Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh vào việc củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong các tổ chức cơ sở đảng thuộc khối cơ quan dân chính đảng ở tỉnh hà nam_tiểu luận cao học (Trang 46 - 51)

cá nhân

Trong bài “Đạo đức cách mạng” ký bút danh Trần Lực, đăng tạp chí Học tập (số 12, năm 1958), Hồ Chí Minh khẳng định: “Sở dĩ Đảng ta có thể lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, là vì Đảng

ta có chính sách đúng đắn và lãnh đạo thống nhất. Mà lãnh đạo thống nhất là vì toàn thể đảng viên tư tưởng nhất trí và hành động nhất trí” [61, tr.187-288]. Đạo đức là nền tảng, như gốc của cây, như nguồn của sông. “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [57, tr.252-253]. Bởi lẽ:

Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang [61, tr.283].

Do vậy, Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Người đã từng khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” [62, tr.5]. Đạo đức nhân lên sức mạnh, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sức mạnh của khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Hồ Chí Minh đồng thời đánh giá rất cao vai trò đặc biệt to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người ví như “cái cẩm nang thần kỳ”, là mặt trời soi sáng cho cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Người coi việc nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là một nội dung rất quan trọng của đạo đức cách mạng.

Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin; về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; về nhiệm vụ của người đảng viên; về truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu lao động, lòng nhân ái của dân tộc ta... Người yêu cầu phải tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải

nêu gương đạo đức cho quần chúng noi theo. Trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuấn đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…” [64, tr.510]. Ngay từ những năm 1925-1927, Người đã đặt vấn đề hàng đầu là “tư cách của một người cách mạng”. Người không những là tấm gương tiêu biểu và sinh động nhất về đạo đức, mà còn nêu ra những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới cho cán bộ, đảng viên, đó là:

Thứ nhất, phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời: Theo Hồ Chí

Minh, mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức. Đó là công việc phải làm suốt đời, không được chủ quan, tự mãn, lơ là rèn luyện. “ Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [61, tr.293]. Rèn luyện đạo đức, theo Hồ Chí Minh, không hoàn toàn giống như “tu thân, dưỡng tính” của Nho giáo, Phật giáo. Bởi vì, đạo đức cách mạng là đạo đức mới. Mục đích của đạo đức cách mạng là, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Vì vậy, nếu không kiên trì rèn luyện, thì ở thời kỳ trước là người có công, nhưng ở thời kỳ sau lại là người có tội; lúc trẻ giữ được đạo đức, nhưng khi già lại thoái hóa, biến chất, hư hỏng. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” [64, tr.557-558]. Luận điểm này thật sự là một chân lý, phản ánh đúng thực tiễn và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Nó mãi mãi là lời cảnh tỉnh có ý nghĩa sâu xa đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền, giữ các vị trí then chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, lời nói đi đôi với việc làm. Trong cuốn “Đường Kách mệnh”

(1927), khi nói về tư cách một người cách mệnh, Hồ Chí Minh viết: “nói thì phải làm”, “có lòng bày vẽ cho người”. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969), Hồ Chí Minh yêu cầu cần thực hiện: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc, gương mẫu hơn ai hết. Chúng ta còn thấy ở Người “ít nói, nhưng làm nhiều”.

Trong lĩnh vực đạo đức, lời nói phải đi đôi với việc làm, thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mỗi người và có tác dụng đối người khác. Nếu tất cả đảng viên thực hiện được nguyên tắc “lời nói đi đôi với việc làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thì việc khó mấy cũng làm được. Nếu “nói nhiều mà làm ít” hoặc “nói mà không làm”, hơn nữa “nói một đằng, làm một nẻo”, thì chỉ đem lại hiệu quả phản tác dụng.

Thứ ba, xây đi đôi với chống. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Hồ

Chí Minh lưu ý: Thói quen và truyền thống lạc hậu là kẻ địch to, nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Người cũng đã nhiều lần nhắc nhở rằng, sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều, hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội về tư tưởng. Vả lại, trong mỗi con người đều có cái thiện và cái ác. Trong đời sống hàng ngày, những hiện tượng tốt, xấu, đúng, sai; có đạo đức và vô đạo đức vẫn tồn tại, đan xen nhau, đối chọi nhau. Vì vậy, xây phải đi đôi với chống, chống nhằm mục tiêu xây. Chính vì vậy, khi bàn về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên và toàn Đảng: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật” [64, tr.439].

Trong việc “chống” và “xây” để có đạo đức mới, Hồ Chí Minh coi trọng việc chống chủ nghĩa cá nhân và xây dựng chủ nghĩa tập thể. Vì chủ nghĩa cá nhân là một thứ bệnh cực kỳ nguy hiểm, nó đẻ ra nhiều thứ bệnh

nguy hiểm khác. Nó gây tác hại to lớn: Làm mất lòng tin của dân, làm hại uy tín của Đảng, phá hoại tình đồng chí, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, làm cho Đảng mất dần quần chúng. Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng các cấp phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” [61, tr.292]. Nhưng tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân bằng cách nào? Một trong những biện pháp của Đảng, theo Người, là:

Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ [64, tr.439].

Với cán bộ, đảng viên, thì một trong những biện pháp quan trọng là phải “nâng cao đạo đức cách mạng”, mới “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được.

Như vậy, nếu từng người biết tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao khả năng “miễn dịch” trước mọi cám dỗ là đã góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”. Song, người cán bộ, đảng viên còn phải đi tiên phong, biết lôi cuốn, tổ chức quần chúng, lời nói đi đôi với việc làm. Như Hồ Chí Minh đã viết: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến…” [57, tr.552]. Theo Người, đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng.

Và Người yêu cầu: “Tất cả đảng viên, đoàn viên, tất cả cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân” [61, tr.293], vì theo Người, “đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính đảng, tính giai cấp. Nó bảo đảm cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân” [61, tr.287-293]. Bên cạnh việc coi đạo đức là gốc của cách mạng, Hồ Chí Minh không coi nhẹ tài năng. Người nói: Người có đức mà không có tài, thì dùng vào việc gì cũng khó, nhưng người có tài mà không có đức, thì không dùng vào việc gì được cả. Với mọi cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: Vững về chính trị, giỏi về chuyên môn; nghề nào cũng phải học, phải thông thạo; người cán bộ không thể lãnh đạo chung chung hoặc chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, mà phải có tri thức nữa. Ngoài phẩm chất, năng lực, người cán bộ cách mạng phải có phong cách công tác khoa học, chống chủ quan, khoe khoang, kiêu ngạo, quan liêu đại khái, phô trương, ham chuộng hình thức; chống lối làm việc gặp đâu hay đấy, thiếu kế hoạch, thiếu kiểm tra.

Như vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, đoàn kết thống nhất trong Đảng nói riêng. Và chỉ trên cơ sở đó, Đảng ta mới thật sự trong sạch, vững mạnh; mới tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động. Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nói luôn đi đôi với làm và đạo đức, nhân cách của Hồ Chí Minh đã quy tụ mọi lực lượng trong xã hội, trở thành động lực, sức mạnh đoàn kết trong Đảng.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh vào việc củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong các tổ chức cơ sở đảng thuộc khối cơ quan dân chính đảng ở tỉnh hà nam_tiểu luận cao học (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w