Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh vào việc củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong các tổ chức cơ sở đảng thuộc khối cơ quan dân chính đảng ở tỉnh hà nam_tiểu luận cao học (Trang 37 - 41)

Dân chủ trong Đảng là nền tảng cho sự đoàn kết. Chỉ có trên cơ sở dân chủ nội bộ Đảng, thì đảng viên mới thật trung thực, thẳng thắn, chân thành với nhau và do đó, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau mới được phát huy tốt trong Đảng. Theo Hồ Chí Minh, “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ dân tộc đến quốc tế. Xuất phát từ quan điểm cách mạng trước hết cần có Đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Người cho rằng: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn” [64, tr.249], vì dân chủ là gốc, “có phát triển dân chủ cao độ mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên” [61, tr.592].

Để tăng cường sức mạnh, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, bên cạnh việc chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách và Điều lệ của Đảng, cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt và hoạt động của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Chính vì vậy, ngay từ khi Đảng ta ra đời, Hồ Chí Minh đã áp dụng ngay nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng. Trong các văn kiện được thông qua Hội nghị hợp nhất (02/1930) do Người soạn thảo làm thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng - Cương lĩnh độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - đã xác định rất rõ: “Bất cứ vấn đề nào, đảng viên phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục

tùng mà thi hành” [55, tr.7]. Mặc dù Hồ Chí Minh không sử dụng thuật ngữ “tập trung dân chủ”, nhưng đây chính là nội dung cốt lõi của nguyên tắc này. Nguyên tắc tập trung dân chủ, một mặt, bảo đảm phát triển tính tích cực và tính sáng tạo của mọi tổ chức đảng và đảng viên trong việc tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; mặt khác, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Bởi vậy, Người luôn luôn trung thành với tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về nguyên tắc và sáng tạo, bổ sung, phát triển tư tưởng đó trong tổ chức sinh hoạt và hoạt động của Đảng cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Đảng, trình độ dân trí của Việt Nam. V.I.Lênin cho rằng, cần phải hiểu chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa; mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ. Hồ Chí Minh đã diễn đạt rất cô đọng nguyên tắc này là: “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung”. Theo Người, nếu buông lỏng tập trung, nhất định sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, phá hoại sự thống nhất và giảm sức chiến đấu của Đảng. Ngược lại, nếu coi như dân chủ là trực tiếp phá hoại tính tập thể lãnh đạo của Đảng sẽ dẫn tới tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán. Cả hai thái cực nói trên đều là nguy cơ và thực sự là nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền.

Như vậy, dân chủ phải có lãnh đạo mới duy trì được kỷ luật của Đảng và mới phát huy được dân chủ thật sự. Và chỉ có dân chủ đầy đủ nhất khi kết hợp được với tập trung cao nhất, mới bảo đảm được thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Đối với các tổ chức đảng, nhất là các tổ chức cơ sở đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đúng đắn trên cơ sở bảo đảm đoàn kết thống nhất về quan điểm, đường lối của Đảng. Người nói: “Một đảng bộ lãnh đạo tốt hay xấu cứ xem công tác ở địa phương là biết, kết quả công tác của địa phương là cái thước đo sự lãnh đạo của Đảng” [51, tr.400]. Điều này có nghĩa rằng, các tổ chức cơ sở đảng phải tự đổi mới, không ngừng đấu tranh để thực hiện đầy đủ hơn nữa nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện

cụ thể ở chế độ công tác, chế độ sinh hoạt được quy chế hóa để tăng cường thống nhất ý chí và hành động; kiên quyết khắc phục biểu hiện gia trưởng, độc đoán, mất dân chủ, dân chủ hình thức, vô nguyên tắc. Đó là điều kiện tất yếu để tăng cường đoàn kết thống nhất.

Sự sáng tạo, bổ sung, phát triển nguyên tắc tập trung dân chủ của Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất ở việc thực hành nguyên tắc này:

Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi thì giao cho hội ủy viên làm, khi ấy tất cả hội viên phải tuân theo mệnh lệnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời, thì ủy viên hội có quyền phạt [54, tr.306].

Nếu không có kỷ luật, sẽ không thống nhất về tư tưởng và hành động, Đảng tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, theo Người, nghĩa là: “có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương” [59, tr.229].

