II. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN HÓA ĐẾN 2025, TÂM NHÌN
4. Định hướng phát triển Nghệ thuật biểu diễn
4.1. Định hướng phát triển và Tầm nhìn
Phát triển hoạt động Nghệ thuật biểu diễn đến 2025, tầm nhìn đến 2030 đảm bảo 2 mục tiêu: (1) Tăng mức hưởng thụ nghệ thuật của người dân so với thời điểm hiện nay, và (2) Bảo tồn, phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của tỉnh.
Bảng: Mục tiêu phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến 2025, tầm nhìn 2030 Giai đoạn đến 2020 Giai đoạn đến 2025 Tầm nhìn đến 2030
Tăng cường cơ sở Nâng cao năng lực Tỉnh phát triển mạnh về nghệ thuật biểu diễn
Tăng cường cơ cở vật chất cho ngành.
Tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ cho ngành.
Chuyển đổi mô hình hoạt động.
Xây dựng cơ chế hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo hình thức xã hội hóa.
Bảo tồn và phát huy tốt các giá trị nghệ thuật biểu diễn truyền thống tiêu biểu của tỉnh.
Đưa Hà Tĩnh thành một tỉnh mạnh về nghệ thuật biểu diễn, với mức thụ hưởng nghệ thuật của người dân ở mức cao.
Bảo tồn và phổ biến những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc.
- Giai đoạn đến 2020: Tăng cường cơ sở hạ tầng cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống, gồm: xây dựng nhà hát, nhà luyện tập, trang thiết bị phục vụ tập luyện và biểu diễn; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.
- Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng cơ chế từng bước đưa loại hình nghệ thuật biểu diễn Ca – Múa - Nhạc hoạt động theo hướng xã hội hóa nhằm tự chủ một phần ngân sách hoạt động. Bảo tồn, phát huy và quảng bá các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đặc sắc của tỉnh.
- Tầm nhìn đến 2030: Tiếp tục phát triển Nhà hát nghệ thuật truyền thống làm hạt nhân, đưa Hà Tĩnh thành một tỉnh mạnh về Nghệ thuật biểu diễn, với mức thụ hưởng nghệ thuật của người dân ở mức cao. Bảo tồn, phát huy và quảng bá các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đặc sắc của tỉnh.
4.2. Kế hoạch phát triển đến 2025
Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh là đơn vị sự nghiệp có thu, với nhiệm vụ: Sưu tầm, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu; Dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật Ca – Múa – Nhạc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân; Khảo sát, biên soạn, phân loại hệ thống, ghi băng, ghi hình các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của tỉnh; Hỗ trợ phát triển phong trào sáng tác và biển diễn các loại hình nghệ thuật cho các phong trào văn hóa văn nghệ, các câu lạc bộ nghệ thuật ở cơ sở.
Về cơ sở vật chất: xây dựng trụ sở mới (có nhà biểu diễn nghệ thuật) cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống ở thành phố Hà Tĩnh, phấn đấu đến 2020 sẽ đưa công trình vào sử dụng. Trụ sở mới sẽ có các phân khu chức năng như sau: - Khối công trình biểu diễn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thể nghiệm sân khấu với qui mô 1.000-1.500 chỗ ngồi: Khu vực trưng bày sưu tầm vật phẩm văn hóa và trưng bày mô hình; Sân khấu biểu diễn; Hậu trường, phòng đạo cụ, phòng hóa trang, phòng kỹ thuật, sảnh chính,…; - Khối công trình phục vụ công tác sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa: Phòng sưu tầm vật phẩm, thông tin hình ảnh, âm thanh về văn hóa; Không gian nghiên cứu, phục dựng các trò diễn xướng; Phòng trưng bày, quáng bá thông tin bằng hình ảnh và âm thanh trực quan,…; - Khối công trình phát huy, thể nghiệm sân khấu dân gian, phục dựng môi trường hát dân ca: Phòng tập luyện; Phòng thu âm, biên tập; Phòng tập huấn công tác tuyên truyền, quảng bá,…; - Khối công trình hành chính, phục vụ.
