Vai trò của thủ tục hải quan điện tử

Một phần của tài liệu LuananTS_NguyenBangThang (Trang 32 - 35)

9. Chính sách Thay đổi khó lường Dễ lượng định

1.1.2 Vai trò của thủ tục hải quan điện tử

1.1.2.1 Vai trò đối với hội nhập quốc tế.

Mặc dù hải quan có lịch sử ra đời và hoạt động đã hàng trăm năm, nhưng Tổ chức hải quan thế giới (WCO) đến năm 1952 mới ra đời. Đến năm 1973 vấn đề đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan mới được đặt ra trên phạm vi toàn cầu (tại công ước Kyoto). Có nhiều lý do dẫn tới sự kiện này, nhưng quan trọng hàng đầu là sự xuất hiện và sử dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử vào hiện đại hóa vận hành thủ tục hải quan.

TTHQĐT từ phạm vi quốc gia đã mở ra phạm vi toàn cầu trong một thời gian ngắn đã làm giảm thiểu sự phức tạp và xung đột về thủ tục hải quan giữa các nước, tạo ra hàng loạt thuận lợi và thống nhất trong hợp tác và giao thương quốc tế, tránh tổn thất và rủi ro xuất phát từ lỗi thủ tục gây ra. Khi không có TTHQĐT thì từng quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển thương mại, đầu tư, du lịch quốc tế. Mặt khác, những lợi ích và thuận lợi trong hợp tác quốc tế về các lĩnh vực đó cũng rất khó thâm nhập vào từng quốc gia.

Vai trò gắn kết nhanh, hiệu lực cao, hiệu quả tốt của TTHQĐT trong hợp tác và phát triển giao thương của mỗi quốc gia đã được thể hiện rõ ràng trên thực tiễn trong nhiều thập kỷ qua. Hàng loạt quốc gia đã đưa tốc độ phát triển thương mại quốc tế lên cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của mình là một trong những minh chứng cho vai trò của TTHQĐT.

1.1.2.2 Vai trò đối với công tác quản lý nhà nước.

Mỗi quốc gia đều phải quản lý mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mình, một trong những công cụ quan trọng để nhà nước thực hiện việc quản lý

này, đó là thủ tục hành chính. Trong quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải, nhà nước đặt ra bộ thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.

Các quy định thủ tục hành chính không theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, nên nhà nước luôn phải thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, minh bạch, hợp hiến. Nhưng với phương thức quản lý thủ công thì khó thực hiện được, chỉ khi ứng dụng công nghệ thông tin mới đạt được mục tiêu cải cách hiện đại hóa.

Trong lĩnh vực hải quan, khi áp dụng TTHQĐT đã cho thấy tiềm năng to lớn cần khai thác để thực hiện cải cách hành chính vốn rất ì ạch tại lĩnh vực này.

- TTHQĐT cho phép đơn giản hóa và giảm thiểu số lượng thủ tục hành chính của ngành hải quan. Đây là một trong những mục tiêu rất khó thực hiện khi nhà nước còn thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức truyền thống.

- TTHQĐT cho phép thực hiện triệt để hơn nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất của ngành hải quan.

- TTHQĐT tác động và thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước khác phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa - ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính để đảm bảo phục vụ người dân và nâng cao hiệu quả quản lý.

- TTHQĐT với ưu thế như công khai, rõ ràng, minh bạch nên cho phép tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, trong đó dễ thấy nhất là: giao thương quốc tế của quốc gia được tăng trưởng và phát triển bền vững hơn; ngân sách nhà nước giảm thất thoát vì sự minh bạch từ những nguồn thu hải quan; an ninh quốc gia, an ninh thương mại, trật tự an toàn xã hội trong hội nhập quốc tế về thương mại, đầu tư, du lịch được cải thiện rõ rệt.

1.1.2.3 Vai trò đối với doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực giao thương quốc tế, các doanh nghiệp ngoài việc theo đuổi mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận tối đa, còn kỳ vọng đạt nhiều mục tiêu phái sinh khác như: giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng thuận lợi hội nhập, tăng năng lực

cạnh tranh.

Trước khi TTHQĐT ra đời, việc đạt lợi nhuận tối đa không phải là trường hợp hiếm hoi của doanh nghiệp trong giao thương toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các doanh nghiệp đã phải giảm thiểu các mục tiêu phái sinh, trong đó phải chấp nhận: tăng chi phí, rủi ro cao, khó khăn trong hội nhập, suy giảm năng lực cạnh tranh.

Với việc xuất hiện TTHQĐT và Nhà nước đưa vào vận hành, doanh nghiệp ngày càng nhận ra phương thức thực hiện thủ tục hải quan này có vai trò quan trọng đối với nhà nước và cả đối với doanh nghiệp.

- TTHQĐT cho phép doanh nghiệp giảm thiểu nhiều loại chi phí về hải quan, trong đó nổi bật là: giảm chi phí làm tờ khai hải quan; giảm thời gian kiểm tra hải quan (nhất là đối với luồng vàng và luồng đỏ); giảm thời gian kiểm tra sau thông quan; giảm thời gian xử lý các lỗi kỹ thuật nghiệp vụ; giảm chi phí đưa và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp với công chức hải quan. Tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp do cắt giảm chi phí lưu kho bãi, nâng cao sức cạnh tranh.

- TTHQĐT giúp doanh nghiệp tránh hoặc giảm thiểu được nhiều rủi ro trong giao thương quốc tế, trong đó dễ thấy nhất là: giảm thiểu xung đột thủ tục giữa các quốc gia do áp dụng chung các chuẩn mực quốc tế; giảm thiểu tác động phá hoại của buôn lậu và gian lận thương mại do được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời theo những chuẩn mực chung và thống nhất trên phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.

- TTHQĐT tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế, trong đó có những thuận lợi mà trước đây không có như: xóa bỏ các rào cản quốc gia khi được thực hiện “một cửa quốc gia”, “một cửa khu vực”.

Khái quát lại, có thể khẳng định rằng TTHQĐT ngày càng khẳng định vai trò rất quan trọng, thậm chí góp phần tạo ra kết quả và thành công lớn đối với mỗi quốc gia trong hợp tác và mở rộng giao lưu buôn bán quốc tế. Những ưu thế của TTHQĐT được thể hiện đơn giản, công khai, minh bạch và góp phần giảm

chi phí cho cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu LuananTS_NguyenBangThang (Trang 32 - 35)