Đảng luôn luôn giữ vững lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời kết hợp chặt chẽ lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Hồ Chí Minh đã phân tích rất rõ nguyên tắc này: “Một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể thấy hết mọi mặt của vấn đề, hiểu hết được mọi chuyện. Vì vậy, cần phải có nhiều người cùng tham gia lãnh đạo. Nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó hiểu được mọi mặt, mọi vấn đề” [58, tr.504 - 505]. Người đã dùng câu cách ngôn dân gian để nói về ý nghĩa của tập thể lãnh đạo một cách rất giản dị: “dại bày hơn khôn độc”. Về cá nhân phụ trách, Hồ Chí Minh chỉ rõ:

Việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần giao cho một người phụ trách; nếu giao cho một nhóm người, thì cũng cần có một người phụ trách chính, như thế công việc mới chạy, mới tránh được thói dựa dẫm, đùn đẩy trách nhiệm. Không xác định rõ cá nhân phụ trách, thì giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” [57, tr.505].

Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng được phản ánh trước hết ở việc thực hiện lãnh đạo tập thể là lãnh đạo cao nhất của Đảng khi mở rộng dân chủ, tham gia ý kiến vào dự thảo các nghị quyết của Đảng, bảo đảm cho nghị quyết của các tổ chức đảng có chất lượng cao, khoa học và thiết thực. Người đòi hỏi các tổ chức đảng phải tập hợp được ý chí và trí tuệ của tập thể. Thảo luận nội bộ phải thật chân thành, cầu thị, cởi mở, kết luận rõ ràng trên cơ sở phân tích đúng, sai từng loại ý kiến, thì nghị quyết khi được tập thể thông qua mới bảo đảm không chệch hướng, mới sát cuộc sống, đáp ứng lòng người và uy tín của Đảng mới được nâng lên. Do vậy, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau.

Liên hệ với nguyên tắc tập trung dân chủ, Hồ Chí Minh đã có một sự giải thích hết mức mới mẻ: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung” [57, tr.505]. Người đồng thời nhấn mạnh rằng phải làm đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Lãnh đạo tập thể vừa tránh được tệ độc đoán, chuyên quyền. Cá nhân phụ trách chính là phát huy cao độ trách nhiệm của từng người lãnh đạo trước tập thể, trước toàn Đảng và nhân dân; phát huy được tính năng động, chủ động, tinh thần dám chịu trách nhiệm của mỗi đảng viên và mỗi cấp ủy viên. Về chế độ, nguyên tắc và lề lối làm việc của tổ chức, Hồ Chí Minh đòi hỏi hoạt động của các tổ chức “từ tiểu tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung”. “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm theo đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phục trách; đều phải chống cái tệ sùng bái cá nhân và

quan liêu mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thật sự dân chủ" [60, tr.255]. Người nhấn mạnh: “Để lãnh đạo tốt, các cấp ủy phải thật đoàn kết, thật dân chủ; phải thực hành chế độ “tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách” và phê bình và tự phê bình để không ngừng tiến bộ” [62, tr.600]. Mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, thống nhất với tăng cường kỷ luật, đề cao trách nhiệm cá nhân vừa là đặc trưng tiêu biểu trong phong cách lãnh đạo, vừa là phẩm chất cao quý trong nhân cách Hồ Chí Minh. Thực hiện dân chủ, chăm lo xây dựng và phát huy dân chủ, là mục đích lớn lao trong suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng của Người. Với Hồ Chí Minh, ở đâu và bao giờ Người cũng luôn tôn trọng các thành viên trong tập thể lãnh đạo; phát huy trí tuệ, sáng tạo của tập thể; khiêm nhường học hỏi, lắng nghe các đồng sự, cấp dưới và quần chúng. Những hiện tượng kiêu căng, cao đạo, gia trưởng, độc đoán, lạm quyền đều hoàn toàn xa lạ trong nhân cách, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Người luôn yêu cầu người cán bộ dám “cả gan nói, cả gan phụ trách”. Người trọng dụng mọi tài năng có ích cho công việc chung và kịp thời khuyến khích, biểu dương những nhân tố mới; những người tốt, việc tốt. Tôn trọng tập thể, phát huy tập thể, nhưng theo Hồ Chí Minh không được ỷ lại vào tập thể. Phải luôn luôn đề cao trọng trách trước tập thể, trước nhân dân, trước dân tộc trong những tình huống hiểm nghèo, trong những lúc khó khăn, những bước ngoặt của cách mạng.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh vào việc củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong các tổ chức cơ sở đảng thuộc khối cơ quan dân chính đảng ở tỉnh hà nam_tiểu luận cao học (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w