Về trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tập luyện, biểu diễn nghệ thuật và sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa gồm: - Hệ thống thiết bị phục vụ công tác sưu tầm, bảo tồn: Máy quay phim, máy chụp ảnh, máy thu-phát, lưu trữ; phương tiện đi lại phục vụ công tác sưu tầm,..; - Hệ thống thiết bị phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Âm thanh, sân khấu, hệ thống ánh sáng sân khấu, phương tiện phục vụ lưu diễn ở cơ sở trong và ngoài tỉnh,..; - Hệ thống chế bản điện tử, bảo tồn và biên tập: Máy tính, máy chiếu, phần mềm biên tập-dựng phim, màn hình âm thanh, đầu đọc và các thiết bị điện tử khác,..; - Trang thiết bị văn phòng.
Về đội ngũ cán bộ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống được cơ cấu như sau:
- Ban lãnh đạo: đảm bảo có trình độ chuyên môn Đại học chuyên ngành Nghệ thuật trở lên.
- Phòng Hành chính – Tổ chức: đảm bảo có trình độ chuyên môn Đại học, Cao đẳng chuyên ngành Hành chính - quản trị trở lên.
- Phòng bảo tồn nghệ thuật truyền thống có nhiệm vụ: Sưu tầm, bảo tồn dân ca xứ Nghệ; Xây dựng các chương trình nghệ thuật sân khấu nhỏ biểu diễn
phục vụ nhân dân; Phục hồi, lưu giữ và phát huy các trò diễn xướng dân gian, dân vũ, dân ca cổ, hò, vè, ví giặm, sắc bùa, Ca trù, múa rối cạn,…
- Phòng nghệ thuật: Phụ trách các vấn đề nghệ thuật của 2 đoàn nghệ thuật của Nhà hát.
- Thành lập Đoàn nghệ thuật truyền thống (đoàn 1) có nhiệm vụ: Bảo tồn và phát huy, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của tỉnh. Cơ cấu gồm: lãnh đạo đoàn; bộ phận sưu tầm, bảo tồn; bộ phận kỹ thuật; bộ phận diễn viên ca kịch, thể nghiệm sân khấu; và bộ phận nhạc công dân tộc. Về trình độ chuyên môn, đảm bảo có 25% cán bộ có trình độ Đại học, Cao đẳng, 75% cán bộ có trình độ Trung cấp trở lên.
- Thành lập Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc (đoàn 2) có nhiệm vụ: Xây dựng, tổ chức và biểu diễn các chương trình nghệ thuật Ca – Múa – Nhạc tổng hợp; Quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của Hà Tĩnh; Tham gia các hội diễn, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong dàn dựng và biểu diễn. Về trình độ chuyên môn, đảm bảo 20% cán bộ có trình độ Đại học, Cao đẳng, 80% cán bộ có trình độ Trung cấp trở lên.
Về biểu diễn nghệ thuật: Đến 2025, phấn đấu (1) Tăng gấp đôi mức hưởng thụ nghệ thuật hiện nay của người dân và (2) Tăng gấp đôi số buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ ở miền núi, vùng sâu.
- Tăng gấp đôi mức hưởng thụ nghệ thuật hiện nay: Hiện mức hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn bình quân đạt 65 lượt xem/1.000 người/năm. Đến 2020, đưa mức hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn lên gấp 1,5 lần hiện nay, đạt 80-85 lượt xem/1.000 người/năm, và đến 2025, gấp 2 lần hiện nay, đạt 120-130 lượt xem/1.000 người/năm. Cụ thể, để thực hiện mục tiêu trên, đến 2020, Nhà hát nghệ thuật truyền thống thực hiện 125-135 buổi diễn/năm và thu hút khoảng 100.000-110.000 lượt xem/năm, đến 2025, thực hiện khoảng 160- 170 buổi diễn/năm và thu hút khoảng 160.000-170.000 lượt xem/năm.
- Tăng gấp đôi số buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ ở miền núi, vùng sâu: Giai đoạn 2010-2015, số buổi diễn nghệ thuật phục vụ ở miền núi, vùng sâu chỉ chiếm 15% tổng số buổi diễn. Mục tiêu đến 2025 là thu hẹp sự chênh lệch hiện nay nhằm hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và hưởng thụ văn hóa ở miền núi, vùng sâu và đồng bằng. Cụ thể, đến 2020, phấn đấu thực hiện 30% tổng số buổi diễn nghệ thuật ở miền núi, vùng sâu, và đến 2025, tỉ lệ này đạt 50%.
