Về phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 80 - 83)

THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG NÔNG THÔN TỈNH BẮC NINH

3.1.2.1.Về phát triển kinh tế

* Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, Bắc Ninh đã trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) duy trì mức

tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 17%/năm; giai đoạn 2016 - 2019 đạt 9,23%/năm (cao hơn mức 6,8%/năm bình quân cả nước). Năm 2019, GRDP (theo giá hiện hành) đạt 197.888 tỷ đồng, tăng gấp 4,33 lần so với năm 2010 (45.716 tỷ đồng) [Bảng 3.1].

Bảng 3.1. Tổng sản phẩm (GRDP) và cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo giá hiện hành phân theo khu vực kinh

tế

Nội dung Đơn vị 2010 2015 2018 2019

GRDP tỷ đồng 45.716 127.072 187.228 197.888

Cơ cấu % 100% 100% 100% 100%

Công nghiệp, Xây dựng tỷ đồng 28.562 91.859 143.318 149.840

Cơ cấu % 62,48 72,29 76,55 75,7

Dịch vụ tỷ đồng 9.202 23.328 31.063 34.826

Cơ cấu % 20,13 18,36 16,59 17,6

Nông, lâm, thủy sản tỷ đồng 4.778 4.857 5.084 5.228

Cơ cấu % 10,45 3,82 2,72 2,6

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp SP tỷ đồng 3.175 7.027 7.762 7.995

Cơ cấu % 6,94 5,53 4,15 4,0

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh chuyển dịch tích cực, khai thác tốt lợi thế của từng ngành, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể: năm 2010 tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 62,48%, dịch vụ chiếm 20,13%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,45%; năm 2015 tỷ lệ tương ứng là 72,29% - 18,36% - 3,82%; năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 76,55% - 16,59% - 2,72%; năm 2019, tỷ lệ tương ứng là 75,7% - 21,6% - 2,6%. Năm 2019, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 143,5 triệu đồng/người, tương đương 6.163 USD, đứng thứ 2 cả nước [Bảng 3.1].

* Sản xuất nông, lâm, thủy sản

Bắc Ninh đã từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình chuỗi giá trị từ “sản xuất giống - thức ăn - gia công - thu mua - chế biến - phân phối” và các mô hình kinh tế trang trại đem lại hiệu quả cao. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm (giá so sánh năm 2010) đạt 8.862 tỷ đồng, trong đó, giá trị trồng trọt chăn nuôi đạt 7.709 tỷ đồng, giá trị lâm nghiệp 21 tỷ đồng; giá trị thuỷ sản 1.131 tỷ đồng. Năng suất lao động bình quân của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 12,1%/năm, cao nhất trong ba khu vực [111].

* Công nghiệp - xây dựng

Sản xuất công nghiệp luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số, là động lực tăng trưởng của tỉnh. Năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 1.179,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2015; bình quân giai đoạn 2016- 2019 tăng 13,4%/năm và đóng góp 6,6% trong 8,5% tăng trưởng GRDP. Công nghiệp chế biến, chế tạo từng bước nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, tiếp cận và ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tăng từ 61,7% năm 2015 lên 82,6% năm 2018 và đến năm 2020 ước 86%. Bước đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung cấp cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp FDI ngành điện tử và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu [71].

* Thương mại - Dịch vụ

Năm 2015, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, đến năm 2020 ước 68,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần; bình quân giai đoạn 2016- 2020 tăng 14,1%/năm. Trong đó, tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ từ các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tăng từ 12,8% năm 2015 lên 24% năm 2018 và ước 35% năm 2020 [71].

Dịch vụ vận tải cùng với hệ thống các cảng cạn ICD và 14 trung tâm kho vận logistics đã góp phần luân chuyển hàng hóa đến khắp các vùng miền trong cả nước và vươn ra thị trường thế giới. Du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng gắn du lịch văn hóa với làng nghề truyền thống; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được gắn kết đồng bộ với dịch vụ lưu trú và ăn uống, từng bước tạo thành chuỗi dịch vụ phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Ninh năng động và phát triển [71].

* Thu chi ngân sách

Quy mô kinh tế tăng đã góp phần gia tăng và nuôi dưỡng các nguồn thu cho ngân sách, đóng góp ngày càng cao cho ngân sách Trung ương và đảm bảo cân đối chi ngân sách địa phương, nhất là chi đầu tư phát triển. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 30.431 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2018, gấp 1,7 lần so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng thu ngân sách tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt xấp xỉ 20%/năm, giai đoạn 2016-2019 đạt 19,22%/năm. Từ năm 2017, tỷ lệ điều tiết về Ngân sách Trung ương tăng lên 17% [71].

Đơn vị tính: tỷ đồng

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh Hình 3.2. Thu chi ngân sách tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2010 - 2018

Bắc Ninh thuộc nhóm các tỉnh có mức thu ngân sách nhà nước cao. Đây là yếu tố quan trọng để Bắc Ninh đầu tư hạ tầng, tiếp tục thu hút đầu tư, tạo sự phát triển bứt phá mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Chi ngân sách địa phương được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; tổng chi năm 2019 là 18.909 tỷ đồng, giảm so với năm 2018 là 22.109 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với các năm 2017 là 17.406,5 tỷ đồng, năm 2016 là 15.325,8 tỷ đồng; bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 13% [Hình 3.2].

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 80 - 83)