I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
3. Giải pháp về vốn đầu tư
Trước nhu cầu và mục tiêu phát triển ngành văn hoá, thể thao đến 2025, tầm nhìn 2030, việc huy động và đảm bảo nguồn vốn đóng vai trò quyết định đến sự thành công của việc triển khai Quy hoạch này.
Trong giai đoạn tới, nhu cầu nguồn vốn cần ưu tiên đầu tư cho:
- Xây dựng mới cơ sở vật chất nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao các cấp;
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đào tạo, bồi dưỡng hay tuyển dụng mới nhằm đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá: nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật; nâng cao chất lượng các hội thi, hội diễn; bồi dưỡng các tài năng văn hoá nghệ thuật, thể thao.
Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành văn hóa, thể thao đến 2025, giải pháp về vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch này là: (1) tái cơ cấu nguồn vốn ngân sách và (2) huy động vốn từ các nguồn ngoài ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa.
3.1. Giải pháp tái cơ cấu nguồn vốn ngân sách
Trong giai đoạn 2010-2015, vốn ngân sách cấp cho hoạt động văn hóa, thể thao vừa hạn chế (không đáp ứng đủ nhu cầu của ngành), vừa không cố định (tăng giảm theo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, chứ không dựa vào nhu cầu hoạt động của ngành). Dự báo đến 2025, nguồn vốn ngân sách cho sự nghiệp văn hóa, thể thao của ngành sẽ tăng theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, nhưng nhiều khả năng nguồn vốn ngân sách này cũng sẽ không cố định.
Sự hạn chế của nguồn vốn ngân sách sẽ không đáp ứng được các mục tiêu phát triển ngành văn hóa, thể thao mà Quy hoạch đề ra, tuy nhiên đây vẫn là một nguồn vốn cơ bản để ngành thực hiện các mục tiêu phát triển của Quy hoạch. Do đó, tái cơ cấu nguồn vốn ngân sách là một trong những giải pháp quan trọng giúp ngành sử dụng hiệu quả nguồn vốn này phục vụ cho các mục tiêu phát triển của Quy hoạch.
Tái cơ cấu cấp vốn ngân sách các cấp
Trong giai đoạn 2010-2015, vốn ngân sách cho các hoạt động văn hóa, thể thao chủ yếu tập trung cho cấp tỉnh và huyện. Bảng cơ cấu cho thấy, vốn ngân sách cho 2 cấp này luôn chiếm trên 90%. Trong khi đó, vốn ngân sách cho cấp xã chiếm từ 6% đến 7% (trừ năm 2012 là trên 10%). Thực trạng hoạt động của ngành văn
hóa, thể thao thể hiện rõ điều này: hoạt động của các đơn vị cơ sở chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của các đơn vị cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
Bảng: Cơ cấu vốn ngân sách các cấp
Ngân sách các cấp 2010 2011 2012 2013 2014
Cấp tỉnh (%) 29,2 30,2 47,5 50,6 62,6
Cấp huyện (%) 62,6 63,4 40,1 49,4 37,4
Cấp xã (%) 7,2 6,4 12,4 0 0
Tổng (%) 100 100 100 100 100
Nguồn: Số liệu của Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở VHTT&DL; Phân tích của VICAS.
Mục tiêu của Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao đến 2025 là tăng cường hoạt động của các đơn vị văn hóa, thể thao cơ sở. Do đó, ngành văn hóa, thể thao cần xây dựng kế hoạch bố trí lại nguồn vốn ngân sách một cách hợp lý nhằm hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Đặc biệt là thời điểm các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã (Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã) được hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Tái cơ cấu vốn ngân sách trong các lĩnh vực
Bảng “Cơ cấu vốn ngân sách các cấp theo lĩnh vực 2010-2015” cho thấy: Trong giai đoạn này, ngành văn hóa, thể thao sử dụng một khối lượng lớn nguồn vốn ngân sách cho lĩnh vực “Đầu tư” (gồm xây dựng công trình văn hóa và trùng tu) nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Đặc biệt là cấp huyện, nguồn vốn ngân sách chi cho lĩnh vực “Đầu tư” thường chiếm tỷ lệ lớn, trên 60%, cá biệt có năm gần 90%.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mức chi cho nhiệm vụ “Thường xuyên” có xu hướng tăng lên, nhất là ở cấp tỉnh (thường đạt trên 70%), và ở cấp huyện đạt gần 40%.
Bảng: Cơ cấu vốn ngân sách các cấp theo lĩnh vực
2010 2011 2012 2013 2014 Cấp tỉnh (100%) Đầu tư 33,3 26,0 48,5 27,0 27,6 Thường xuyên 66,7 74,0 51,5 73,0 72,4 Cấp huyện (100%) Đầu tư 89,9 90,8 83,2 64,1 63,0 Thường xuyên 10,1 9,2 12,8 35,9 37,0
Nguồn: Số liệu của Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở VHTT&DL; Phân tích của VICAS.
