Quan niệm về huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 48 - 49)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.2.1.1.Quan niệm về huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn

KCHT nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh do những đặc trưng của mình nên đòi hỏi phải có nguồn vốn đủ lớn để có thể xây dựng, vận hành và quản lý chúng, nên không một chủ thể nào có thể đảm nhận toàn bộ việc phát triển KCHT mà không cần sự hỗ trợ của những chủ thể khác. Do đó, huy động vốn là yêu cầu có tính quyết định đối với phát triển KCHT nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh. Chủ thể đầu tư phát triển KCHT cần sử dụng các chính sách, biện pháp và các hình thức nhằm tập hợp, thu hút nguồn vốn từ các chủ thể khác trong nền kinh tế có liên quan để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.

Có thể hiểu, huy động vốn nói chung là quá trình chủ thể huy động lập kế hoạch, lựa chọn sử dụng các phương thức và các công cụ khác nhau để tập trung các nguồn vốn trong nền kinh tế, cũng như tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm soát hoạt động huy động vốn nhằm đạt mục tiêu đề ra. Việc huy động vốn đầu tư phải đảm bảo mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, người chủ sở hữu vốn và lợi ích cho xã hội.

Đối với phát triển KCHT nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh, việc huy động vốn thường được thực hiện từ chủ thể Nhà nước, do các công trình KCHT nông thôn có quy mô vốn lớn, thu hồi vốn chậm, ít lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận nên khu vực tư nhân sẽ không đầu tư, bắt buộc Nhà nước phải đảm nhận.

Trong giới hạn mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án, huy động vốn để phát triển KCHT ở địa bàn cấp tỉnh là quá trình chính quyền cấp tỉnh lập kế hoạch,

ban hành và thực thi các chính sách, biện pháp nhằm tập hợp các nguồn lực tài chính (của cải vật chất, sức lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ,...) từ các chủ thể trong nền kinh tế có lợi ích liên quan, với mục đích đầu tư phát triển KCHT nông thôn đáp ứng các tiêu chí NTM; cũng như tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm soát hoạt động huy động vốn nhằm đạt mục tiêu đề ra. Nguồn vốn được huy động phải đủ lớn để thực hiện các công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình đảm bảo cho các công trình KCHT nông thôn phát triển một cách đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài.

Nội hàm của huy động vốn để phát triển KCHT là:

(i) Chủ thể của hoạt động huy động vốn là chính quyền cấp tỉnh, bao gồm UBND tỉnh, UBND các huyện và các Sở, ngành liên quan như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và PTNT...;

(ii) Đối tượng là các hoạt động huy động vốn gồm: lập kế hoạch đầu tư phát triển KCHT nông thôn; kế hoạch huy động vốn từ các chủ thể có lợi ích liên quan; tổ chức, chỉ đạo thực hiện hoạt động huy động vốn; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động huy động vốn để phát triển KCHT nông thôn.

(iii) Mục tiêu của huy động vốn là đáp ứng được nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển KCHT nông thôn, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư với các chủ thể tham gia góp vốn.

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 48 - 49)