2 Những vấn đề còn tồn tại trong các nghiên cứu có liên quan và
1.3.2 Kinh nghiệm của Thái Lan
Ở Thái Lan, lĩnh vực dịch vụ phân phối bán lẻ được mở cửa từ năm 1980 với những chính sách khá cởi mở thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Chính vì vậy, hệ thống bán lẻ hiện đại của Thái Lan rất mạnh mẽ, hiện nay, thị phần của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Thái Lan chiếm khoảng 54% so với hệ thống bán lẻ truyền thống là 46%. Thị phần của hệ thống bán lẻ hiện đại còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế sẽ mở thêm các siêu thị và đại siêu thị ở Thái Lan cũng như việc thực thi những chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này. Để có được thị trường bán lẻ với cơ cấu thị phần bán lẻ hiện đại cao như hiện nay, Thái Lan đã thực hiện những biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ phân phối bán lẻ, nhất là việc tạo cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho mạng lưới các cơ sở bán lẻ hiện đại phát triển. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có những biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phân phối trong nước lớn mạnh nhằm tạo môi trường kinh doanh trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hiện đại hài hòa. Những kinh nghiệm của Thái Lan trong lĩnh vực phát triển mạng lưới bán lẻ hiện đại đó là:
(1) Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phát triển các cơ sở phân phối bán lẻ quy mô lớn. Năm 2003, Thái Lan đã ban hành Luật liên quan
tới việc quy hoạch và phân vùng đô thị. Trong Luật này, quy định việc mở các siêu thị mới có diện tích hơn 1.000 m2 phải cách trung tâm thành phố ít nhất 15 km và cách nơi đường giao nhau ít nhất 500 m, đồng thời, phía trước siêu thị phải xây thụt vào 70 m, còn bên cạnh siêu thị thụt vào 20 m; và phải dành ra 30% diện tích đất để trồng cây xanh. Việc thành lập mới các siêu thị phải được sự tán thành của Hội đồng gồm đại diện những người kinh doanh và chính quyền địa phương. Điều đó hy vọng sẽ hạn chế sự bành chướng của các siêu thị thuộc quyền kiểm soát của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ở Thái Lan. Các quy định mới được áp dụng đối với 73 trong số 75 tỉnh của nước này và không áp dụng đối với Bangkok. Chính Phủ Thái Lan cũng ban hành Quy định về thương mại công bằng đối với các siêu thị nhằm ngăn chặn tình trạng hạ giá quá nhiều để chiếm lĩnh thị trường và sử dụng sức mạnh thị trường để gây sức ép đối với nhà cung cấp
Thái Lan cũng đã ban hành Luật bán lẻ để tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường bán lẻ nói chung và các cơ sở bán lẻ hiện đại nói riêng. Ngoài ra, Bộ Thương mại Thái Lan đã thành lập Công ty Thương mại liên minh bán lẻ (ART: Allied Retail Trade Co. Ltd.) đóng vai trò như một “cơ quan trung ương” giúp các nhà bán lẻ quy mô nhỏ (như các cửa hàng của hộ gia đình - mom & pop shop) trong việc môi giới đặt hàng và phân phối hàng hoá với giá cạnh tranh. ART được Nhà nước hỗ trợ 395 triệu Baht (lấy từ quĩ của Chính phủ) làm vốn hoạt động và đã chính thức hoạt động từ tháng 12/2002. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ việc thành lập Hiệp hội bán buôn và bán lẻ Thái Lan với các thành viên là những nhà bán buôn quy mô nhỏ nhằm giảm chi phí cho các thành viên thông qua việc phối hợp cùng nhau đặt những lô hàng lớn...
(2) Tạo môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh cho các nhà phân phối bán lẻ hiện đại.
Chính phủ Thái Lan luôn quán triệt quan điểm chính sách cạnh tranh công bằng để giữ cho môi trường kinh doanh nói chung và bán lẻ nói riêng phát triển cân bằng để mọi thành phần tham gia, từ nhà sản xuất/nhập khẩu đến nhà bán buôn, nhà bán lẻ thuộc loại hình phân phối hàng hoá hiện đại hay truyền thống đều có thể chung sống cùng nhau và có được vị trí kinh doanh của riêng mình, tạo lập sự cân bằng trong cấu trúc thương mại nội địa và sự công bằng cho những người kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh công bằng và hướng tới người tiêu dùng. Để tạo lập sự cân bằng trong cấu trúc thương mại nội địa và sự công bằng cho những người kinh doanh trong môi trường kinh doanh lành mạnh, Chính phủ Thái Lan thực hiện một số biện pháp có liên quan như tăng cường nội lực và sức cạnh tranh thông qua các hình thức:
- Tổ chức các cuộc hội thảo trên toàn quốc để nâng cao nhận thức cho chủ các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ về mối đe dọa từ sự bành chướng của các cơ sở bán lẻ quy mô lớn, nhất là loại hình cửa hàng bán giá rẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng (bao gồm hành vi tiêu dùng, hành vi mua hàng và hành vi sau mua hàng).
