5. Cấu trúc của luận án
1.2.1. Nghiên cứu về thành phần loài côn trùng gây hại nông sản trong kho
Những nghiên cứu và kết quả điều tra thành phần loài côn trùng gây hại trong kho ở Việt Nam không nhiều và ít được cập nhật. Trong số đó có thể kể đến là kết quả điều tra côn trùng hại kho ở miền Bắc Việt Nam của Đinh Ngọc Ngoạn (1965) [74]; kết quả điều tra côn trùng trong kho lương thực ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam sau giải phóng 1975 của Bùi Công Hiển và nnk. (1975) [75], côn trùng hại thóc đổ rời của Dương Minh Tú (2005) [76]; kết quả điều tra côn trùng là đối tượng kiểm dịch thực vật của Dương Quang Diệu và Nguyễn Thị Giáng Vân (1976) [77]; thành phần côn trùng gây hại trong kho lương thực của Vũ Quốc Trung (1978) [78]; thành phần côn trùng kho ở Việt Nam của Nguyễn Thị Giáng Vân và nnk. (1996) [79].
Lê Trọng Trải (1980) [80] điều tra kho thóc dự trữ đổ rời tại Hoài Đức, Hà Tây đã xác định được 12 loài côn trùng gây hại trong kho thuộc 7 họ và 2 bộ côn trùng khác nhau; trong đó có 3 loài thuộc nhóm gây hại sơ cấp, 9 loài thuộc nhóm gây hại thứ cấp.
Nguyễn Thị Bích Yên (1998) [81] điều tra thành phần côn trùng hại thóc dự trữ tại Hà Nội đã ghi nhận được 9 loài côn trùng gây hại thuộc 8 họ và 3 bộ côn trùng khác nhau; trong đó có 3 loài thuộc nhóm gây hại sơ cấp và 6 loài thuộc nhóm gây hại thứ cấp.
Vũ Quốc Trung và nnk. (1999) [82] đã ghi nhận được 7 loài côn trùng gây hại trong kho thóc dự trữ đóng bao ở đồng bằng sông Cửu Long là mọt gạo, mọt đục hạt nhỏ, mọt bột đỏ, mọt thóc Thái Lan, mọt râu dài, mọt răng cưa và mọt gạo dẹt.
Nguyễn Thị Giáng Vân và nnk. (1996) [79] đã ghi nhận được 23 loài côn trùng gây hại trong kho thóc dự trữ đổ rời thuộc 14 họ và 3 bộ. Trong đó có 4 loài thuộc
nhóm gây hại sơ cấp và 19 loài thuộc nhóm gây hại thứ cấp.
Thành phần côn trùng hại kho ở Việt Nam năm 1996–2000 do Phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật tổng hợp (2003). Kết quả điều tra thành phần loài côn trùng hại kho của ngành Kiểm dịch Thực vật từ 1996 đến 2000 cho thấy, tổng số loài côn trùng trong kho là 115 loài của 44 họ, thuộc 8 bộ và 1 lớp nhện. Nghiên cứu tương tự cũng được đánh giá bởi Nguyễn Quang Hiếu và nnk. (2000), kết quả điều tra thành phần côn trùng hại kho trong kho thóc dự trữ đổ rời ở Hà Nội và Hải Phòng, số loài thu được là 10 loài sâu mọt thuộc 3 bộ [83].
Theo Nguyễn Kim Vũ (2003) khi điều tra thành phần và mức độ phổ biến của côn trùng hại kho trong bảo quản ngô tại vùng ngoại thành Hà Nội cho thấy có 18 loài thường gặp trong đó có các loài như mọt ngô (Sitophilus zeamais), mọt gạo (Sitophilus oryzae), mọt đục hạt (Rhyzopertha dominica), mọt cà phê (A.fasciculatus), mọt răng cưa (Oryzaephilus surinamensis), xuất hiện với tần suất lớn [84].
Bùi Minh Hồng và Hà Quang Hùng (2004) đã điều tra thành phần loài sâu mọt và thiên địch trên thóc bảo quản đổ rời tại kho cuốn của Cục dự trữ quốc gia vùng Hà Nội và phụ cận. Kết quả thu được 15 loài sâu mọt của 11 họ, thuộc 2 bộ và 4 loài thiên địch của 3 họ, thuộc 3 bộ [85].
Thành phần côn trùng, nhện trong kho và độ thường gặp của quần thể mọt bột đỏ
Tribolium castaneum (Herbst) tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam cũng được điều tra bởi Hà Thanh Hương (2004) [86]. Nghiên cứu này đã thu được 57 loài của 26 họ, thuộc 4 bộ và 2 lớp (lớp côn trùng và lớp nhện). Trong kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả ghi nhận các loài côn trùng xuất hiện với tần suất bắt gặp trên 50% như: R. dominica, Cryptolestes pusillus, S. oryzae, T. castaneum, Lophocateres pusillus. Trong đó tỷ lệ bắt gặp T. castaneum chiếm 55,64% trong tổng số 57 loài côn trùng và nhện thu thập được.
