Đối với tình trạng đa vi chất dinh dưỡng

Một phần của tài liệu 1. Luan an-TKV (Trang 38 - 39)

Các VCDD có sự tương tác với nhau trong cơ thể [130]: Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt từ thực phẩm hoặc từ chế phẩm của sắt [16, 131], tăng cường vitamin A hoặc kẽm giúp cải thiện chuyển hóa sắt. Khi chế độ ăn nghèo nàn, đơn điệu, cơ thể cũng thường thiếu nhiều loại VCDD hơn là một loại đơn lẻ.

Trẻ em tuổi học đường là giai đoạn phát triển quan trọng nên càng có nguy cơ thiếu nhiều loại VCDD. Tăng cường đa VCDD với việc kết hợp từ hai cho tới nhiều loại VCDD khác nhau trong nhiều loại thực phẩm khác nhau do vậy đã được nghiên cứu áp dụng. Các nghiên cứu sử dụng thực phẩm tăng cường đa VCDD ở trẻ em cho thấy có sự cải thiện đáng kể hàm lượng huyết thanh của các VCDD, đặc biệt tăng cường các VCDD như vitamin A, sắt và các VCDD khác làm tăng đáng kể hàm lượng Hb huyết thanh [101]. Đối với trẻ tuổi học đường nhiều nghiên cứu đã cho thấy các can thiệp đa vi chất mang lại lợi ích về tình trạng VCDD, sức khỏe, tăng trưởng và phát triển trẻ em đồng thời chỉ rõ đa VCDD có hiệu quả hơn một VCDD đơn lẻ [55]. Tăng cường nhiều VCDD vào thực phẩm là một giải pháp tốt để cung cấp VCDD cho trẻ em. Nghiên cứu so sánh hiệu quả của sử dụng thực phẩm tăng cường từ 3 VCDD trở lên với việc sử dụng 1-2 VCDD cho thấy hiệu quả (effect size) của thực phẩm tăng cường VCDD đối với chiều cao và với cân nặng có ý nghĩa thống kê [132]. Hiệu quả (tính bằng effect size – ES) của thực phẩm tăng cường nhiều VCDD cũng làm tăng có ý nghĩa thống kê với các chỉ số Hb, kẽm, retinol huyết thanh và sự phát triển vận động ở trẻ em [133]. Thực phẩm tăng cường nhiều VCDD có chứa sắt cải thiện tình trạng tăng trưởng trẻ em tốt

hơn, và thậm chí cả tình trạng sắt cũng tốt hơn so với thực phẩm không tăng cường sắt hoặc chỉ tăng cường sắt đơn lẻ [132].

Winichagoon nghiên cứu sử dụng bột gia vị tăng cường VCDD gồm sắt (5mg), kẽm (5mg), vitamin A (270µg) và iod (50µ) trong một khẩu phần ăn cho học sinh tiểu học tại Thái Lan cho thấy có cải thiện nồng độ Hb, kẽm huyết thanh và iod, giảm tỷ lệ bệnh tật và tăng chức năng nhận thức ngắn hạn nhưng không ảnh hưởng tới các chỉ số nhân trắc [134].

A Seal nghiên cứu sử dụng bột ngô tăng cường VCDD gồm vitamin A, B1,

B2, B3, B6, B12, acid folic, sắt và kẽm cho trẻ em dưới 5 tuổi ở Zambia. Kết quả cho thấy can thiệp có hiệu quả cải thiện nồng độ vitamin A, nồng độ sắt huyết thanh và giảm tỷ lệ thiếu máu (p<0,001) [135].

Tại Ấn Độ, nghiên cứu bữa ăn trưa tại trường của trẻ em tiểu học được bổ sung đa vi chất gồm Vitamin A (375µg), kẽm (4,2mg), acid folic (225µg) và Vitamin B12 (1,35µg) cho thấy hiệu quả cải thiện nồng độ vitamin A, sắt huyết thanh, folat và giảm mức độ thiếu vitamin B12 [136].

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đỗ Thị Hòa cho thấy khi cho trẻ em tiểu học ăn bánh bích quy có bổ sung sắt và vitamin A trong 6 tháng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ SDD thấp còi [137]. Trần Thúy Nga nghiên cứu trên trẻ 6-8 tuổi sử dụng bánh quy tăng cường VCDD với 16 loại vitamin và khoáng chất khác nhau trong đó có sắt, kẽm, vitamin A cho thấy cải thiện đáng kể nồng độ Hb, ferritin, kẽm và retinol huyết thanh; làm giảm nguy cơ thiếu máu, thiếu kẽm và thiếu iod. Điều thú vị là nhiễm giun không ảnh hưởng tới hiệu quả của bánh quy tăng cường VCDD mà ngược lại bánh quy tăng cường VCDD giúp làm tăng hiệu quả tẩy giun. Tuy nhiên,

hiệu quả cải thiện tình trạng VCDD thể hiện rõ nhất ở nhóm trẻ vừa được ăn bánh quy tăng cường VCDD vừa được tẩy giun [138].

Một phần của tài liệu 1. Luan an-TKV (Trang 38 - 39)