Một số khái niệm

Một phần của tài liệu Phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ hàng hóa hiện đại trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 25 - 32)

2 Những vấn đề còn tồn tại trong các nghiên cứu có liên quan và

1.1.1 Một số khái niệm

1.1.1.1. Khái niệm bán lẻ

Theo từ điển American, Heritage định nghĩa: bán lẻ là bán hàng cho người tiêu dùng, thường là với khối lượng nhỏ và không bán lại.

Theo NAICS, năm 2002, lĩnh vực bán lẻ (mã ngành 44-45) bao gồm những cơ sở kinh doanh bán lẻ hàng hoá (thường không có hoạt động chế biến) và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho bán hàng. Quá trình bán lẻ là khâu cuối cùng trong phân phối hàng hoá. Các nhà bán lẻ tổ chức việc bán hàng theo khối lượng nhỏ cho người tiêu dùng.

Theo Đại từ điển Tiếng Việt, bán lẻ là hình thức bán từng cái, từng ít một trực tiếp cho người tiêu dùng. Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa: Bán lẻ bao gồm việc bán hàng cho cá nhân hoặc hộ gia đình để họ tiêu dùng, tại một địa điểm cố định, hoặc không cố định và thông qua các dịch vụ liên quan.

Trong cuốn sách Quản trị Marketing, Philip Kotler đã định nghĩa: bán lẻ là bao gồm tất cả những hoạt động liên quan đến việc bán hàng hoá hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng vào mục đích cá nhân, không kinh doanh.[37]

Theo phân loại sản phẩm chính tạm thời của Liên Hợp quốc (CPC - Central Products Classification), bán lẻ là hoạt động bán hàng hoá cho người tiêu dùng

hoặc các hộ tiêu dùng từ một địa điểm cố định (cửa hàng, kiốt) hay một địa điểm khác (bán trực tiếp) và các dịch vụ phụ liên quan.

Những khái niệm trên đây đã xác định bán lẻ là: bán với khối lượng nhỏ; bán trực tiếp cho người tiêu dùng; bán lẻ hàng hoá và các dịch vụ có liên quan; người tiêu dùng mua để phục vụ cho nhu cầu của cá nhân và hộ gia đình, không dùng để kinh doanh (bán lại); không bao gồm tiêu dùng cho sản xuất (phân biệt giữa hàng tư liệu tiêu dùng và tư liệu sản xuất); bán lẻ là công đoạn cuối cùng trong khâu lưu thông để sản phẩm đến với người tiêu dùng; bán lẻ tại một địa điểm cố định, hoặc không cố định và thông qua các dịch vụ khác.[32]

Danh mục mã CPC xác định rằng “dịch vụ chính do các nhà bán buôn và bán lẻ thực hiện là bán lại hàng hóa kèm theo hàng loạt các dịch vụ phụ trợ có liên quan khác như: bảo quản, lưu kho hàng hóa; sắp xếp và phân loại đối với hàng hóa khối lượng lớn, bốc dỡ và phân phối lại đối với hàng hóa khối lượng nhỏ; dịch vụ giao hàng; dịch vụ bảo quản lạnh; các dịch vụ khuyến mãi do những người bán buôn thực hiện; và các dịch vụ liên quan đến việc kinh doanh của người bán lẻ như chế biến phục vụ cho bán hàng, dịch vụ kho hàng và bãi đỗ xe”.[58]

Các mô hình tổ chức bán lẻ rất đa dạng và những mô hình mới vẫn tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên có các mô hình bán lẻ chủ yếu sau: bán lẻ tại cửa hàng, bán lẻ không qua cửa hàng và các tổ chức bán lẻ khác.

* Bán lẻ qua các cơ sở bán lẻ

- Cửa hàng chuyên doanh là cửa hàng chuyên bán một chủng loại hẹp sản phẩm, nhưng rất đa dạng. Ví dụ như các cửa hàng quần áo, cửa hàng dụng cụ thể thao, cửa hàng đồ gỗ, cửa hàng sách, cửa hàng bán hoa,…

- Cửa hàng bách hóa tổng hợp là cửa hàng bán một số loại sản phẩm, thường là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ gia dụng và đồ trang bị

nội thất, trong đó mỗi loại được bán ở những gian hàng riêng biệt do nhân viên của từng gian hàng phụ trách.

