Quản lý bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 36 - 42)

* Quản lý Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội tự nguyện là hoạt động quản lý Nhà nước nhằm mục đích điều chỉnh hành vi hoạt động của con người trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội tự nguyện. Một cách cụ thể hơn, quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội tự nguyện là quá trình tác động và điều hành của Nhà nước vào hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện sao cho hoạt động này diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời làm cho bảo hiểm xã hội tự nguyện phát huy được tác dụng và phục vụ mục đích mà Nhà nước đã đề ra. Quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội tự nguyện xuất phát từ chức năng và vai trò quản lý xã hội của Nhà nước. Sự hình thành và phát triển của bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng trên khắp thế giới luôn gắn liền với mối quan hệ lao động vốn có mâu thuẫn đối kháng nhau và đòi

hỏi có sự can thiệp của Nhà nước. Với tư cách là trung gian trong mối quan hệ này, sự can thiệp của Nhà nước đầu tiên thể hiện qua việc xây dựng và ban hành các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ bảo hiểm xã hội. Nhà nước, thông qua các cơ quan chức năng của mình (tùy theo mô hình quản lý Nhà nước của mỗi nước) xây dựng các văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội bao gồm các đạo luật, các luật, các văn bản pháp quy (Nghị định, quyết định…) và các văn bản dưới luật để thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội thống nhất trong phạm vi quốc gia, hướng dẫn thực hiện giải quyết các chế độ, kiến nghị các cơ quan Nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vì vậy, xây dựng pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể coi là chức năng quan trọng nhất của quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Quá trình xây dựng, điều hành và giám sát hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nhà nước còn hướng đến việc đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội và giải quyết các mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa các bên.

Hơn nữa, thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội tự nguyện còn là để bảo vệ quyền lợi của nhóm người có vị thế yếu hơn trong mối quan hệ lao động, đó là người lao động. Cũng chính vì vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện được xác định một chính sách xã hội quan trọng vì nó liên quan đến đời sống của đông đảo người lao động và gia đình họ. Khi phạm vi các đối tượng nằm trong diện bảo vệ của hệ thống bảo hiểm xã hội càng được mở rộng thì càng cần có sự tác động quản lý của Nhà nước bởi Nhà nước được coi là người cuối cùng chịu trách nhiệm phúc lợi kinh tế và xã hội cho toàn bộ dân cư. Tóm lại, Nhà nước quản lý bảo hiểm xã hội tự nguyện để bảo đảm cho hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự có lợi ích cho toàn xã hội ở mức cao nhất. Đồng thời, đảm bảo cho hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện đi đúng

hướng và nhất quán theo chính sách xã hội, phục vụ cho sự nghiệp phát triển và an sinh xã hội của quốc gia..

* Quản lý sự nghiệp đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hoạt động quản lý sự nghiệp bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

Quản lý quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện: bao gồm quản lý công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện và quản lý công tác chi bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm đảm bảo cho quỹ an toàn và đảm bảo thu đúng, thu đủ; chi đúng, chi đủ cho đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hạn chế tối đa sự thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời có kế hoạch chiến lược để tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua các hoạt động đầu tư.

Để hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, thuận lợi cho nhà quản lý và người lao động thì mỗi quốc gia lại áp dụng phương thức khác nhau. Ví dụ như Pháp áp dụng việc trả lương hưu và các trợ cấp bảo hiểm thông qua hệ thống bưu chính theo hai hình thức chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng tại các bưu cục hoặc vào bất kỳ ngân hàng nào mà người thụ hưởng có tài khoản, làm tăng số tiền họ có trong tài khoản. Những người không có tài khoản được nhận trợ cấp bằng tiền mặt trực tiếp tại các bưu điện. Một số đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người tàn tật được bưu điện mang trợ cấp đến tận nhà [3]. Từ hạn chế lớn nhất của chương trình hưu trí của Trung Quốc là chưa giải quyết được vấn đề liên thông của quỹ khi người lao động đang tham gia hệ thống hưu trí nông thôn sau đó di chuyển sang làm việc và tham gia hệ thống lương hưu của doanh nghiệp thành thị hoặc ngược lại. Do có hai cách tính bảo hiểm hưu trí khác nhau giữa nông thôn và thành thị, hệ thống bảo hiểm xã hội hiện hành chưa cho phép người lao động có thể chuyển đổi giữa hai chương trình. Yêu cầu đặt ra là phải tích hợp hệ thống an sinh xã hội, cho phép người lao động

tham gia bảo hiểm xã hội ở bất kỳ đâu, dù là nông thôn hay thành thị, đảm bảo tính linh hoạt của hai loại hình này.

