Về mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 50 - 55)

mở rộng đối tượng tham gia là người nước ngoài sẽ tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm, thúc đẩy sự phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định về trường hợp, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ tuổi nghỉ hưu, đủ 20 năm đóng bảo hiểm thì được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là quy định thể hiện chính sách liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động nếu đảm bảo điều kiện việc tham gia liên tục sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.

2.2.2.Về mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện * Mức đóng * Mức đóng

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có vai trò quyết định đối với cân đối thu chi trong tổ chức và hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, nên việc xác định mức đóng và tỷ lệ đóng có tầm vai trò đặc biệt quan trọng. Nguyên tắc cơ bản khi xây dựng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là phải phù hợp với điều kiện thu nhập và mức sống của người lao động trong từng thời kỳ, từ đó thu hút thêm đối tượng tham gia. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự

nguyện quá cao sẽ không hấp dẫn người lao động tham gia, từ đó làm giảm hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, ngược lại, nếu mức thu quá thấp sẽ không đảm bảo cân đối thu - chi trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và như vậy quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không tồn tại được. Muốn xác định được một mức đóng phù hợp, cần phải dựa trên mẫu số chung về thu nhập thực tế của người lao động có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau thuộc các phạm vi địa lý khác nhau. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn mức thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, mức đóng thấp nhất bằng lương tối thiểu chung và mức đóng cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung, được phân thành nhiều mức khác nhau để người lao động lựa chọn, phù hợp với thu nhập của mình. Quy định mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung nhằm đảm bảo khung mức chuẩn để làm căn cứ tính toán thu chi quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời đảm bảo khả năng tham gia của người lao động. Việc quy định mức đóng cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu cũng là giới hạn mức cho phép, đảm bảo sự an toàn và tăng trưởng cho quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức đóng hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng tỷ lệ % đóng bảo hiểm xã hội nhân với mức thu nhập hàng thàng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội do người tham gia lựa chọn. Tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 190/2007/NĐ-CP đã quy định tỷ lệ phần trăm đóng bảo hiểm xã

hội tự nguyện như sau: “Từ tháng 01 năm 2008 đến tháng 12 năm 2009 bằng

16%; cứ sau 01 năm mức đóng lại tăng lên 2% so với năm trước và hiện nay đang áp dụng mức đóng bằng 22%” [15]. Mức thu nhập tháng đã đóng bảo

hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định. Cùng với việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì việc quy định tăng mức đóng bảo

hiểm xã hội tự nguyện là cần thiết, nhằm có nguồn bổ sung vào quỹ hưu trí, quỹ tử tuất cho người lao động, nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, nếu như trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, quan hệ đóng bảo hiểm xã hội được đảm bảo bởi cơ chế ba bên (người lao động - người sử dụng lao động - Nhà nước) cùng thực hiện thì ở chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm xã hội tự mình đóng là chủ yếu. Vì lẽ đó, mặc dù có nhu cầu nhưng do thu nhập thấp và bấp bênh nên người lao động chưa thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Quy định tăng mức đóng tại có phần cứng nhắc, có lẽ nhằm mục đích tạo sự liên thông giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc là chính. Việc điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc một phần là vì đảm bảo cân đối quỹ, trong khi lý do này chưa rõ đối với quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhìn chung, mức đóng và mức đóng tăng thêm (từ năm 2010) là cao đối với người tham gia tự nguyện. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phạm vi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là người tham gia không được thông tin

về điều này ngay từ đầu khi tham gia. Do vậy, có ý kiến cho rằng “đa số

người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có mức sống khá thấp, ngay cả khi dễ dàng kiếm được tiền tại thành phố thì đời sống của người lao động phi chính thức lại bị áp lực bởi chi tiêu đắt đỏ, chi phí sinh hoạt cao nên khả năng tích lũy thật sự rất ít” [31, tr.31]. Có thể thấy

rằng, cũng chính từ lý do này nên khả năng phòng ngừa rủi ro của người lao động cũng ở mức độ rất thấp và chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè, người thân. Trong khi đó, lao động ở khu vực nông thôn khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thấp hơn. Trong khi đó thu nhập bình quân hàng tháng của lao động ở nông thôn còn mức thấp, không ổn định, dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh chăn nuôi, giá cả nông sản biến động. Vì vậy, từ những lí do trên, có thể thấy quy định về

mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay còn cao, chưa hấp dẫn nhiều người lao động tham gia.

* Phương thức đóng

Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và Điều 26 Nghị định 190/2007/NĐ-CP quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình, được phép đăng ký với tổ chức bảo hiểm xã hội một trong ba phương thức đóng sau:

Đóng hàng tháng; đóng hàng quý hoặc đóng 06 tháng 1 lần. Việc thu tiền đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện vào nửa đầu của thời gian ứng với phương thức mà người tham gia bảo hiểm xã hội lựa chọn. Trường hợp đóng hàng tháng thì đóng trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng, đóng hàng quý thì đóng trong thời hạn 45 ngày đầu của quý và đóng 06 tháng một lần thì đóng trong thời hạn 3 tháng đầu [15, Điều 26].

Về cách thức đóng: người tham gia có thể đến đăng ký và đóng phí tại cơ quan bảo hiểm xã hội cơ sở. Bên cạnh đó, dựa trên thỏa thuận liên ngành giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam về việc quản lý và sử dụng tài khoản tiền gửi của hệ thống bảo hiểm xã hội mở tại hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam ngày 14/10/2010, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng tiền mặt trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội huyện nơi đăng ký đóng bảo hiểm xã hội theo thời gian và địa điểm quy định cụ thể của cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội huyện mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; nhận phiếu thu tiền đóng bảo hiểm xã hội của mỗi lần đóng để lưu giữ vào tháng đầu quý I hàng năm, tiếp nhận từ cơ quan bảo hiểm xã hội mẫu

sổ tờ rơi để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và không có yêu cầu xác nhận bảo hiểm xã hội một lần thì được coi là tạm dừng đóng, khi tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội phải đăng ký lại vào tháng đầu quý.

Việc kết hợp này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đóng phí bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng công tác hạch toán thu chi của quỹ bảo hiểm xã hội cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, quy định này còn khá phức tạp bởi để bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự là một dịch vụ thì cần thêm sự lựa chọn cho người tham gia có thể đóng ở cơ quan bảo hiểm xã hội, đóng ở ngân hàng hay có nhân viên tới thu tại nhà. Phương án này cần có sự tính toán để tăng cường đội ngũ nhân sự bảo hiểm xã hội cũng như hệ thống quản lý quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội có quan hệ chặt chẽ đến khâu tổ chức thực hiện và quản lý bảo hiểm xã hội và đây là công việc rất khó khăn do đặc điểm của đối tượng tham gia tự nguyện. Cơ quan bảo hiểm xã hội cần tư vấn, hướng dẫn người tham gia đăng ký phương thức đóng, thời điểm đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, hàng quí hoặc 6 tháng một lần.

Người đang tham gia bảo hiểm xã hội được đăng ký lại phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổ chức bảo hiểm xã hội. Việc đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng được thực hiện ít nhất là 06 tháng kể từ lần đăng ký trước. Có thể nói, đây là một quy định linh hoạt, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bởi đa số người tham gia thường có thu nhập không ổn định, không thường xuyên. Tuy nhiên, quy định này cũng có điểm hạn chế bởi lẽ, với thu nhập không ổn định, nếu người lao động gặp khó khăn về kinh tế thì khoảng thời gian 6 tháng để đăng ký lại mức đóng sẽ khiến họ không đủ khả năng để tham gia liên tục.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 50 - 55)