- Siêu thị là một loại cửa hàng tự phục vụ, quy mô tương đối lớn, có chi phí bán hàng thấp và mức lời thấp, được thiết kế để phục vụ tất cả mọi nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm, bột giặt, các sản phẩm bảo trì nhà cửa, … Ở các nước phát triển, mỗi siêu thị bán khoảng chừng từ 10 đến 15 nghìn mặt hàng.

- Cửa hàng hạ giá là cửa hàng bán những sản phẩm tiêu chuẩn (không phải sản phẩm kém phẩm chất) thường xuyên với giá thấp và bán với khối lượng lớn hơn. Để giảm chi phí, chủ cửa hàng sử dụng những cơ sở ở những khu vực tiền thuê nhà rẻ, nhưng đông người qua lại, cắt giảm mạnh mức giá, quảng cáo rộng rãi và bán những loại sản phẩm có chiều rộng và chiều sâu vừa phải.

- Cửa hàng bán giá thấp là cửa hàng bán cho người tiêu dùng với giá thấp hơn giá bán lẻ bình quân trên thị trường. Hình thức phổ biến nhất của cửa hàng bán giá thấp là cửa hàng của nhà máy thuộc quyền sở hữu của người sản xuất và do người sản xuất điều hành, thường bán các loại sản phẩm dư thừa, mặt hàng đã chấm dứt sản xuất hay sai quy cách.

- Phòng trưng bày catalog là phòng chuyên trưng bày các catalog cho người mua xem và lựa chọn mua sản phẩm qua catalog. Chủ các phòng trưng bày này bán hàng với hạ giá rất nhiều các loại sản phẩm có nhãn hiệu, lưu thông nhanh, giá trị cao như đồ kim hoàn, dụng cụ điện, máy ảnh, túi xách, thiết bị nhỏ, đồ thể thao,… Họ kinh doanh theo cách cắt giảm chi phí và mức lời để có thể bán được giá thấp hơn nhưng khối lượng bán lớn hơn.

Về tổ chức phục vụ khách hàng, các cơ sở bán lẻ trên đây có thể chọn một trong bốn mức độ dịch vụ để đa dạng hóa sự lựa chọn và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng:

+ Bán lẻ tự phục vụ đối với những sản phẩm thông dụng và trong chừng mực nào đó đối với sản phẩm mua có lựa chọn. Tự phục vụ là yếu tố cơ bản của các cửa hàng hạ giá. Nhiều khách hàng muốn tự mình lựa chọn, so sánh tại chỗ để tiết kiệm chi phí.

+ Bán lẻ tự chọn, trong đó khách hàng tham gia tìm kiếm sản phẩm và hoàn tất việc mua bán của mình sau khi thanh toán tiền hàng cho nhân viên bán hàng.

+ Bán lẻ phục vụ hạn chế có mức độ hỗ trợ bán hàng cao hơn, kể cả các dịch vụ bán trả góp và nhận lại hàng đã mua.

+ Bán lẻ phục vụ đầy đủ có nhân viên bán hàng sẵn sàng giúp đỡ trong quá trình lựa chọn, so sánh tại chỗ. Bán lẻ phục vụ đầy đủ có chi phí cao để duy trì nhân viên phục vụ, và thường áp dụng cho những sản phẩm có nhu cầu đặc biệt (hàng thời thượng, đồ kim hoàn, máy ảnh,…) với chính sách cho phép trả lại hàng đã mua, bán trả góp, giao hàng tại nhà miễn phí, phục vụ tại chỗ đối với hàng lâu bền, và những tiện nghi dành cho khách hàng như phòng ngồi nghỉ và giải khát không mất tiền.

