Chiến lược và các cấp chiến lược của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-nguyen-thi-my-nguyet (Trang 30 - 31)

5. Kết cấu luận án

2.1.1. Chiến lược và các cấp chiến lược của doanh nghiệp

2.1.1.1. Chiến lược của doanh nghiệp

Tác giả Kenneth Andrews ([105], 1987) đưa ra quan điểm chiến lược là tất cả các hành động của DN dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong bối cảnh có những cơ hội và cả những mối đe dọa xuất hiện. Porter ([129], 1996) nhận định chiến lược là một chuỗi các hoạt động của DN để tạo ra một tập hợp giá trị độc đáo, khác biệt và giúp cho DN cạnh tranh thành công. Tác giả F. David ([86], 2008, tr.55) cho rằng “Chiến lược là tập hợp quyết định và hành động cho phép dự đoán trước, hoặc ít nhất là dự báo được một tương lai có thể nhìn thấy trước nhưng vẫn còn đầy bất trắc và rủi ro”. Johnson và Scholes ([88], 2008, tr.47) định nghĩa “Chiến lược bao hàm việc ấn định các mục tiêu cơ bản, dài hạn của DN, đồng thời lựa chọn cách thức hoặc tiến trình hành động và phân bổ các nguồn lực thiết yếu để thực hiện các mục tiêu đó”.

Charles ([75], 2010) nhìn nhận chiến lược là một tập hợp các hành động mà các DN sử dụng để đạt được mục tiêu của mình. Đối với phần lớn các DN, mục tiêu quan trọng nhất là cạnh tranh hiệu quả do đó chiến lược giúp cho DN tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tác giả Nguyễn Hoàng Việt ([44], 2010, tr.34) cho rằng “Chiến lược là một tập hợp các quyết định và hành động hướng tới việc hoàn thành mục tiêu dài hạn của DN thông qua việc đảm bảo thích nghi với môi trường thường xuyên thay đổi và biến động”.

Có thể thấy có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên có thể hiểu chiến lược của DN bao gồm những mục tiêu phải đạt tới trong dài hạn, những đảm bảo về nguồn lực để đạt được những mục tiêu này và đồng thời là những cách thức, tiến trình hành động trong khi sử dụng những nguồn lực. Một chiến lược tốt, được thực hiện hiệu quả sẽ giúp các nhà quản trị và nhân viên ở mọi cấp quản lý xác định rõ ràng mục tiêu, nhận biết phương hướng hành động, góp phần vào sự thành công của DN.

2.1.1.2. Các cấp chiến lược của doanh nghiệp

Thomas và David ([143], 2004) chia chiến lược của DN thành 4 cấp độ: Cấp chức năng, cấp kinh doanh, cấp DN và cấp hệ thống. Trong đó:

+ Cấp chức năng: Bao hàm các nhân tố liên quan tới các kỹ năng chuyên biệt, những chức năng cụ thể trong DN như sản xuất, nhân sự, R&D…

+ Cấp kinh doanh: Là sự kết hợp giữa các chức năng cho từng cặp sản phẩm, dịch vụ riêng biệt hướng tới một nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể (cấp SBU).

+ Cấp DN: Đối với các DN hoạt động trong nhiều ngành kinh doanh cần phải có chiến lược cấp DN để tạo ra sự thống nhất và phù hợp trong toàn bộ DN để phát huy tối đa hiệu quả các hoạt động.

+ Cấp hệ thống: Với các DN quy mô lớn, tập đoàn với nhiều DN thành viên, các liên doanh, liên kết… đòi hỏi phải xây dựng chiến lược ở cấp hệ thống.

Sau này, Charles ([75], 2010) đưa ra quan điểm về 3 cấp chiến lược bao gồm: Chiến lược cấp DN, chiến lược cấp kinh doanh, chiến lược cấp chức năng. Cụ thể như sau:

+ Chiến lược cấp DN: liên quan đến mục tiêu tổng thể và quy mô của DN để đáp ứng kỳ vọng của các cổ đông. Đó là công bố về mục tiêu dài hạn, các định hướng phát triển của DN.

+Chiến lược cấp kinh doanh: liên quan nhiều hơn tới khía cạnh chiến thuật hay việc làm thế nào để một DN hay một hoạt động kinh doanh có thể cạnh tranh thành công trên một thị trường (hoặc đoạn thị trường) cụ thể. Chiến lược cấp kinh doanh phải chỉ ra cách thức cạnh tranh trong các ngành kinh doanh khác nhau, xác định vị trí cạnh tranh cho các SBU và làm thế nào để phân bổ các nguồn lực hiệu quả.

+ Chiến lược cấp chức năng: liên quan tới việc từng bộ phận chức năng (sản xuất, R&D, marketing, tài chính, hệ thống thông tin…) trong DN sẽ được tổ chức như thế nào để thực hiện được phương hướng chiến lược ở cấp độ DN và từng đơn vị kinh doanh (SBU) trong DN.

Nhìn chung, các quan điểm về cấp chiến lược trong DN có nhiều điểm tương đồng giữa các tác giả. Trong đó chiến lược cấp cao nhất là cấp DN thể hiện quyết định của các nhà quản trị cấp cao trong định hướng sự phát triển của DN trong dài hạn, đồng thời xác định các nhiệm vụ, mục tiêu, lĩnh vực kinh doanh. Tiếp đến là cấp kinh doanh gắn liền với các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) và chỉ ra phương thức cạnh tranh chủ yếu cho mỗi đơn vị này. Cuối cùng là chiến lược cấp chức năng bao gồm các quyết định gắn với hoạt động tác nghiệp cụ thể của DN. Trong luận án này, CLCT của DN được tiếp cận ở chiến lược cấp kinh doanh chỉ ra cách thức các DN cạnh tranh trong ngành một cách hiệu quả nhất nhằm tăng cường vị thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-nguyen-thi-my-nguyet (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w