Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-nguyen-thi-my-nguyet (Trang 31 - 32)

5. Kết cấu luận án

2.1.2.Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Năng lực cạnh tranh là một khái niệm phổ biến được nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam nghiên cứu. Theo Porter ([128], 1985) năng lực cạnh tranh là khả năng duy trì, mở rộng thị phần và đạt lợi nhuận cao của DN. Đây là quan niệm khá phổ biến hiện nay, theo đó năng lực cạnh tranh là khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ so với đối thủ và khả năng “thu lợi” của các DN. Theo D’Cruz và Rugman

([77], 1992, tr.115) “Năng lực cạnh tranh của DN có thể được định nghĩa là khả năng thiết kế, sản xuất và tiếp thị sản phẩm vượt trội hơn so với thủ cạnh tranh, xem xét đến cả chất lượng về giá và phi giá”. Barney ([69], 2010) cho rằng, một DN có năng lực cạnh tranh nếu có một mức chi phí sản xuất trung bình bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất của các đối thủ cạnh tranh. Còn theo Thompson và Strickland ([65], 1993), năng lực cạnh tranh là khả năng cung ứng sản phẩm của chính DN trên các thị trường khác nhau mà không phân biệt vị thế của DN đó. Nhóm tác giả Sanchez và Heene ([135], 2004, tr.520) lại cho rằng “Năng lực cạnh tranh của một DN là khả năng duy trì, triển khai, phối hợp các nguồn lực và khả năng theo cách giúp DN đạt được mục tiêu của nó”.

Một số tác giả trong nước dựa trên các quan điểm về năng lực cạnh tranh trước đó để đưa ra quan điểm về CLCT, tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm ([39], 2004) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng giá trị nội sinh và ngoại sinh của DN, đây chính là năng lực cạnh tranh mà mỗi DN cố gắng đạt được, là cơ sở để DN thực hiện các CLCT của mình. Theo quan điểm của Nguyễn Bách Khoa ([17], 2004, tr.38) “Năng lực cạnh tranh của DN được hiểu là tích hợp các khả năng, nguồn nội lực để duy trì và phát triển thị phần, lợi nhuận và định vị những ưu thế cạnh tranh của DN đó trong mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đối thủ tiềm tàng trên một thị trường mục tiêu xác định”. Tác giả Vũ Trọng Lâm ([18], 2006) cho rằng, năng lực cạnh tranh là khả năng tạo dựng, duy trì, sử dụng và sáng tạo mới các lợi thế cạnh tranh của DN. Lê Thế Giới ([8], 2012) thì năng lực cạnh tranh của DN thể hiện thực lực và lợi thế của DN so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao hơn. Nguyễn Văn Thụy ([42], 2015, tr.42) định nghĩa “Năng lực cạnh tranh của DN được đo bằng khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận cho DN trong môi trường cạnh tranh trong nước và nước ngoài”.

Cho đến nay, có nhiều quan niệm khác nhau về năng lực cạnh tranh của DN, trong luận án này, năng lực cạnh tranh của DN được hiểu là khả năng sử dụng và kết hợp các nguồn lực, khả năng của DN nhằm duy trì và tạo ra lợi thế cạnh tranh nhằm đạt được kết quả hoạt động kinh doanh cao hơn so với đối thủ và thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh.

Một phần của tài liệu luan-an-ncs-nguyen-thi-my-nguyet (Trang 31 - 32)