Nguyên nhân của sự hạn chế

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 77 - 80)

Việt Nam thuộc nhóm nước đang phát triển, đời sống nhân dân tuy đang cải thiện nhưng vấn đề an sinh xã hội chưa được đề cao. Nguyên nhân chính dẫn đến số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp là do họ xuất phát từ khu vực thị trường lao động mà thu nhập bấp bênh và còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với chính sách.

Người lao động chưa hiểu biết sâu rộng về vai trò cũng như lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với một phép tính đơn giản: nếu thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/tháng người lao động phải đóng 550.000 đồng (22% mức thu nhập). Như vậy, tính ra trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phải đóng 110 triệu đồng. Sau 20 năm nữa khi được hưởng lương hưu, mỗi tháng họ được hưởng 60% mức thu nhập hàng tháng, tức khoảng 1,5 triệu đồng. Về khoản bảo hiểm hưu trí, các công ty bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hưởng nhiều quyền lợi hấp dẫn. Ngoài việc đóng chi phí thấp hơn, mức hưởng cao hơn, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn có các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho người nhận lương hưu một lần và hàng loạt các sản phẩm bổ trợ kèm theo. Bên cạnh đó, khách hàng còn được bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống như tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn. Vì vậy, nếu không tính đến những lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu

người dân so sánh việc mang tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, hay mua vàng tích trữ hoặc tham gia loại hình bảo hiểm nhân thọ như hiện nay thì các hình thức này đem về lợi ích trước mắt cao hơn rất nhiều so với bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả, thông tin về bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được phổ biến sâu rộng đến đối tượng mà chính sách này hướng đến. Việc nắm bắt, quản lý đối tượng của cơ quan bảo hiểm xã hội chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ giữa tổ chức bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan.

Lực lượng cán bộ chuyên môn của ngành bảo hiểm xã hội đang thiếu trầm trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc quản lý và tác nghiệp. Đặc biệt, khó khăn trong vấn đề quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hơn nữa, các quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay sẽ loại trừ một bộ phận lớn người lao động từ độ tuổi 45 trở lên với nam và từ độ tuổi 40 trở lên đối với nữ ra khỏi điều kiện hưởng chế độ hưu trí (lương hưu hàng tháng) khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm hai chế độ hưu trí và tử tuất không có các chế độ khác như ốm đau, tai nạn lao động…Do đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khi gặp rủi ro ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp,…Như vậy người tham gia sẽ có ít lựa chọn hơn đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện và thậm chí ngay tại hai chế độ này cũng có sự không tương đồng khi so sánh với bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Từ những phân tích trên cho thấy sự chênh lệch giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc, tạo cho người lao động có cảm giác phân biệt đối xử, mất công bằng. Như vậy, Nhà nước ta cần có những điều chỉnh kịp thời để phù hợp hơn với nhu cầu và xu thế chung, đảm bảo cho bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng và an sinh xã hội nói chung ngày càng phát triển và bền vững.

Kết luận chương 2

Chương 2 đề cập đến thực trạng pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam và tình hình thực hiện, từ đó đưa ra đánh giá, tổng kết về những thành công đã thu được và những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cụ thể:

Trước hết, về thực trạng pháp luật, chương này đã đưa ra và đánh giá sơ lược các nội dung cơ bản của pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện như lược sử phát triển pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam, đối tượng tham gia, mức đóng và phương thức đóng, các chế độ, nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện và quản lý nhà nước được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội và Nghị định 190/2007/NĐ-CP.

Thứ hai, về tình hình thực hiện, chương 2 đã nêu và bình luận sự thay đổi về số lượng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, số thu và số chi bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2008 đến nay.

Thứ ba, chương này đã đưa ra cái nhìn tổng quát về bảo hiểm xã hội tự nguyện, những thuận lợi và khó khăn, kết quả đạt được của bảo hiểm xã hội tự nguyện Việt Nam đồng thời đưa ra những tồn tại và nguyên nhân để tìm ra phương hướng giải quyết, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được đề cập ở chương 3.

Chương 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Thực trạng và giải pháp (Trang 77 - 80)