhiệm vụ các bệnh viện đã thể chế hóa tất các các hoạt động dưới hình thức văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, quan hệ và lề lối làm việc trong các bệnh viện.

+ Về biên chế các bệnh viện tuyến tỉnh hạng 2 có nguồn thu cao tự quyết định số biên chế hợp đồng trong đơn vị. Giám đốc các bệnh viện được quyền quyết định ký hợp đồng thuê khoán đối với các công việc không cần thiết bố trí biên chế.

+ Về tài chính các bệnh viện có thể góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ, được vay vốn của các tổ chức tín dụng cũng như được phép huy động vốn của cán bộ viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng, nâng cao hoạt động sự nghiệp.Giám đốc các bệnh viện được quyền quyết định một số mức chi quản lý và chi hoạt động nghiệp vụ cao hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định, được quyết định khoán chi phí cho từng bộ phận đơn vị trực thuộc. Đặc biệt các bệnh viện có nguồn thu lớn được toàn quyền quyết định mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ viên chức trong năm sau khi thực hiện trích lập quỹ theo quy định.

3.2.4.2. Công tác kế hoạch

Các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện lập kế hoạch thu chi tài chính hàng năm nhằm bảo đảm cho các khoản thu chi tài chính của các bệnh viện được đảm bảo. Căn cứ vào quy mô hoạt động, số lượng cán bộ công nhân viên, số giường bệnh, cơ sở vật chất và các hoạt động dịch vụ năm báo cáo các bệnh viện dự kiến nguồn thu năm kế hoạch. Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện xây dựng kế hoạch hàng năm sát với thực tế nhằm đảm bảo hoạt động thường xuyên và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

3.2.4.3. Qui chế chi tiêu nội bộ

Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều đã thực hiện xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để huy động nguồn thu và kiểm soát chi tiêu sao cho hiệu quả. Nội dung của quy chế quy định định mức, tiêu chuẩn các khoản chi về tiền lương, phụ cấp cho người lao động, định mức chi cho công tác quản lý, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm sửa chữa và trích lập các quỹ. Ngoài ra, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng rất nhiều nội dung chi tiêu cụ thể khác trong quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định hiện hành của nhà nước. Tuy nhiên, một số bệnh viện vẫn còn chậm trễ và gập khó khăn trong việc xây

dựng quy chế chi tiêu nội bộ, một số trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ rất chi tiết nhưng một số nội dung chi và mức chi không phù hợp. Ngoài ra, quy chế chi tiêu nội bộ ở một số bệnh viện chưa phân cấp quản lý tài chính cho các đơn vị trực thuộc chính điều này hạn chế tính chủ động sáng tạo của các đơn vị trực thuộc trong việc huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách để tăng nguồn thu.

3.2.3.4. Công cụ hạch toán, kế toán, kiểm toán

Công tác hạch toán kế toán trong các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trước đây được thực hiện theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo quyết định 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 2 tháng 11 năm 1996 của Bộ tài chính. Bắt đầu từ năm 2006 công tác hạch toán kế toán được thực hiện theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp thay thế Quyết định 999/TC/QĐ/CĐKT.

Hiện nay việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã từng bước đi vào nề nếp, ổn định và bước đầu đã tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các bệnh viện. Lãnh đạo các bệnh viện đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm toán nội bộ nên đã tổ chức triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ tại đơn vị. Tại các bệnh viện đã thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm toán định kỳ hàng năm. Việc kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo các hoạt động thu chi của bệnh viện thực hiện theo đúng chế độ tài chính của nhà nước, hạn chế rủi ro thất thoát tài sản và nhằm làm lành mạnh hoá hoạt động tài chính của bệnh viện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua hoạt động kiểm toán nội bộ cũng tồn tại một số hạn chế như một số bệnh viện còn xem nhẹ công tác kiểm toán nội bộ, có bệnh viện hầu như không tổ chức công tác kiểm toán nội bộ, hầu hết cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ đều là cán bộ quản lý làm công tác kiêm nhiệm nên không có chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến công tác kiểm toán chỉ mang nặng về hình thức.

3.2.4.5. Kiểm tra, thanh tra

Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được thực hiện thường xuyên và đột xuất cụ thể như sau :

- Kiểm tra, thanh tra thường xuyên:

+ Tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều có thành lập ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ thanh tra kiểm tra tất cả các mảng hoạt động của nhà trường trong đó có thanh tra kiểm tra nội bộ định kỳ về tài chính.

+ Hàng ngày, kho bạc nhà nước là nơi kiểm soát tất cả các hoạt động thu chi tài chính có nguồn gốc NSNN của các bệnh viện thông qua quy chế chi tiêu nội bộ của các bệnh viện.

+ Định kỳ hàng năm các bộ, ngành và Sở y tế trực tiếp kiểm tra và thẩm định phê duyệt quyết toán hàng năm cho các bệnh viện. Đặc biệt, nhà nước đã quy định thực hiện công khai tài chính, công khai phân bổ và sử dụng NSNN hàng năm theo quyết định 192/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng. Điều này không chỉ giúp các bệnh viện tự kiểm tra, thanh tra mà còn thực hiện tốt quy chế công khai dân chủ trong các bệnh viện .

- Kiểm tra, thanh tra đột xuất: Ngoài các hoạt động kiểm tra, thanh tra thường xuyên được thực hiện như trên, công tác kiểm tra, thanh tra đối với quản lý tài chính các bệnh viện còn có các đoàn thanh tra đột xuất như : Kiểm toán Nhà nước, thanh tra Bộ Tài chính và thanh tra của các đơn vị quản lý trực tiếp. Cụ thể, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2011 có đoàn kiểm toán Nhà nước, 2012 có đoàn thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ , năm 2010- 2012 có đoàn kiểm toán Nhà nước.

Nhìn chung công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động tài chính của các bệnh viện được nhà nước quan tâm và thực hiện thường xuyên nhằm hướng các hoạt động tài chính của bệnh viện thực hiện theo quy định và làm lành mạnh hoá hoạt động tài chính của các bệnh viện

3.2.4.6. Tổ chức bộ máy quản lý tài chính

Hiện nay các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện tổ chức bộ máy quản lý tài chính theo hướng gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả. Các bệnh viện thực hiện ban hành hướng dẫn về quy trình, thủ tục, thời hạn thanh toán cho cán bộ viên chức trong đơn vị thực hiện và thường xuyên điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ khi có sự thay đổi về chính sách cũng như khi định mức chế độ chi tiêu không còn phù hợp.

Các bệnh viện thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ làm công tác quản lý tài chính không những giỏi về chuyên môn mà còn thành thạo về tin học để khai thác có hiệu quả hệ thống máy móc thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính. Tại các bệnh viện đã tiến hành đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính cho bộ máy kế toán và đầu tư xây dựng phần mềm kế toán áp dụng thống nhất trong toàn bệnh viện.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Trang 85 - 89)