* Giai đoạn 1945-1954
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chính phủ đã quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, trong đó chú ý đến vấn đề bảo hiểm xã hội. Tại điều 13 và điều 14 Hiến pháp năm 1946 của nước Việt nam
dân chủ cộng hòa đã quy định: “Quyền lợi của giới cần lao trí thức và chân
tay được đảm bảo và những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ” [47]. Ngày 13/3/1946, Chính phủ đã ban hành
Sắc lệnh 29/SL gồm 187 điều trong đó có quy định sự giao dịch về việc làm giữa các chủ tư nhân Việt Nam hay ngoại quốc và các công nhân Việt Nam làm việc tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nghề tự do, quy định chế độ tiền công, tiền lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề, chế độ thai sản và chế độ ốm đau cho công nhân, thành lập công đoàn, quyền tự do kết hợp và bãi công [13].
Ngày 20 tháng 5 năm 1950 Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh số 76/SL ngày 20-5-1950, ban hành Bản quy chế công chức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà áp dụng từ ngày 1-5-1950 và Sắc lệnh số 77/SL ngày 22-5-1950, về quy chế lương bậc, tuyển dụng, ngày công, khen thưởng, kỷ luật... áp dụng đối với công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến. Điều 92 Sắc lệnh
76/SL quy định về chế độ hưu trí như sau: “Sau khi làm việc được 30 năm hay
đủ 55 tuổi, công chức các ngạch thuộc hạng thường trú được về hưu. Đối với công chức các ngạch thuộc hạng lưu động, hạn về hưu là 50 tuổi hay 25 năm làm việc” [22, Điều 92]. Ngày 11/12/1957, Chính phủ ban hành Nghị định số
594/TTg để thực hiện chế độ mất sức lao động đối với công nhân viên chức. Có thể nói, đặc điểm của chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội ở thời kỳ này là do trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ nên việc thực hiện bảo hiểm xã hội rất hạn chế, đối tượng áp dụng hạn hẹp, các mức trợ cấp còn thấp, mang tính chất hỗ trợ cho cán bộ, công nhân viên kháng chiến khi ốm đau, bệnh tật, già yếu. Tuy nhiên, đây là thời kỳ đánh dấu sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời những quy định về bảo hiểm xã hội của Nhà nước ở thời kỳ này là cơ sở cho sự phát triển bảo hiểm xã hội sau này.
* Giai đoạn 1954-1995
Năm 1959, Hiến pháp ra đời đã ghi nhận tại điều 32: “Người lao động
có quyền được giúp đỡ vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội… để đảm bảo cho người lao động được hưởng quyền đó” [48]. Chính phủ đồng thời ban hành Điều lệ
Bảo hiểm xã hội tạm thời kèm theo Nghị định 218/CP (27/12/1961) để cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội cho tất cả các cán bộ, viên chức làm việc trong ngành nội chính, giáo dục, y tế, các doanh nghiệp Nhà nước, nội vụ. Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành ngày 27/12/1961 có thể coi là văn bản gốc về bảo hiểm xã hội quy định đối tượng là công nhân viên chức Nhà nước, hệ thống 6 chế độ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm xã hội nằm trong ngân sách Nhà nước do các cơ quan đơn vị đóng góp. Riêng miền Nam, bảo hiểm xã hội cũng thực hiện đối với công chức, quân đội làm việc cho chính quyền Ngụy. Từ năm 1975, chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện thống nhất trong cả nước. Chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm: trợ cấp hưu trí, mất sức lao động và tử tuất, cùng với các chế độ ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng góp.
rộng đối tượng được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội bao gồm cả xã viên hợp tác xã. Ngày 18/9/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 236/HĐBT về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội, trong đó chỉ quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là công nhân viên Nhà nước và lực lượng vũ trang. Như vậy, trong giai đoạn này, các văn bản quy phạm pháp luật chỉ điều chỉnh bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa xuất hiện trên thực tế cũng như chưa được quy định trong các văn bản pháp luật. Điều này phù hợp với tình hình thực tế nước ta trong giai đoạn chiến tranh, nền kinh tế còn chưa ổn định, chưa đủ điều kiện để thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986 đã coi chính sách xã hội là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước, một bộ phận cấu thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là động lực to lớn phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân
dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ
VI (tháng 12/1986) với chủ trương đường lối đổi mới quản lý Nhà nước từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách bảo hiểm xã hội cũng được xem xét thay đổi cho phù hợp với tình hình đổi mới chung của đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 16- NQ/TW ngày 15/7/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, chỉ thị số 234 ngày 18/8/1988 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế này, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng Điều lệ dự thảo về bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc trong thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Do nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng tăng và cùng với sự chuyển đổi cách quản lý mới của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội và Thông tư số 19/TT-LB của Liên bộ Tài chính-Lao động-Thương binh và xã hội hướng dẫn tạm thời về thu quỹ 15% bảo hiểm xã hội do Ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý. Nghị định 43/CP quy
định chi tiết về năm chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm: “Chế độ trợ cấp ốm
đau; chế độ trợ cấp thai sản; chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất” [14].
