với định hướng phát triển kinh tế, xã hội
Đảm bảo an sinh xã hội đã được Đảng Cộng sản Việt Nam coi là một nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước. Hai lăm năm đổi mới, cùng với những thành tựu trong đổi mới kinh tế - xã hội, đường lối lãnh đạo của Đảng về xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội cũng có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương thức thực hiện theo hướng ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn. Điều này đã được thể hiện rõ trong các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ đại hội. Quan điểm nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải song song với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm đồng thời tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng, linh hoạt.
Trong bối cảnh tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số,…việc phát triển hệ thống bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm hưu trí, xây dựng chính sách hưu trí bổ sung; tăng cường sự tham gia của người lao động nghèo; hoàn thiện tổ chức quản lý và chi trả bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung cơ bản của chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao tính chủ động, khả năng tự an sinh của người dân khi xảy ra các tác động bất lợi về
kinh tế, xã hội, môi trường và an sinh tuổi già. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, mở rộng các đối tượng tham gia, tăng thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Về vấn đề này có ý kiến cho rằng “việc hoàn thiện pháp luật bảo hiểm xã
hội cần phải đảm bảo tính đồng bộ hóa, tính kinh tế - xã hội, tính an toàn cao và tính khả thi” [35, tr.78]. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên bởi lẽ,
chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tuy trải qua nhiều thời kỳ khác nhau với điều kiện kinh tế xã hội không ngừng thay đổi nhưng phải đảm bảo được xây dựng trên nền móng cơ bản, hài hòa với sự phát triển của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia, thực hiện mục đích an sinh xã hội, giảm nhẹ gánh nặng cho con người khi bị suy giảm hoặc mất khả năng lao động.
Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thu hút được người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động tham gia. Hơn nữa, nước ta là một nước nông nghiệp, lao động ở nông thôn chiếm tỷ trọng cao. Do đó, yêu cầu thúc đẩy sự tham gia của các nhóm lao động lao động này là hết sức cần thiết, tuy nhiên, các điều kiện thủ tục, cơ chế pháp lý của bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn và thu hút được người lao động.
3.1.2.Hoàn thiện pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện cần phù hợp với xu thế hội nhập hóa với xu thế hội nhập hóa
Việc gia nhập WTO sẽ có tác động trực tiếp, toàn diện vào các thị trường trong nước. Sự tác động này sẽ tạo ra một động lực mới, một không gian mới cho sự cạnh tranh và phát triển. Do vậy việc ra nhập WTO chính là nhằm đặt Việt Nam vào trong xu thế tiếp tục cải cách kinh tế – xã hội và tăng trưởng hơn nữa. Ngược lại, là thành viên WTO, Việt Nam phải chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế để thực thi cải cách cần thiết như: cải cách hệ thống quản lý hành chính, cải cách hệ thống pháp luật, trong đó có hoạt động bảo hiểm xã hội.
Thị trường lao động và quan hệ lao động phát triển, số người tham gia vào thị trường lao động tăng lên, tiền lương và thu nhập bình quân chung của người lao động được nâng cao chính là điều kiện để mở rộng và tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội. Như vậy ở một góc độ nhất định, hoạt động của bảo hiểm xã hội sẽ chịu sự tác động gián tiếp của quá trình gia nhập WTO nhưng nó phải thích ứng chung với các quy chuẩn về chế độ bảo hiểm xã hội của các nước trong điều kiện cho phép của kinh tế xã hội ở nước ta. Quá trình hội nhập kinh tế thế giới cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc có tính khu vực và toàn cầu, đặt ra sức ép buộc các quốc gia cùng nỗ lực để giải quyết, điều này dẫn đến cách tiếp cận thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng gần nhau hơn. Việc gia nhập WTO là điều kiện kinh tế cần thiết thúc đẩy nhanh chóng quá trình công nghiệp hoá ở nước ta và cũng đòi hỏi sự mở rộng mạng lưới bảo hiểm xã hội đến mọi người lao động. Vì vậy, trước yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, phù hợp với yêu cầu an sinh xã hội thì cần phải hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, trong đó có chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện.