Vai trò của huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 49 - 54)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.2.1.2.Vai trò của huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh

địa bàn cấp tỉnh

Phát triển KCHT nông thôn địa bàn cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động khu vực nông thôn, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn. Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về KCHT của các địa phương, nhà đầu tư tư nhân không muốn hoặc không đủ năng lực để đầu tư, việc huy động vốn cho phát triển KCHT nông thôn là rất cần thiết, thể hiện cụ thể ở những nội dung sau:

Một là, huy động vốn hỗ trợ cho phát triển KCHT nông thôn đồng bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nông thôn.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương đòi hỏi phải không ngừng phát triển KCHT nông thôn làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Hệ thống giao thông nông thôn là mắt xích quan trọng trong việc phục vụ đi lại, giao lưu kinh tế, văn hoá; là tiền đề rất quan trọng để các địa phương thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội khác. Điện, đường, trường, trạm lại có vai trò nâng cao trình độ dân trí, tạo ra nguồn lực con người có sức khoẻ, có trình độ để bổ sung nguồn lực lao động cho nền kinh tế quốc dân. Mạng lưới truyền hình, bưu chính viễn thông Internet giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin kinh tế kỹ thuật, khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp và những tiến bộ của khu vực nông thôn. Thông qua việc đầu tư vào các dự án KCHT nông thôn sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ sản xuất cá thể trong khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Dù có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhưng do các dự án đầu tư KCHT nông thôn cần nguồn vốn lớn và khả năng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân và thực tế có rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện. Vì thế, các công trình KCHT đòi hỏi phải huy động từ nhiều nguồn vốn trong nền kinh tế, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là quan trọng khi đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ bản như hệ thống điện lưới quốc gia, đường giao thông vận tải, thông tin liên lạc... tạo điều kiện thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tư nhân, sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng trong phát triển các công trình KCHT.

Hai là, huy động vốn phát triển KCHT nông thôn tạo động lực tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thích ứng với yêu cầu mới

Để đạt mục đích phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững, cần phải cải tạo cơ cấu kinh tế tối ưu phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế trong nước cũng như sự thay đổi của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận tối đa nên đa phần lựa chọn cho mình các ngành, lĩnh vực có vốn đầu tư không quá lớn, thu hồi vốn nhanh chóng. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn lại

có những ngành vai trò không thể thiếu nhưng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn như hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, cấp thoát nước; hoặc những ngành lợi nhuận thu về nhỏ, khả năng thu hồi vốn chậm ví dụ như các công trình công cộng, cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn. Thông qua việc huy động các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp của dân cư để đầu tư vào các công trình này, kinh tế nông thôn sẽ tăng trưởng, phát triển toàn diện, đồng đều. Đồng thời, với kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển, việc áp dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp được thực hiện dễ dàng và thường xuyên hơn, mang lại năng suất lao động cao và giá trị kinh tế lớn cho sản phẩm nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế của khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ từng bước biến chuyển theo định hướng đã đề ra của nhà nước: tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỉ trọng nông nghiệp và theo đó, thu hút thêm các nguồn vốn của tư nhân trong và nước ngoài đầu tư vào khu vực nông thôn, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trước yêu cầu mới của sự phát triển theo hướng tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kết hợp phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó, phát triển theo chiều sâu là hướng đi chủ yếu. Vì vậy hướng phát triển nôngg nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hưu cơ đòi hỏi việc kiến tạo kết cấu hạ tầng nông thôn phải luôn đi trước một bước để mở đường cho kinh tế nông thôn phát triển, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư từ bên ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu của phát triển kinh tế nông thôn là phải xây dựng được các cơ sở kiến trúc hạ tầng kinh tế ở một trình độ nhất định: điện, nước, giao thông, các công trình văn hóa, xã hội, các khu cụm công nghiệp sản xuất tập trung… để đảm bảo sao cho có thể khai thác tốt nhất các nguồn nguyên nhiên liệu, nguồn lao động, công nghệ… cần thiết. Do vậy, nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng đạt một trình độ nhất định, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cũng như tăng tính hiệu quả, nhanh chóng của việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tạo nền tảng vững chãi cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Ba là, huy động vốn để phát triển KCHT nông thôn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân nông thôn.

Việc thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn trước hết sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực nông thôn, tăng thu nhập cho người dân thông qua tác động từ các công trình xây dựng cơ bản. Người dân ý thức được vai trò của kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng khả năng giao lưu hàng hoá, thị trường nông thôn được mở rộng, kích thích kinh tế hộ nông dân tăng gia sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu nhập của các hộ nông dân tăng, đời sống nông dân được nâng lên, thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn. Từ đó giảm được dòng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, giảm bớt gánh nặng cho thành thị…

Nhận thức được vai trò quan trọng của phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhiều địa phương đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể của từng vùng để huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Đầu tư phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu bức xúc của người dân nên được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Tiếp theo là thu hút vốn để nâng cấp và hoàn thiện các hạng mục KCHT nông thôn như hệ thống cung cấp điện, hệ thống thủy lợi tạo điều kiện cho sản xuất phát triển và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn, nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn, giúp xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Người dân ngày càng tích cực tham gia vào việc phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn như đóng góp ngày công, góp tiền, hiến đất làm đường, làm các công trình công cộng phục vụ dân sinh, thúc đẩy hoạt động văn hoá xã hội, tôn tạo và phát triển những công trình và giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao dân trí đời sống tinh thần của dân cư nông thôn.

Như vậy, huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn tác động lớn đến việc cải thiện điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt, làm tăng phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, tăng sức thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đến thị trường nông nghiệp, nông thôn, thu hút nguồn lao động, hạ giá thành trong sản xuất và mở rộng thị trường nông thôn. Từ đó, giảm bớt chênh lệch, khác biệt về thu nhập và hưởng thụ vật chất,

văn hoá giữa các tầng lớp, các nhóm dân cư trong nông thôn cũng như giữa nông thôn và thành thị.

Bốn là, huy động vốn để phát triển KCHT nông thôn góp phần thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Nông thôn là địa bàn sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng của cả xã hội; là thị trường để tiêu thụ sản phẩm, có vai trò quan trọng trong việc tạo sự gắn bó hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giúp hình thành những vùng du lịch sinh thái đa dạng và thanh bình, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho con người. Do đó, việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo vệ môi trường của cả nước. Hiện nay, dưới áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khu vực nông thôn - nơi tập trung khoảng 70% số dân của cả nước đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nặng nề, như ô nhiễm nước, không khí, đất,… Hàng năm, khu vực nông thôn phát sinh hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu - loại rác thải nguy hại chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp ra môi trường… làm cho nguồn nước, không khí nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng. Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu tùy tiện không tuân thủ quy trình kỹ thuật, không bảo đảm thời gian cách ly; việc nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật… chính là nguồn chất thải độc hại lớn gây nguy hại cho môi trường.

Hiện nay, môi trường ở các làng nghề nông thôn nước ta cũng đang đối mặt với nạn ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều làng nghề chưa xử lý được vấn đề rác và nước thải, gây mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường sinh thái nông thôn. Công tác quản lý chất thải nông thôn hiện nay tại các địa phương hầu như đều đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ. Thậm chí, nhiều địa phương xảy ra hiện tượng tận dụng các ao, hồ, vùng trũng để đổ rác thải, hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Hơn nữa, đối với khu vực nông thôn và nông dân vấn đề đặt ra là phải tạo đủ việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng và việc làm thu nhập thấp trong nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Người dân nông thôn cần được hỗ trợ và khuyến khích để phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn thông qua chính sách thuế, đất đai, tín dụng..., hỗ trợ dạy nghề và hỗ trợ phát triển thị trường lao động nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, di chuyển lao động, nhất là thanh niên từ nông thôn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc.

Do vậy, thu hút các nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đầu tư hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng góp phần cải thiện môi trường sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sức khỏe người dân, giảm thiểu các chi phí về y tế cho người dân nông thôn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

Huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục phổ thông (giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, xóa mù chữ cho người lớn...); chăm sóc sức khỏe ban đầu (chương trình sức khỏe cộng đồng, dịch vụ y tế cơ sở từ tuyến huyện trở xuống, chương trình quốc gia về dinh dưỡng...); dân số và kế hoạch hóa gia đình (sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, kế hoạch hóa gia đình...); cung cấp nước sạch sinh hoạt (cho cộng đồng dưới 30.000 dân và cho khu vực nông thôn)... từ đó nâng cao trình độ sức lao động cả về trí lực và thể lực của cư dân ở các vùng nông thôn.

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 49 - 54)