Nhu cầu về nguồn vốn dành cho xây dựng các công trình văn hóa, thể thao đến 2025 là rất lớn. Sự hạn chế của nguồn vốn ngân sách sẽ không đáp ứng nhu cầu đầu tư của ngành. Bên cạnh việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho các công trình văn hóa, thể thao, việc tái cơ cấu nguồn vốn ngân sách theo lĩnh vực là giải pháp cần thiết để thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch. Đó là vừa hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất của ngành văn hóa, thể thao, vừa nâng cao khả năng hoạt động của các đơn vị ngành văn hóa, thể thao. Việc xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn ngân sách theo lĩnh vực một cách hợp lý sẽ mở ra triển vọng tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cho các hoạt động
chuyên môn của các đơn vị cấp tỉnh hoặc hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao của các đơn vị cấp huyện, xã và cơ sở.
3.2. Giải pháp huy động vốn (ngoài ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa)
Khuyến nghị với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tăng ngân sách cho ngành văn hóa, thể thao
Trong giai đoạn 2008-2015, mức ngân sách dành cho sự nghiệp văn hóa, thể thao vừa rất hạn chế, vừa không ổn định: Năm 2010, chi ngân sách văn hóa đạt tỉ lệ cao nhất (1,5%) trong tổng chi ngân sách tỉnh, đến năm 2014 chỉ còn là 0,86%; và ngân sách thể thao chiếm 0,19% tổng chi ngân sách tỉnh.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh và ngành văn hóa, thể thao khuyến nghị với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tăng ngân sách cho phát triển ngành văn hóa, thể thao trong tổng ngân sách tỉnh theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Đây là một khuyến nghị quan trọng đối với sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao nói chung cũng như với các mục tiêu của Quy hoạch nói riêng.
- Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX xác định: mức đầu tư cho sự nghiệp văn hoá - thông tin theo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh/thành phố và không thấp hơn mức 1,8% tổng chi ngân sách tỉnh/thành phố hàng năm.
- Để thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn 2030, ngành văn hóa, thể thao khuyến nghị Tỉnh ủy, HĐND tăng mức chi ngân sách hàng năm cho các hoạt động văn hóa, thể thao đạt mức 1,3-1,5% tổng chi ngân sách tỉnh.
Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh đối với các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm cấp tỉnh
Ngành văn hóa, thể thao cần tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh đối với các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm cấp tỉnh, như: Bảo tàng, nhà hát biểu diễn nghệ thuật, rạp chiếu phim,... Vì đây là những công trình văn hóa công cộng quan trọng, là tiêu chí xếp hạng trong mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
Ngoài ra, ngành có thể tranh thủ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, thể thao, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (dành cho các công trình văn hóa, thể thao) và nguồn vốn xã hội hoá cho các công trình trùng tu.
Nguồn vốn xã hội hoá
Nguồn vốn xã hội hoá là hết sức quan trọng trong việc đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao và tu bổ tôn tạo các di tích,... Tổng kết sơ bộ nguồn vốn xã hội hóa trong giai đoạn (1989-2014), tỉnh Hà Tĩnh đã huy động nguồn vốn xã hội hóa được 670 tỷ đồng xây dựng hệ thống Nhà Văn hóa và 164 tỷ đồng xây dựng hệ
thống sân, bãi thể thao của xã/thôn. Nguồn vốn này nhiều gấp 2 lần so với nguồn ngân sách Đầu tư của ngành văn hóa, thể thao trong 8 năm 2010-2015.
Trong giai đoạn đến 2025, nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình văn hóa, thể thao là rất lớn, nhất là những công trình văn hóa, thể thao ở cơ sở, cấp xã, thôn/làng. Sự hạn chế của nguồn vốn ngân sách và thực tế những năm qua cho thấy: việc huy động nguồn vốn ngân sách có vai trò quan trọng đối với việc huy động vốn để thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao đến 2025.
Mục tiêu lớn nhất của Quy hoạch là nâng cao đời sống văn hóa thể chất và tinh thần của người dân thông qua việc tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Do đó, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển văn hóa, thể thao cần thực hiện theo định hướng cho từng giai đoạn cụ thể.
- Giai đoạn đến 2025: tiếp tục huy động nguồn vốn xã hội hóa cho hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (cấp xã và thôn/làng);
- Tầm nhìn đến 2030: khi hệ thống công trình văn hóa, thể thao cơ bản được kiện toàn, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cần thực hiện theo định hướng: hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Một số giải pháp cụ tfgchể nhằm huy động nguồn vốn xã hội hóa:
- Ngành văn hóa, thể thao các cấp tham mưu cho các cấp chính quyền để xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, và hỗ trợ trực tiếp để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao.
- Ngành văn hóa, thể thao các cấp tham mưu cho các cấp chính quyền để xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm huy động người dân tiếp tục tham gia đóng gópkinh phí xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, và phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao.