Chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 27 - 31)

Trong bảo hiểm xã hội tự nguyện bao giờ cũng có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm đóng và quyền được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động. Mối quan hệ này phát sinh trên cơ sở quan hệ lao động và diễn ra giữa bên thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện, bên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bên được bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bên thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện là cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức thực hiện chức năng thu, quản lý và chi trả bảo hiểm cho người được bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật. Đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể là tổ chức do Nhà nước thành lập hoặc có thể do các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và tư nhân lập ra theo quy định của pháp luật.

Ở một số nước, bên thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể là tổ chức do Nhà nước thành lập hay do các tổ chức kinh tế, xã hội và tư nhân lập ra theo quy định của pháp luật. Ví dụ như ở Nhật Bản, hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội bao gồm cơ quan Trung ương, 47 cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương với 312 văn phòng chi nhánh bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quản lý và thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí. Các quỹ bảo hiểm của các hiệp hội do các hiệp hội quản lý theo luật định [42]. Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Ba Lan bắt đầu được thực hiện chính thức từ năm 1990. Chính phủ Ba Lan cũng cho phép các hiệp hội tương trợ bảo hiểm là những tổ chức phi chính phủ, được tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện cho

nông dân và các thành viên trong gia đình họ. Pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện Phần Lan quy định các chế độ bảo hiểm dài hạn do tổ chức bảo hiểm xã hội quốc gia quản lý và thực hiện cho mọi người dân và người nông dân được hưởng trợ cấp cơ bản từ hệ thống này (thấp hơn rất nhiều so với những người làm công ăn lương). Hệ thống bảo hiểm xã hội dài hạn cho nông dân do Tổ chức bảo hiểm xã hội nông dân quản lý [3].

Bên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ở một số nước trên thế giới, bên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể là người sử dụng lao động, người lao động và có thể có sự tham gia của Nhà nước. Ở Nhật Bản, đến năm 1961, về cơ bản một chế độ hưu trí toàn dân đã được hình thành. Trong tổng số 69,89 triệu người lao động được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 là lao động cá thể, nông dân, người không có việc làm, sinh viên...tham gia chế độ hưu trí quốc gia gồm 22,37 triệu người; Nhóm 2 là lao động trong khu vực tư nhân và Nhà nước tham gia chế độ hưu trí cho người lao động bao gồm 36,28 triệu người; Nhóm 3, những là người ăn theo như vợ hoặc chồng sống dựa vào thu nhập của người lao động thuộc nhóm, tham gia chế độ hưu trí quốc gia gồm 11,24 triệu người [42]. Ở Đức, những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bên cạnh bảo hiểm xã hội bắt buộc là những người thực hiện một cách độc lập và có thể đề nghị được tham gia chế độ bảo hiểm xã hội tuổi già với điều kiện đã làm việc không ít hơn 5 năm. Trong trường hợp này họ cũng hưởng chế độ như người làm công ăn lương [60, tr.23]. Bên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là những người không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là những người đóng phí vào quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện do Nhà nước quản lý để hưởng quyền lợi bảo hiểm. Vai trò tham gia của người lao động chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng và chủ yếu trong cơ cấu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Xuất phát từ đặc điểm của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự

nguyện là những người lao động có công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, có thể có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm mục đích bảo vệ lực lượng lao động trong xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành hai tiểu hệ thống là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động tự do và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với nông dân tự do [3]. Đối tượng của bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động tự do bao gồm: người lao động độc lập không có quan hệ lao động; vợ hoặc chồng thất nghiệp của lao động trong khu vực nông nghiệp; những người nội trợ; những người gốc Thổ có quốc tịch nước ngoài; vợ hoặc chồng trong khu vực nông nghiệp, thân nhân của những người Thổ định cư ở nước ngoài do điều kiện phải sống phụ thuộc và không có công việc ổn định. Đối tượng của bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với nông dân tự do gồm những người lao động tự do không thuộc đối tượng của bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chủ thể tham gia ở Phần Lan là mọi nông dân từ 18 tuổi trở lên bắt buộc phải tham gia vào hệ thống bảo hiểm tai nạn cho nông dân, từ 14 đến 17 tuổi có thể tham gia tự nguyện. Ngoài ra, những người trên 65 tuổi cũng được tham gia tự nguyện cho chế độ bảo hiểm tai nạn [3]. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Ba Lan bao gồm những người không đáp ứng được các điều kiện đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là những người làm việc trong các trang trại nhỏ, những nông dân cá thể, các thành viên trong gia đình họ.

Bên thụ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bên được hưởng bảo hiểm xã hội là người lao động hoặc thân nhân của họ khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật. Để được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động hoặc thân nhân của họ phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định pháp luật như thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tuổi của người lao động tham gia bảo

hiểm xã hội tự nguyện...Ở Đức, với bảo hiểm hưu trí, tất cả những người trên 16 tuổi thường trú ở Đức và không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện [60, tr.22]. Trong khi đó, điều kiện để được hưởng trợ cấp mất sức lao động theo pháp luật bảo hiểm xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ là suy giảm 2/3 khả năng lao động và phải đóng góp bảo hiểm tối thiểu 5 năm. Đối với bảo hiểm tuổi già, tuổi nghỉ hưu đối với nam là 55, nữ là 50 và phải có thời gian đóng góp bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu là 25 năm. Những người có thời gian đóng góp từ 15 năm đến dưới 25 năm hưởng bảo hiểm tuổi già một phần (gọi là hưu sớm, được hưởng mức trợ cấp hàng tháng thấp hơn so với những người đủ điều kiện). Đối với những người có dưới 15 năm đóng bảo hiểm thì được hưởng trợ cấp hưu một lần [3]. Pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện Phần Lan quy định người nông dân đủ 65 tuổi (cả nam và nữ) được hưởng trợ cấp hưu. Mức hưởng phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp và thời gian đóng góp, nhưng tối đa bằng 60% mức thu nhập theo tính toán. Nếu nghỉ hưu sớm hơn (ở độ tuổi từ 64 trở xuống) thì mức trợ cấp bị giảm đi tương ứng. Ngoài trợ cấp hưu, người nông dân Phần Lan cũng được hưởng trợ cấp ốm đau, tai nạn hay thất nghiệp. Mức trợ cấp được thực hiện như đối với khu vực làm công ăn lương do Nhà nước quy định [3]. Điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí nông thôn mới ở Trung Quốc là 60 tuổi đối với cả nam và nữ, có thời gian đóng tối thiểu 15 năm; Những người đã quá 60 tuổi khi chương trình khởi động cũng có thể được hưởng hưu cơ bản nếu con cái họ tham gia đóng góp, những người khi đến 60 tuổi mà vẫn chưa đủ thời gian đóng góp 15 năm thì được đóng một lần cho đủ số tháng còn thiếu để có đủ thời gian đóng góp cần thiết. Người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng lương hưu gồm hai phần: phần do Chính phủ đảm bảo và phần còn lại từ tài khoản của cá nhân, phần do Chính phủ đảm bảo là 55 NDT/tháng và có thể được chính quyền địa phương nâng lên tùy theo ngân sách [61].

Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 27 - 31)