* Bán lẻ không qua cửa hàng

Loại hình bán lẻ không qua cửa hàng ngày càng phát triển nhanh chóng và chiếm tỉ trọng ngày càng tăng trong doanh số bán lẻ. Những hình thức chủ yếu của bán lẻ không qua cửa hàng bao gồm:

- Bán trực tiếp, là hình thức bán trực tiếp ra đời cách đây nhiều thế kỷ do những người bán hàng rong thực hiện, và ngày nay vẫn còn được sử dụng khá phổ biến, nhất là đối với hàng tiêu dùng. Một cách bán hàng trực tiếp được gọi là marketing nhiều cấp hay hình thức “bán hàng hình tháp”, theo đó một doanh nghiệp tuyển mộ những người kinh doanh độc lập làm người phân phối các sản phẩm của mình, những người này lại tuyển mộ và bán hàng cho những người phân phối phụ, rồi những người cuối cùng sẽ tuyển mộ những người khác để bán sản phẩm của mình, thường là tại nhà khách hàng. Tiền thù lao của người phân

phối bao gồm một tỉ lệ phần trăm doanh thu của toàn bộ nhóm bán hàng do người phân phối tuyển mộ cũng như số tiền kiếm được trong mọi trường hợp bán trực tiếp cho các khách hàng bán lẻ. Bán trực tiếp là hình thức bán hàng rất tốn kém và phải chi phí vào những việc thuê, huấn luyện, quản lý và động viên lực lượng bán hàng.

- Marketing trực tiếp, marketing trực tiếp xuất phát từ marketing đơn hàng qua bưu điện, nhưng ngày nay cách tiếp cận công chúng đã khác đi, chứ không phải viếng thăm tại nhà hay công sở, và bao gồm marketing qua điện thoại, marketing giải đáp trực tiếp trên truyền hình và mua hàng qua hệ thống internet.

- Bán hàng tự động, hình thức bán hàng tự động đã dược áp dụng cho những loại sản phẩm khác nhau từ những sản phẩm thông dụng mua ngẫu hứng (thuốc lá, nước giải khát, đồ uống nóng, bánh kẹo, đồ điểm tâm, báo chí) và những sản phẩm và dịch vụ khác (đồ lót, áo phông, sơ mi, sách vở, album nhạc, băng hình, đổi và rút tiền tự động,…). Máy bán hàng tự động được lắp đặt tại nhà máy, công sở, khách sạn, nhà hàng, cây xăng, ga tàu xe và sân bay, phục vụ suốt ngày đêm. Bán hàng tự động là một hình thức bán hàng tiện lợi nhưng khá tốn kém và giá hàng thường cao vì phải thường xuyên nạp hàng ở những địa điểm phân tán, tỉ lệ mất cắp cao, và không phải bao giờ cũng làm hài lòng người mua, vì một thực tế là khách hàng không thể trả lại hàng.

- Dịch vụ mua hàng, đây là hình thức người bán lẻ không có kho hàng, phục vụ những khách hàng đặc biệt, thường là nhân viên của các tổ chức lớn như trường học, bệnh viện, các tổ chức của Nhà nước. Những thành viên của dịch vụ mua này được quyền mua theo một danh sách chọn lọc nào đó của người bán lẻ với giá chiết khấu. Chẳng hạn một người cần mua một máy vi tính cá nhân sẽ nhận được một phiếu ở cơ sở làm dịch vụ mua này, đem đến người bán lẻ đã hợp đồng trước đó và mua với giá chiết khấu. Người bán lẻ sẽ trả một khoản lệ phí nhỏ cho cơ sở dịch vụ mua hàng.

1.1.1.2. Khái niệm bán lẻ hiện đại

Để đưa ra khái niệm về bán lẻ hiện đại, trước hết luận án làm rõ khái niệm của từ “hiện đại”. Theo cố GS. Nguyễn Lân, “hiện” là “rõ ràng trước mắt”, “đại” là “đời”; vì thế với chức năng là một tính từ, “hiện đại” có nghĩa là “thuộc về thời đại hiện nay” [22]. Mặt khác, theo cố tác giả Nguyễn Văn Đạm, “hiện đại” được hiểu theo hai nghĩa: một là “thuộc thời bây giờ” và hai là “mới nhất và được coi là chưa bị vượt” (nhất là về khoa học kỹ thuật) [30]. Bên cạnh đó cũng có một số cách lý giải khác về từ “hiện đại” như: kiểu mới nhất, ở thời hiện tại, thuộc về hay gắn liền với thời hiện hành,… Trong các cách lý giải trên, cách lý giải của cố tác giả Nguyễn Văn Đạm được xem là hợp lý và phù hợp nhất khi nói về tính hiện đại của tổ chức bán lẻ. Như vậy, có thể đưa ra khái niệm về bán lẻ hiện đại như sau: bán lẻ hiện đại là loại hình bán lẻ có tính chuyên nghiệp cao trong tổ chức quản lý, vận hành kinh doanh, có áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán lẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của khách hàng.

