Các nhân tố ảnh hưởng đến mở rộng chovay tiêu dùng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế Hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng Đầu tư Và Phát triển Việt NamChi nhánh Tây Nam Quảng Ninh (Trang 30 - 34)

1.2.4.1 Nhân tố vĩ mô a. Môi trường kinh tế vĩ mô

Những sự biến động kinh tế vĩ mô, những quan điểm, định hướng và giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đều có tác động đến quy mô và chất lượng của công tác huy động vốn và cho vay. Vì vậy, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các công cụ như dự trữ bắt buộc, lãi suất, tái chiết khấu phát huy hiệu quả, giúp Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát khối lượng vốn tài trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, hướng luồng vốn tín dụng chảy vào những ngành nghề then chốt, trọng điểm để xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô ổn định là điều kiện tiền đề để hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng của ngân hàng đi vào quỹ đạo ổn định, mở rộng cho vay và hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra.

Môi trường pháp lý hoàn thiện có hiệu lực sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và hoạt động cho vay của ngân hàng nói riêng lành mạnh và hiệu quả. Vì vậy, nếu những quy định của pháp luật không rõ ràng, không đồng bộ, không kịp thời và có nhiều "kẽ hở " thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho NHTM trong hoạt động cho vay nói chung và CVTD nói riêng. Ngược lại, nếu những văn bản pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ, đồng bộ, kịp thời và ổn định thì sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, góp phần vào cạnh tranh lành mạnh giữa các NHTM trong hoạt động cho vay. Và đó cũng là cơ sở pháp lý để ngân hàng giải quyết các khiếu nại, tố cáo khi có các tranh chấp xảy ra trong hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng.

c. Điều kiện tự nhiên

Từ xưa đến nay, bất kỳ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào cũng chịu sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên. Điều kiện tự nhiên biến động như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn... xảy ra sẽ là yếu tố khách quan tác động đến hiệu quả kinh doanh của khách hàng của ngân hàng thương mại. Khi các điều kiện thiên nhiên thuận lợi, hoạt động kinh tế ổn định và phát triển mạnh, thu nhập của người dân tăng lên...sẽ tạo điều kiện giúp cho các ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động của mình. Ngược lại, khi các điều kiện tự nhiên không ổn định, gây bất lợi cho hoạt động của nền kinh tế, và khi đó,khách hàng của NHTM lâm vào tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thất thoát tài sản thì nguy cơ trước mắt là không đủ khả năng tài chính để hoàn trả nợ và lãi cho ngân hàng thương mại, dẫn đến rủi ro cho các khoản vay của ngân hàng thương mại là điều không tránh khỏi.

d. Môi trường văn hóa - xã hội

Những yếu tố thuộc về văn hoá - xã hội như thói quen sử dụng các sản phẩm ngân hàng, tỷ lệ tiết kiệm, trình độ dân trí, thị hiếu... ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định lựa chọn hình thức vay vốn của khách hàng cá nhân. Các quan niệm về ngân hàng quen thuộc hay xa lạ, an toàn hay không an toàn, thói quen thanh toán tiền mặt trong dân chúng cũng là yếu tố có tác động rất lớn do nó hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho người dân... Bên cạnh đó, các quan

niệm xã hội, phong tục tập quán, tình hình trật tự an ninh, trình độ dân trí, độ tin tưởng lẫn nhau…Các nhân tố này ảnh hưởng trực tiếp tới các tác nhân tham gia vào quan hệ vay mượn của khách hàng cá nhân với ngân hàng nói riêng và các quan hệ vay mượn, tín dụng khác của ngân hàng nói chung. Bởi vì quan hệ cho vay được hình thành dựa trên cơ sở tín nhiệm lẫn nhau nên nếu khách hàng có uy tín với ngân hàng, có thu nhập ổn định, có trình độ cao thì sẽ được nhiều ưu đãi trong mối quan hệ. Đồng thời, nếu một ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả tạo được lòng tin trong dân chúng thì sẽ có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng hơn.

1.2.4.2 Nhân tố vi mô

Việc mở rộng hoạt động CVTD không chỉ chịu tác động bởi các nhân tố môi trường bên ngoài kể trên mà còn chịu tác động mạnh mẽ bởi các nhân tố chủ quan xuất phát từ phía người dân và từ phía ngân hàng như chính sách và chiến lược kinh doanh, năng lực công nghệ, trình độ cán bộ công nhân viên, cơ sở vật chất thiết bị của ngân hàng và năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng...