Quản lý đối tượng: trong hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện có hai nhóm đối tượng là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và nhóm đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động, họ phải đóng phí. Nhóm đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm người lao động và gia đình họ (theo quy định cụ thể của pháp luật quốc gia). Các cơ quan quản lý phải có thông tin đầy đủ về nhóm đối tượng tham gia để xác định được chính xác nguồn thu và dự báo các khoản chi; đồng thời phải có sự quản lý đối với nhóm đối tượng thụ hưởng để chi đúng, chi đủ cho đối tượng thụ hưởng, hạn chế lạm dụng bảo hiểm xã hội. Ấn Độ là một ví dụ điển hình về chú trọng áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khuôn khổ hợp tác với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vào tháng 11/2011, chuyến làm việc, khảo sát tại Ấn Độ nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu, xây dựng, thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí và bảo đảm mức sống tối thiểu cho nông dân thu được nhiều kinh nghiệm quý báu [40]. Qua đó nhận thấy, việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý các chương trình bảo hiểm xã hội là một thành công rất thuyết phục đối với các nước bởi chi phí rất thấp, hiệu quả rất cao. Ấn Độ đẩy mạnh mở rộng qui mô bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí, đặc biệt ở vùng nông thôn, bán đô thị, từ thiết kế, xác định đối tượng ưu tiên, phương thức thanh toán, quản lý chi trả đến trách nhiệm giải trình. Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cách thức tổ chức lưu trữ hồ sơ trong hệ thống hưu trí mới là một bài học kinh nghiệm quý báu, làm sao để cung cấp những ưu đãi cho người lao động tham gia hệ thống lương hưu mới, hay làm thế nào để phục vụ thật tốt, thật đáng tin cậy và không vì lợi nhuận cho người dân ở khu vực này, như vậy sẽ khuyến khích họ tin tưởng và tham gia vào hệ thống nhằm có cuộc sống đảm bảo khi về già. Chương trình

Mã số an sinh duy nhất thành công đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra: giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đến nay, đã có gần 70 nước thực hiện loại hình bảo hiểm xã hội xã hội này trong đó khu vực châu Á có 16 nước, châu Âu 12 nước, châu Mỹ 1 nước, châu Phi 19 nước và châu Đại Dương 3 nước. Đa số các nước đều thực hiện cả hai chế độ hưu trí và tử tuất đối với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, có một số nước thực hiện thêm chế độ tai nạn lao động như Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Ca-mơ-run. Từ thực tiễn thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện của một số nước, có thể rút ra kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam như về đối tượng tham gia: rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện, đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này là những người nông dân, lao động trong nông nghiệp và lao động độc lập, những người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần phải thực hiện từng bước và có những nghiên cứu để dự báo số lượng người tham gia. Về các chế độ bảo hiểm, tùy theo điều kiện mà các quốc gia có thể lựa chọn thực hiện một hoặc nhiều chế độ bảo hiểm. Các chế độ được đa số các nước thực hiện theo thứ tự ưu tiên là bảo hiểm tuổi già, chế độ tử tuất, chế độ mất sức lao động. Có một số ít nước thực hiện cả chế độ ốm đau và thai sản như Ba Lan. Về mức đóng: do đặc thù của nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đa số có thu nhập không ổn định đặc biệt là lao động ở nông thôn thu nhập thường gắn với thời vụ nên các nước thực hiện rất linh hoạt về mức đóng và hình thức bảo hiểm. Mức đóng thường được áp dụng đồng nhất gắn với mức sống chung của dân cư và có điều chỉnh theo từng giai đoạn. Việc chi trả bảo hiểm xã hội rất linh hoạt, có thể thông qua tài khoản cá nhân hệ thống bưu điện hoặc thông qua đại diện hợp tác xã. Quỹ bảo hiểm xã hội thường được thực hiện riêng, trên cơ sở tự quản và có sự bảo hộ của Nhà nước.

Kết luận chương 1

Chương 1 đã nêu ra nội dung mang tính chất lý luận về bảo hiểm xã hội tự nguyện ở các nội dung như khái niệm, nguyên tắc, vai trò của bảo hiểm xã hội tự nguyện, sự điều chỉnh của pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện ở các nội dung cụ thể như chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức đóng và phương thức đóng, nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, quản lý bảo hiểm xã hội tự nguyện qua đó chúng ta có cái nhìn khái quát về bảo hiểm xã hội tự nguyện nói chung và bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam nói riêng:

Trước hết, trong chương này đã nêu ra khái niệm, các nguyên tắc và vai trò của bảo hiểm xã hội tự nguyện trong hệ thống an sinh xã hội theo quy định của ILO. Đây là những vấn đề cơ bản nhất đối với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng

Thứ hai, chương 1 cũng đã tìm hiểu về nội dung chính của bảo hiểm xã hội của một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Ba Lan... để có sự liên hệ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu.

Chương 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 36 - 42)