- Tổ chức các khóa đào tạo (trong đó có việc thông qua các cửa hàng kiểu mẫu do Nhà nước hỗ trợ lập ra) để hướng dẫn nhằm nâng cao sự hiểu biết cho chủ các cửa hàng bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ trên phạm vi toàn quốc về bán lẻ hiện đại và kỹ năng quản lý loại hình cửa hàng hiện đại, cũng như việc làm thế nào để thích ứng với sự biến đổi của môi trường kinh doanh.
- Cử các đội chuyên gia của Phòng Tư vấn bán lẻ (do Nhà nước hỗ trợ lập ra) đến giúp các cửa hàng bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ nâng cấp, hiện đại hóa cửa hàng theo mô hình giống như cửa hàng tiện lợi.
- Hỗ trợ nhóm các cửa hàng bán lẻ nhỏ và vừa để tăng cường khả năng kinh doanh; thúc đẩy sự liên kết giữa các cửa hàng này trong hoạt động marketing để
nâng cao hiệu quả hoạt động mua hàng và tăng cường khả năng cạnh tranh của từng cửa hàng trên thị trường.
- Xúc tiến và hỗ trợ phát triển kinh doanh theo phương thức nhượng quyền ở Thái Lan thông qua “Dự án xúc tiến và phát triển kinh doanh theo phương thức nhượng quyền” nhằm cung cấp kiến thức về kinh doanh theo phương thức nhượng quyền và tư vấn cho những người muốn có cơ sở kinh doanh của riêng họ theo hệ thống nhượng quyền.
(3) Hiện đại hóa ngành phân phối hàng hóa nói chung, lĩnh vực bán lẻ nói riêng. Thái Lan thực hiện chính sách hiện đại hóa ngành phân phối hàng hóa thông qua thu hút đầu tư nước ngoài và những chính sách hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
(4) Kinh nghiệm phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp Thái Lan.
Về phía doanh nghiệp, để thích ứng với sức ép cạnh tranh trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại ở Thái Lan (của bản thân Thái Lan hay liên doanh với nước ngoài) không ngừng đổi mới và đưa ra các loại hình cửa hàng bán lẻ mới. Bên cạnh một loại hình cửa hàng chính, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan còn vận doanh một số loại hình cửa hàng bán lẻ hiện đại khác. Chẳng hạn, ngoài việc quản lý chuỗi cửa hàng bách hóa Central, CRC (thuộc Tập đoàn Central) còn rất tích cực trong việc phát triển các cửa hàng chuyên doanh theo phương thức nhượng quyền (với các thương hiệu như Power Buy, Super Sports, B2S, Office Depot, Homework và Marks & Spencers); hay ngoài đại ST mang thương hiệu “Tesco Lotus”, tập đoàn Tesco Lotus Thái Lan còn có “ Tesco Express” là loại cửa hàng tiện lợi ở các trạm xăng, “Tesco Value store” ở các thành phố nhỏ và “Tesco Supermarket”… Bên cạnh đó, để chống lại sự ảnh hưởng của loại hình cửa hàng bán giá rẻ, một số doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan còn tìm kiếm sự thích ứng mới thông qua việc kết hợp: Nhà hàng, cửa
hàng tiện lợi và ST dưới một mái nhà với mô hình cửa hàng mang tên “Tops city market”…; hay kết hợp tổ chức lại cửa hàng như một chợ bán hàng tươi sống với giá cả thấp để cạnh tranh với các chợ thực phẩm truyền thống ở gần (như mô hình mới mà chuỗi ST Food Lion của tập đoàn Delhaize đưa ra)…
Chiến lược quan trọng mà các thương nhân bán lẻ Thái Lan sử dụng để khơi dậy phát triển ngành bán lẻ hiện đại là sự liên minh với các nhà sản xuất lớn và các nhà nhập khẩu chủ yếu. Sự thống nhất của các doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng các nhà bán lẻ, và chủ doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra một sức mạnh mặc cả lớn, chi phí thấp hơn, lợi nhuận tăng, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có giá trị và giá cả tốt hơn.[27],[34]