a) Thử nghiệm kiểm soát
- Kiểm tra các nghiệp vụ bán hàng
+ Xem xét các chứng từ có liên quan để kiểm tra sự phê duyệt có đúng nguyên tắc hay không. Xem xét tổng cộng của từng loại hàng, từng hóa đơn so sánh giá trên hóa đơn với bảng giá được xét duyệt tại mọi thời điểm. Thử nghiệm này nhằm chứng minh rằng hóa đơn được tính giá chính xác và việc kiểm tra chúng trước khi gửi đi được thực hiện một cách hữu hiệu.
+ Kiểm tra đơn đặt hàng, lệnh bán hàng, chứng từ chuyển hàng (chủng loại, quy cách, số lượng, giá cả, ngày giao hàng, chữ ký, người xét duyệt…) nhầm thu thập bằng chứng rằng hóa đơn được lập trên cơ sở các nghiệp vụ bán hàng thực sự xảy ra.
+ Sau khi kiểm tra về tính chính xác, KTV sẽ lần theo các hóa đơn để kiểm tra việc ghi chép chúng trên sổ sách kế toán. Nhằm thu thập bằng chứng về hữu hiệu của các thủ tục kiểm soát có liên quan đến việc ghi chép đầy đủ và chính xác các nghiệp vụ bán hàng trên sổ sách kế toán.
+ KTV cần chú ý các thủ tục kiểm soát đối với các khoản hàng ký gửi vì chúng có thể được ghi nhầm vào doanh thu bán hàng. Ngoài ra, KTV còn cần tìm hiểu chính sách bán hàng cho hưởng chiết khấu của đơn vị, vì một chính sách rõ ràng sẽ là biểu hiện của kiểm soát nội bộ vững mạnh. KTV có thể xem xét sổ sách có liên quan để kiểm tra việc thực hiện chính sách này.
- Thực hiện các thử nghiệm kiểm soát đối với nghiệp vụ bán hàng thu tiền ngay và bán chịu bằng cách lần theo số tổng cộng hàng tháng từ nhật ký thu tiền đến tài khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tài khoản phải thu khách hàng.
b) Thử nghiệm cơ bản
-Áp dụng các thủ tục phân tích:
+ So sánh doanh thu năm nay với doanh thu năm trước, hoặc với doanh thu kế hoạch, xem xét và giải thích những biến động bất thường.
+ Lập bảng phân tích doanh thu theo từng tháng, từng đơn vị trực thuộc và xem xét các trường hợp bất thường.
+ Tính tỷ lệ lãi gộp của những mặt hàng, loại hình dịch vụ chủ yếu và so sánh với năm trước. Sau đó xem xét các yếu tố tác động đến sự thay đổi này (về giá cả, số lượng bán và giá vốn hàng bán). Phát hiện và giải thích mọi thay đổi quan trọng.
+ So sánh doanh thu của kỳ này so với kỳ trước theo từng tháng. Các biến động bất thường cần được giải thích nguyên nhân.
-Áp dụng thử nghiệm chi tiết:
+ Kiểm tra sự có thực của các khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đã được ghi chép. Mục tiêu: phát hiện các nghiệp vụ bán hàng và cung cấp dịch vụ không xảy ra nhưng lại được ghi trên nhật ký bán hàng. KTV có thể đạt được điều này bằng các thủ tục sau:
Đối chiếu các khoản doanh thu bán hàng được ghi chép trên nhật ký bán hàng với các chứng từ gốc có liên quan như: đơn đặt hàng, hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, vận đơn, hóa đơn…
Lấy mẫu các nghiệp vụ bán hàng và xem xét quá trình thu tiền. Đối với các khoản được thanh toán, đó chính là bằng chứng cho biết nghiệp vụ bán hàng thực sự xảy ra. Ngoài ra, KTV cần tìm hiểu việc ghi nhận doanh thu xem có phù hợp với các điều kiện đã được quy định trong chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành hay không.
+ Kiểm tra sự ghi chép đầy đủ về các khoản doanh thu bán hàng. Mục tiêu của thủ tục này là phát hiện các nghiệp vụ bán hàng không được ghi chép trên sổ kế toán. KTV sẽ xuất phát từ chứng từ gốc để kiểm tra việc ghi chép trên nhật ký bán hàng. Còn việc lựa chọn loại chứng từ gốc nào thì cần dựa trên đặc điểm kiểm soát nội bộ của đơn vị trong nghiệp vụ bán hàng. Trường hợp doanh nghiệp không sử dụng vận đơn, KTV có thể tìm kiếm các tài liệu khác như: thẻ kho, sổ theo dõi xuất hàng ở bộ phận bảo vệ… và dựa vào đó để xác minh.
+ Kiểm tra tính chính xác của số tiền ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Mục đích của thử nghiệm này là đảm bảo các nghiệp vụ được tính giá đúng. Thông thường, KTV thường kiểm tra những nội dung sau của hóa đơn:
Đối chiếu với vận đơn, đơn đặt hàng, lệnh bán hàng…để xác định về chủng loại và hàng hóa tiêu thụ.
Đối chiếu với bảng giá, các bảng xét duyệt giá, hợp đồng,…để xác định đơn giá của hàng hóa tiêu thụ. Kiểm tra lại các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá để xem có phù hợp với chính sách bán hàng của đơn vị hay không.
Kiểm tra việc tính toán và ký duyệt trên hóa đơn. Đối với các trường hợp bán hàng bằng ngoại tệ, KTV cần kiểm tra việc quy đổi về tiền Việt nam.
Trong hoạt động bán hàng trả chậm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ bao gồm giá trị hiện tại của các khoản tiền sẽ thu. Phần chênh lệch sẽ được ghi nhận là doanh thu hoạt động tài chính.
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến nhiều niên độ, doanh thu được ghi nhận theo phương pháp tỷ lệ hoàn thành. Theo đó, doanh thu được ghi nhận theo tỷ lệ phần trăm công việc đã hoàn thành.
+ Kiểm tra việc phân loại doanh thu: thử nghiệm này nhằm tránh những trường hợp không phân loại đúng nên dẫn đến việc ghi chép hay trình bày sai doanh thu. KTV sẽ xem xét về sự phân biệt giữa: doanh thu bán chịu và doanh thu thu tiền ngay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ với các khoản doanh thu hoạt động tài chính như các khoản lãi phát sinh do bán trả góp,…
+ Kiểm tra việc khóa sổ đối với nghiệp vụ bán hàng. Thử nghiệm này giúp KTV phát hiện các nghiệp vụ của niên độ này lại bị ghi sang năm sau, ngược lại. + Đối với mỗi HĐTC, trước hết KTV cần kiểm tra về thời điểm ghi nhận DT xem có phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành hay không. Xác định các loại HĐTC của đơn vị trong kỳ có khả năng mang lại doanh thu.
+ Đối với các khoản thu có tính chất định kỳ KTV cần lập bảng kê doanh thu từng tháng để phát hiện những khoản chưa được ghi chép. Thủ tục này thỏa mãn mục tiêu đầy đủ của doanh thu hoạt động tài chính.