- Môi trường, khoa học kỹ thuật 351 3% 361 5%
1. Nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp và thủy sản kết hợp phát
1.3. KHÁI QUÁT ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT VỀ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)
CHÍNH THỨC (ODA)
Khung pháp lý về quản lý và sử dụng ODA ở Việt Nam bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan đến chính sách và pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn này.
Giai đoạn trước năm 1993, hoạt động quản lý viện trợ dựa trên các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng khoản viện trợ hoặc từng chương trình, dự án cụ thể, nói cách khác, công tác quản lý ODA tập trung chủ yếu ở cấp Trung ương. Từ 1993 trở về sau đó, cùng với quá trình đổi mới, công tác quản lý mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đã chuyển dần sang dựa trên nền tảng pháp luật. Việc quản lý nguồn vốn ODA cũng nằm trong quy trình đó, vì vậy, ngay sau khi Việt Nam nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào tháng 11 năm 1993, Chính phủ đã nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cũng như tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đặt ra yêu cầu phải quản lý chặt chẽ nguồn vốn này như một nguồn lực công của quốc gia. Theo tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các cơ quan hữu quan Việt Nam bắt tay nghiên cứu và xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và ngày 15 tháng 3 năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20-CP về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, đây là Nghị định đầu tiên của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA.
Tiếp theo Nghị định số 20/1994/NĐ-CP, căn cứ vào tình hình thực tế và thực tiễn của viện trợ phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/1997/NĐ-CP ngày 05 tháng 8 năm 1997, Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 về Quy chế quản lý và sử dụng vốn ODA. Ngay sau Hội nghị toàn quốc về giải ngân ODA (tháng 4 năm 2004), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2004/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2004 về đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ODA trong đó giao cho các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 08 nhiệm vụ liên quan đến điều chỉnh, bổ sung để nâng cao tính pháp lý và đồng bộ của các văn bản pháp quy; đảm bảo đủ vốn đối ứng cho chương trình, dự án ODA, nâng cao vai trò và tính chủ động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trong việc tái định cư, di dân, giải phóng mặt bằng; kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban quản lý dự án, trong đó có việc điều chỉnh hệ thống định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế; tăng cường phối hợp giữa địa phương trong quá trình quản lý và điều phối ODA; các cơ quan chức năng phối hợp với nhà tài trợ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA.
Thực hiện Chỉ thị 17/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ nhiệm vụ được giao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai được những công việc cụ thể, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA. Sau quá trình xây dựng và lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, ý kiến thành viên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình đã Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (Nghị định này thay thế Nghị định số 17/2001/NĐ-CP). Như vậy, các Nghị định sau này được ban hành rõ ràng có nhiều tiến bộ và hoàn thiện hơn các Nghị định trước đó. Nếu như trong Nghị định 20-CP quy trình quản lý và sử dụng ODA còn
đơn giản và tập trung chủ yếu ở cấp Trung ương thì trong Nghị định số 131/2006/NĐ-CP quy trình này đã bao quát toàn diện và phân cấp mạnh mẽ cho các Bộ, ngành và địa phương, tạo khung pháp lý chặt chẽ và khá đồng bộ đối với công tác quản lý nhà nước về ODA.
Ngoài ra, do vốn ODA được coi là một nguồn vốn của ngân sách nhà nước (theo Luật ngân sách nhà nước), việc sử dụng nguồn vốn ODA cũng phải tuân theo các quy định chung của Nhà nước Việt Nam về đấu thầu, quản lý đầu tư và xây dựng. Có thể kể đến các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội gồm: Luật Ngân sách nhà nước 2002, Luật Đất đai 2003, Luật Xây dựng 2003, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, Luật Đấu thầu 2006, Luật Quản lý nợ công 2009.
- Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ gồm: Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 sửa đổi một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP và một số Nghị định hướng dẫn các luật Quốc hội đã ban hành.
- Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (cơ quan quản lý nhà nước về ODA như:Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao) gồm: Thông tư 04/2007/TT-BKH hướng dẫn thực hiện Nghị định số 131/2006/NĐ-CP và Thông tư 03/2007/TT-BKH hướng dẫn về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý các chương trình, dự án ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư 108/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài
chính trong nước vốn ODA; Thông tư 01/2008/TT-BNG của Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc ký kết các điều ước quốc tế về ODA, Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2007/TT-BTC…
Nghị định số 131/2006/NĐ-CP là văn bản pháp lý hiện hành được cộng đồng quốc tế đón nhận và đánh giá cao từ trước đến nay. Sự tiến bộ của Nghị định số 131/2006/NĐ-CP thông qua việc khắc phục những điểm yếu của các văn bản trước đó và bổ sung thêm những quy định mới thể hiện tư duy đổi mới, quan điểm hiện đại của Chính phủ trong việc tiếp cận và quản lý nguồn vốn này; trong việc quản lý, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới. Những điểm mới của Nghị định số 131/2006/NĐ-CP như: Công khai minh bạch, tập trung dân chủ; phân công, phân cấp gắn với quyền hạn, trách nhiệm; phát huy tính chủ động đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; hài hòa thủ tục … đã đánh dấu một sự phát triển về chất so với các quy định khung trước đây về vận động, thu hút, quản lý và sử dụng ODA. Nghị định này đã giải quyết khá toàn diện và đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu của quy trình ODA từ vận động, theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA; xác định các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA cũng như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tham gia quản lý và thực hiện dự án ODA bao gồm: cơ quan đầu mối, cơ quan tổng hợp, cơ quan chủ quản và các tổ chức thụ hưởng ODA. Đồng thời, Nghị định cũng khá đồng bộ với các văn bản pháp quy có liên quan khác…
Trong thời gian gần đây, để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), thực hiện
Tuyên bố Pa-ri và Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ, trên cơ sở tham vấn rộng rãi các nhà tài trợ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006). Kết thúc giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án, để tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015" cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (kèm theo Quyết định số 106/2012/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2012).
Có thể nói, quá trình hoàn thiện không ngừng khung thể chế về quản lý và sử dụng ODA của Chính phủ đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Quá trình này cũng phù hợp với tiến trình cải cách luật pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thời kỳ sau năm 2010 đến nay nguồn vốn ODA đã và sẽ có những thay đổi về lượng và cơ cấu vốn ODA. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là cần phải có chính sách mới về thu hút và sử dụng ODA cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới phù hợp với tính chất nguồn vốn ODA có nhiều thay đổi trong thời gian sắp tới.