Các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 31 - 34)

Các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện là các quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng khi có đủ các điều kiện bảo hiểm phát sinh. Việc xác định đối tượng tham gia, xác định các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện tùy thuộc vào nhu cầu tham gia bảo hiểm và trình độ quản lý rủi ro của từng nước. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện các chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện ở các quốc gia đều dựa vào những quy định của Công ước số 102 về các chế độ bảo hiểm xã hội đã được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua ngày 28/06/1952 và điều kiện kinh tế chính trị, xã hội của mỗi quốc gia.

Theo quy định của ILO trong Công ước 102, để đảm bảo mức tối thiểu, thì trong bảo hiểm xã hội các nước thành viên cần lựa chọn ít nhất là năm trong chín chế độ. Trong đó, phải có ít nhất một trong các chế độ: bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tàn tật và tiền tuất. Như vậy, ILO không quy định rõ bảo hiểm xã hội tự nguyện phải áp dụng chế độ nào. Bởi vậy, các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện được áp dụng linh hoạt tùy theo điều kiện của từng nước. Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Pháp áp dụng các chế độ sau: Bảo hiểm hưu trí; Bảo hiểm ốm đau, sinh đẻ, thương tật; Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp; Bảo hiểm thất nghiệp đối với những người làm công trong nông nghiệp; Trợ cấp gia đình [3]. Còn ở Ba Lan, các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm tai nạn, ốm đau và thai sản [58, tr 28]. Pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các chế độ mất sức lao động, chế độ bảo hiểm tuổi già và chế độ tử tuất (chế độ tuất chỉ áp dụng đối với lao động tự do, không áp dụng đối với nông dân). Phần Lan là một nước

phát triển và nông dân chỉ chiếm 7% trong tổng số dân, thu nhập của người nông dân khá đa dạng và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 50% trong tổng thu nhập. Đây là điều kiện rất lý tưởng để người nông dân có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hệ thống bảo hiểm xã hội đối với nông dân ở Phần Lan bao gồm bảo hiểm dài hạn (hưu trí, tàn tật) và bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, tai nạn, thất nghiệp).

Đa số các nước trên thế giới đều lựa chọn chế độ hưu trí và chế độ tử tuất cho bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bởi đây là hai chế độ bảo hiểm xã hội mang tính dài hạn và thu hút được nhiều người tham gia. Trong hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm hưu trí và chế độ tử tuất giữ vị trí quan trọng. Tầm quan trọng đó không chỉ vì hai chế độ này là vấn đề quan tâm của mọi người lao động khi tham gia quan hệ bảo hiểm mà còn do hầu hết mọi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đều là đối tượng của bảo hiểm hưu trí và chế độ tử tuất. Nếu như các chế độ bảo hiểm xã hội khác chỉ áp dụng cho một số đối tượng lao động nhất định như chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ áp dụng cho những người bị tai nạn lao động hay bị bệnh nghề nghiệp, chế độ thai sản áp dụng đối với lao động nữ khi sinh con thì chế độ bảo hiểm hưu trí, chế độ tử tuất được áp dụng cho hầu hết các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Để xây dựng hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp, ngoài việc kế thừa những tri thức về bảo hiểm xã hội của thế giới, phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn cụ thể. Bởi lẽ, trong kết cấu của một chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện, bao giờ cũng xác định rõ đối tượng tham gia và đối tượng được hưởng, mức đóng góp, các điều kiện hưởng, mức hưởng, thời gian hưởng,... Những vấn đề này phụ thuộc vào đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện

là khác nhau, nhưng đều được tạo thành bởi các yếu tố cơ bản như: Đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện, điều kiện, mức hưởng và thời gian hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện là cá nhân hoặc thân nhân của người lao động, khi đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật. Tùy theo từng nước và tùy từng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định khác nhau. Tùy từng chính sách của mỗi quốc gia mà bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể mở rộng chi trả cho những đối tượng này.

Điều kiện được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện là tập hợp các quy định của pháp luật làm cơ sở pháp lý để người lao động hoặc thành viên gia đình họ được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở từng quốc gia khác nhau, xuất phát từ những cơ sở thiết lập khác nhau. Cơ sở của việc quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm: đặc điểm nhân khẩu học (giới tính, tuổi đời), điều kiện lao động và môi trường lao động (sự suy giảm khả năng lao động), điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tài chính bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức hưởng và thời gian hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện: tùy từng chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện mà mức hưởng và thời gian hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định khác nhau. Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện thường dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau: Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp hơn mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội lúc làm việc. Nguyên tắc này nhằm khuyến khích người lao động làm việc và không ỷ lại, cân đối được thu chi trong quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Về mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện thường có quan hệ tỷ lệ với mức tiền lương, tiền công hoặc thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn thì mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ lớn hơn.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 31 - 34)