5. Kết cấu luận án
3.1.2. Mẫu nghiên cứu
Việc phân tích hồi quy đòi hỏi cơ cấu mẫu đủ lớn để đảm bảo độ tin cậy cần thiết của mô hình. Theo Hair ([91], 1998), kích thước mẫu phải được xem xét trong mối tương quan với số lượng các thông số ước lượng và nếu sử dụng phương pháp ML (maximum likelhood), kích thước mẫu tối thiểu phải là 100, tốt hơn là 150 và tỉ lệ quan sát (Observations)/biến đo lường (Items) là 5:1, nghĩa là 1 biến đo lường cần tối thiểu là 5 quan sát. Tabachnick và Fidel ([140], 2007) đã đưa ra công thức thường dùng để tính kích thức mẫu là n > = 50 + 8p (n: kích thước mẫu tối thiểu cần thiết; p: số biến độc lập trong mô hình). Với thiết kế nghiên cứu của luận án bao gồm 3 biến độc lập, 1 biến phụ thuộc và 24 biến quan sát do đó cơ cấu mẫu tối thiểu cho nghiên cứu tối thiểu là 120 mẫu (theo Hair, [91], 1998) và 74 mẫu (theo Tabachnick và Fidel, [140], 2007). Từ những căn cứ trên đây, NCS đã tiến hành phát ra 200 phiếu điều tra, thu về 130 phiếu đủ tiêu chuẩn đưa vào phân tích, như vậy là phù hợp với nghiên cứu.
Luận án sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện thông qua việc lấy danh sách và địa chỉ các DN thực phẩm trên địa bàn các tỉnh thành phố lớn trong cả nước. Nhờ sự trợ giúp của Viện Năng suất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Công thương và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm của một số tỉnh thành, NCS đã tiến hành điều tra trực tiếp các DN kinh doanh thực phẩm hoặc thông qua email. Thời gian tiến hành từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2017. Kết quả số phiếu phát ra: 200, số phiếu thu về 141, số phiếu hợp lệ: 130 (Danh sách các DN tiến hành khảo sát – Phụ lục 11; Cơ cấu mẫu điều tra – Phụ lục 8).