Về bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống: Phương hướng đến 2025: Ưu tiên thực hiện công tác sưu tầm, phục dựng, lưu trữ bằng hình ảnh tĩnh/động các loại hình nghệ thuật có giá trị đặc sắc, có nguy cơ mai một, thất truyền cao, tiêu biểu như: Ca trù, Ví giặm, hò, vè, hát Sắc bùa,... Song song, đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy và phổ biến các loại hình nghệ thuật truyền thống
đặc sắc đã được bảo tồn. Cụ thể là xây dựng các chương trình sân khấu thể nghiệm nghệ thuật truyền thống. Mục tiêu đến 2020, Nhà hát dàn dựng 1 chương trình, với 15-25 buổi diễn, và đến 2025, dàn dựng 3 chương trình, với 35-40 buổi diễn/năm/năm.
Về hợp tác, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước: Tổ chức và tham gia giao lưu biểu diễn nghệ thuật với các tỉnh trong cả nước: 1-2 chương trình/năm; Tổ chức và tham gia giao lưu biểu diễn nghệ thuật với nước ngoài: 1-2 chương trình/năm; Tổ chức các chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống, như: Ca trù, Ví, Giặm, Sắc bùa,... ở cấp khu vực (Bắc Trung bộ, miền Bắc): phấn đấu trong 2-3 năm tổ chức hoặc tham gia 1 chương trình, liên hoan biểu diễn.
Bảng: Mục tiêu phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến 2025
TT Nội dung Đơn vị 2015 2020 2025 2030
1 Chương trình Ca Múa Nhạc
Số Chương trình Chương trình/năm 2 3 5 8-10
Số buổi biểu diễn Buổi/năm 77 110 130 240-260
Lượt người xem Lượt/năm 80.000 100.000 150.000 300.000
2 Chương trình sân khấu thể nghiệm nghệ thuật truyền thống
Số Chương trình Chương trình/năm 0 1 3 5-6
Số buổi biểu diễn Buổi/năm 0 15-25 35-40 70-80
Lượt người xem Lượt/năm 0 5.000 10.000 20.000
4.3. Tầm nhìn đến 2030
Tiếp tục phát triển Nhà hát Nghệ thuật truyền thống nhằm đưa Hà Tĩnh thành một tỉnh mạnh về Nghệ thuật biểu diễn, với mức thụ hưởng nghệ thuật của người dân ở mức cao. Phấn đấu đến 2030, đưa mức thụ hưởng nghệ thuật biểu diễn gấp đôi so với năm 2025.
Về phương hướng hoạt động, đẩy mạnh thực hiện công tác sưu tầm, phục dựng, lưu trữ bằng hình ảnh tĩnh/động đối với hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống khác trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh công tác bảo tồn, Nhà hát cần tăng cường đầu tư xây dựng các chương trình quảng bá, phổ biến các loại hình nghệ thuật này đến người dân.
Tăng cường đầu tư cho các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, xem đây là một giải pháp quan trọng trong công tác phổ biến các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh với các tỉnh trong nước và nước ngoài.
Về cơ sở vật chất, xem xét xây dựng Bảo tàng nghệ thuật truyền thống của tỉnh .
4.4. Giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn
- Xây dựng cơ sở vật chất cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống, trong đó nhà biểu diễn có quy mô đạt 1.000-1.500 chỗ ngồi.
- Xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho những người hoạt động nghệ thuật để thu hút những tài năng nghệ thuật và động viên những người hoạt động nghệ thuật lao động sáng tạo, đóng góp cho phát triển nghệ thuật, như: Cơ chế đặc thù về tuyển dụng và đào tạo những tài năng nghệ thuật trẻ; Chế độ đãi ngộ riêng đối với người hoạt động nghệ thuật nói chung; Cơ chế làm việc và chế độ đãi ngộ riêng đối với những người hoạt động nghệ thuật lâu năm,...
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch để phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống, phổ biến các loại hình nghệ thuật truyền thống đến đông đảo công chúng, như: Tổ chức trưng bày, quảng bá thông tin bằng hình ảnh và âm thanh trực quan; Dàn dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình về các loại hình nghệ thuật truyền thống; Hỗ trợ chuyên môn về các loại hình nghệ thuật truyền thống đối với phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở, các câu lạc bộ nghệ thuật,...
- Tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước: Phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với các đơn vị trong và ngoài nước là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy, phổ biến các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của tỉnh.
- Ưu tiên tăng số buổi diễn nghệ thuật ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống văn hóa nghệ thuật và thu hẹp sự chênh lệch về thụ hưởng nghệ thuật so với vùng đồng bằng.