a. Chiến lược phát triển của ngân hàng

Chiến lược kinh doanh là một kế hoạch dài hạn mang tính tổng tổng thể hay là một chương trình hành động tổng quát nhằm triển khai các nguồn lực để đạt mục tiêu đề ra của ngân hàng, đảm bảo sự phù hợp với sự thay đổi của môi trường. Từ các chiến lược và mục tiêu đó, ngân hàng sẽ có những kế hoạch hành động và các giải pháp cụ thể để hoàn thành nó. Đối với các hoạt động của NHTM cũng vậy, muốn mở rộng hoạt động CVTD thì trước hết, ngân hàng cần phải có một chiến lược phát triển. Chiến lược đó phải đảm bảo xác định được phương hướng hoạt động dài hạn của hoạt động CVTD, tạo ra những căn cứ vững chắc cho việc đề ra các chính sách, quyết định trong kinh doanh, ngân hàng dự đoán vị trí của mình trong tương lai, cung cấp cho nhà quản trị bộ khung nhằm hướng dẫn tư duy và hành động của họ trong ngắn hạn cũng như dài hạn...

Trong quá trình hội nhập quốc tế như hiện nay, thì các NHTM đang đứng trước những thách thức lớn. Để vượt qua những thách thức và tận dụng tốt cơ hội, đòi hỏi các NHTM phải phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của mình để đưa ra

chiến lược phù hợp cho từng thời kỳ, từng giai đoạn của sự phát triển phù hợp với xu thế trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích quốc gia và doanh nghiệp.

b. Chính sách tín dụng của ngân hàng thương mại

Chính sách tín dụng đóng vai trò then chốt điều tiết các mặt hoạt động như huy động vốn, cho vay, lãi suất, sản phẩm tín dụng, quản lý rủi ro tín dụng, thu hút khách hàng...Vì vậy, trong từng thời kì nhất định của môi trường cạnh tranh khá gay gắt, đòi hỏi các NHTM phải định hướng xây dựng mục tiêu phấn đấu cụ thể nhằm tạo tác động tích cực đến việc điều chỉnh mọi mặt hoạt động NHTM, chính sách lãi suất và sản phẩm huy động, cho vay phải được điều tiết linh hoạt gắn liền với từng loại hình huy động và cho vay nhằm kích thích công chúng đến với NHTM.

c. Chất lượng cán bộ công nhân viên

Phải khẳng định rằng việc mở rộng hoạt động CVTDcủa ngân hàng có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào trình độ cán bộ, công nhân viên của ngân hàng. Dưới con mắt của khách hàng thì cán bộ ngân hàng chính là hình ảnh của ngân hàng. Ngân hàng xây dựng được một đội ngũ cán bộ tín dụng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt thì sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả và thuận lợi trong việc mở rộng các khoản cho vay tiêu dùng.

d. Về năng lực công nghệ

Ngày nay, công nghệ là là mộttrong những nhân tố quan trọng trong sự phát triển của các tổ chức kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng. Có thể thấy, công nghệ là một trong các điều kiện để đảm bảo cho hoạt động của các NHTM hiện đại và là phương tiện giúp các NH có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Đối với các NH, ứng dụng công nghệ trong hoạt động NH tạo ra những cơ hội giảm thiểu giấy tờ và nhân sự, tiết kiệm thời gian và tăng sự chính xác trong phân tích, thẩm định cho vay, do đó, hạn chế rủi ro. Nếu một ngân hàng có trình độ công nghệ tốt, hiện đại, khách hàng đến giao dịch sẽ cảm nhận thấy sự thoải mái và tiện ích phù hợp với nhu cầu của khách hàng thì khi đó họ sẽ sử dụng các dịch vụ ngân hàng thường xuyên hơn. Nhờ vậy ngân hàng có thể giành được nhiều thị phần khách hàng hơn.

e. Về năng lực quản trị rủi ro

Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của NHTM chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là hoạt động cho vay, là hoạt động kinh doanh phức tạp nhất so với các hoạt động kinh doanh khác của NHTM, đem lại nhiều rủi ro nhất cho NH. Vì vậy, rủi ro hoạt động cho vay, nếu xảy ra, sẽ có tác động rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức tín dụng, cao hơn nữa, nó tác động đến toàn bộ hệ thống NH và toàn bộ nền kinh tế. Hiệu quả kinh doanh của hoạt động cho vay phụ thuộc nhiều vào năng lực quản trị rủi ro. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay thì nâng cao năng lực quản trị rủi ro là công việc cấp thiết của các NH. Việc đánh giá, thẩm định và quảy lý tốt các khoản cho vay, các khoản dự định giải ngân sẽ hạn chế những rủi ro cho vay mà NH gặp phải và tất yếu giảm bớt nợ xấu cho NH.

1.3 Kinh nghiệm mở rộng cho vay tiêu dùng của một số ngân hàng thương mại và bài học kinh nghiệm đối với BIDV-Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế Hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng Đầu tư Và Phát triển Việt NamChi nhánh Tây Nam Quảng Ninh (Trang 30 - 34)