Trần Bất Khuất và Nguyễn Quý Dương (2004) đã điều tra thành phần sâu mọt hại lạc nhân trong kho bảo quản tại một số vùng và thu được kết quả có 20 loài, của 13 họ, thuộc 3 bộ [87]. Cũng trong khoảng thời gian này, Dương Minh Tú (2005) đã nghiên cứu về thành phần loài côn trùng trong kho thóc dự trữ đổ rời ở miền Bắc Việt
Nam và xác định được 32 loài thuộc 20 họ của 5 bộ trong đó có 25 loài côn trùng gây hại và 7 loài có ích [76].
Trần Văn Hai và nnk. (2008), điều tra sinh vật hại được thực hiện trong kho bảo quản gạo, bắp và thức ăn gia súc ở Cần Thơ và An Giang trong hai năm, từ năm 2002 đến 2003. Nghiên cứu cho thấy rằng, có 23 loài đã được xác định trong kho bảo quản ở Cần Thơ, trong đó có 7 loài xuất hiện với mật độ cao như Tribolium castaneum Herbst,
Sitophilus oryzae L., Ahasverus advena Waltl., v.v. Ở An Giang, nhóm tác giả đã được xác định 27 loài, trong đó có 6 loài xuất hiện với mật độ cao như Tribolium castaneum
Herbst, Latheticus oryzae Waterhouse, Cryptolestes minutus Oliv., v.v. Hầu hết các sinh vật hại kho đều thuộc bộ cánh Cứng Coleoptera [88].
Nguyễn Kim Hoa và nnk., (2008), thành phần mọt hại ngô bảo quản tại hộ gia đình ở cùng Bắc Hà, Lào Cai gồm 10 loài thuộc 9 họ của 2 bộ côn trùng (Coleoptera và Lepidoptera) và 1 họ thuộc bộ nhện Acarina. Mọt ngô S. zeamais là loài gây hại nguy hiểm nhất, tiếp đó là mọt bột sừng G. cornutus [89]. Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục BVTV (2006–2010) đã tiến hành điều tra sinh vật hại trên ngô bảo trong cả nước. Kết quả thu được đã phát hiện được 57 loài dịch hại trên ngô sau thu hoạch, trong đó có 49 loài côn trùng gây hại, 1 loài rệp sách, 7 loài nấm bệnh. Các loài côn trùng đã được phát hiện thuộc 18 họ trong 2 bộ Coleoptera, Lepidoptera, trong đó chủ yếu thuộc bộ Coleoptera [90].
Khi nghiên cứu thành phần mọt hại đậu bảo quản ở Việt Nam, Nguyễn Quý Dương (2010) đã xác định được 28 loài côn trùng gây hại và 7 loài thiên địch của chúng trên hạt đậu đỗ bảo quản, trong đó bổ sung thêm 19 loài cho danh sách côn trùng gây hại trên đậu đỗ. Lần đầu tiên phát hiện thấy loài mọt Đậu Callosobruchus
analis có mặt ở Việt Nam [91].
Theo nghiên cứu của Trần Đăng Hòa và nnk. (2015) [92], kết quả điều tra thành phần côn trùng gây hại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại cảng Quy Nhơn đã ghi nhận có 35 loài côn trùng hại. Trong đó, có 30 loài côn trùng hại bã ngô từ Mỹ, 29 loài gây hại trên cám gạo từ Ấn độ, 13 loài gây hại trên khô dầu đậu tương từ Trung Quốc. Nghiên cứu cũng đã ghi nhận có 33 loài côn trùng hại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong kho bảo quản. Các loài côn trùng gây hại rất phổ biến được xác
định trong nghiên cứu này như: Lasioderma serricorne, Cryptolestes minutus,
Sitophilus oryzae, Sitophilus zeamais, Cryptophilus integer, Ahasverus advena, Tribolium castaneum, Plodia interpunctella và Liposcelis bostrychophila.
Kết quả gần đây nhất (Nguyễn Thị Oanh và nnk., 2016) với dẫn liệu ban đầu về thành phần loài sâu mọt và thiên địch của chúng trong kho tại tỉnh Đồng Tháp. Số liệu nghiên cứu ghi nhận, có 24 loài sâu mọt thuộc 15 họ ở 6 bộ gây hại nông sản trong kho tại tỉnh Đồng Tháp. Trong đó có 11 loài bắt gặp phổ biến như Acarus siro , Lasioderma serricorne, Callosobruchus maculatus, Sitophilus oryzae, Thorictodes heydeni, Ahasverus advena, Oryzaephilus surinamensis, Alphitobius diaperinus, Tribolium castaneum, Liposcelis sp. và Acrotelsa collaris [93].