Các chế độ bảo hiểm xã hội quy định được áp dụng dưới 2 hình thức là bắt buộc và tự nguyện, trong đó, hình thức bắt buộc áp dụng cả 5 chế độ đối với những người lao động Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài những đối tượng nêu trên áp dụng hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Công nhân, viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, Đoàn thể; Người lao động làm việc hưởng lương hoặc tiền công ở những doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên; Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và trong các tổ chức khác của nước ngoài tại Việt Nam; Người lao động Việt Nam làm việc trong khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt. Hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng từ 1 đến 5 chế độ trên đối với người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài làm việc ở bảo hiểm xã hội Việt Nam ngoài những đối tượng áp dụng với bảo hiểm xã hội bắt buộc [14].
Có thể thấy rằng, trong giai đoạn từ 1945 đến 1994, mặc dù bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được quy định trong một văn bản pháp lý có giá trị cao
và chưa được chính thức thừa nhận trên thực tế nhưng những quy định trong các văn bản trên đã đặt những nền móng đầu tiên để xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc về sau này.
* Giai đoạn từ 1995 đến trước ngày ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (29/6/2006)
Từ tháng 01/1995, Bộ Luật Lao động có hiệu lực, trong đó có chương XII quy định về bảo hiểm xã hội. Để hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động, ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP của Chính phủ thành lập hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội. Ngày 26/01/1995 Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 12/CP về điều lệ bảo hiểm xã hội áp dụng với công nhân viên chức và người lao động theo loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc để thực hiện thống nhất trong cả nước với 5 chế độ bảo hiểm xã hội: chế độ trợ cấp ốm đau; trợ cấp thai sản; trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và chế độ trợ cấp tử tuất. Ngày 15/07/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 45 quy định về bảo hiểm xã hội đối với quân sự (quân đội, công an). Trong 2 Nghị định của Chính phủ có quy định về hình thành quỹ bảo hiểm xã hội trên cơ sở thu bảo hiểm xã hội bao gồm người sử dụng lao động đóng 15% quỹ tiền lương và người lao động đóng 5% tiền lương hàng tháng. Quỹ này được sử dụng để chi cho 5 chế độ trên. Quỹ bảo hiểm xã hội được bảo tồn, tăng trưởng và được Nhà nước bảo hộ. Bảo hiểm xã hội mở rộng đối tượng, thành lập quỹ bảo hiểm xã hội độc lập với ngân sách Nhà nước do sự đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước, thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý quỹ và giải quyết các chế độ trợ cấp. Trong giai đoạn này, sự thay đổi quan trọng nhất trong quản lý quỹ bảo hiểm xã hội là việc quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý
tập trung thống nhất với ngành quản lý và thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội của Nhà nước, tránh sự phân tán trong hoạt động như ở giai đoạn trước năm 1995. Quyết định số 20/2002/QĐ- TTg ngày 24/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao bảo hiểm y tế Việt Nam sang bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo đó bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội.
Việc quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện trong Bộ luật lao động là một bước tiến tạo cơ sở tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu áp dụng bảo hiểm xã hội đến mọi người lao động. Mặc dù những quy định về loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ mang tính nguyên tắc chung, chưa có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể nên bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được thực hiện trên phạm vi cả nước, chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của đông đảo lực lượng lao động trong xã hội. Vì thế, trong giai đoạn này cần phải ban hành các văn bản pháp luật để hướng dẫn cụ thể về loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia.
* Giai đoạn từ khi ban hành Luật Bảo hiểm xã hội đến nay
Ngày 29/6/2006, Quốc hội khóa XI tại kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội gồm 11 chương, 141 điều, trong đó, loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, pháp điển hóa các quy định hiện hành và bổ sung các chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nguyện vọng đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Chính sách bảo hiểm xã hội đã phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, tạo điều kiện để mọi người lao động đều có thể tham gia
vào hệ thống bảo hiểm xã hội với việc bổ sung thêm hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định rõ về đối tượng tham gia, các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức đóng phí và mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện, hồ sơ và thủ tục khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các điều, khoản: khoản 5 điều 2, khoản 2 điều 4, điều 5, từ điều 69 đến điều 76, từ điều 98 đến điều 101. Ngoài ra, ngày 28/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 190/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về về bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó quy định về đối tượng áp dụng; quyền và trách nhiệm của các bên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngày 30/01/2008, Thông tư 02/2008/TT-BLĐTBXH ngày 31/01/2008 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính Phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, quy định đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý có giá trị cao. Cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện, việc rút kinh nghiệm qua thực tiễn áp dụng pháp luật đáp ứng nhu cầu của người lao động và học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được triển khai thành công trên phạm vi cả nước.