Biểu hiện tính hiện đại trong hoạt động bán lẻ là hoạt động bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, trong đó các cơ sở bán lẻ chủ yếu bán hàng theo phương thức tự phục vụ hoặc kết hợp chọn lấy hàng trên giá cho khách hàng và để khách hàng tự chọn hàng trên giá trưng bày để ngỏ với sự hỗ trợ của nhân viên bán hàng. Nhiều trường hợp, người bán và người mua không cần tiếp xúc trực tiếp với nhau mà việc mua bán vẫn có thể diễn ra. Hoạt động bán hàng ở các cơ sở bán lẻ hiện đại còn có thể được thực hiện dưới hoặc kết hợp với các hình thức và phương pháp bán hàng như bán hàng qua ti vi, bán hàng qua bưu điện, bán hàng qua điện thoại, bán hàng trực tuyến (qua Internet), và bán hàng bằng máy bán hàng tự động.

Tuy nhiên, với sự cách tân và áp dụng từng phần phương thức bán hàng hiện đại nên có không ít trường hợp rất khó phân biệt hoặc phân loại một cách chính xác giữa cơ sở bán lẻ hiện đại và cơ sở bán lẻ truyền thống, trên thực tế

loại cửa hàng hoạt động độc lập của hộ kinh doanh áp dụng phương thức bán hàng tự chọn đang trở nên phổ biến.

1.1.1.3. Khái niệm cơ sở bán lẻ hiện đại

Hoạt động bán lẻ được thể hiện thông qua hai hình thức là bán lẻ qua cơ sở bán hàng (gọi tắt là cơ sở bán lẻ) và bán lẻ không qua cơ sở bán hàng. Hình thức bán lẻ thông qua các cơ sở bán lẻ là loại hình bán lẻ có không gian và địa điểm cố định cần thiết để trưng bày và bán hàng, đồng thời người tiêu dùng hoàn thành việc mua hàng chủ yếu ở địa điểm này. Hình thức bán hàng không qua cửa hàng là loại hình bán lẻ, theo đó hàng hóa được chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất/phân phối đến người tiêu dùng không thông qua cơ sở bán hàng như bán hàng trực tuyến qua internet, bán hàng qua truyền hình/ti vi, bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua bưu điện, bán hàng qua catalog, bán hàng tận cửa hay bán hàng lưu động.

Theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở bán lẻ được định nghĩa là đơn vị thuộc sở hữu của doanh nghiệp để thực hiện việc bán lẻ. Theo các chuyên gia của Dự án Mutrap III năm 2010, cơ sở bán lẻ được coi là tên gọi chung cho các loại hình chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, máy bán hàng tự động hay các hình thức dưới tên gọi khác được tổ chức để thực hiện hoạt động bán lẻ.

Như vậy, cơ sở bán lẻ được hiểu là tên gọi của đơn vị có không gian và địa điểm cố định nhất định để trưng bày và bán hàng.

Từ phân tích trên, chúng ta có thể hiểu cơ sở bán lẻ hiện đại là tên gọi chung cho các đơn vị có không gian và địa điểm cố định cần thiết để thực hiện hoạt động bán lẻ với tính chuyên nghiệp trong quản lý và vận hành kinh doanh

cũng như được ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

1.1.1.4. Khái niệm mạng lưới các cơ sở bán lẻ hiện đại

Mạng lưới các cơ sở bán lẻ hiện đại được hiểu là tổng thể các cơ sở cung ứng dịch vụ phân phối bán lẻ hiện đại trên một địa bàn địa lý nhất định. Trong phạm vi của luận án này, mạng lưới các cơ sở bán lẻ hiện đại bao gồm: hệ thống các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại và hệ thống các cửa hàng tiện lợi.

Một phần của tài liệu Phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ hàng hóa hiện đại trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w