Quan niệm về vốn

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 40 - 42)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.1.2.1.Quan niệm về vốn

Vốn là một phạm trù kinh tế cơ bản, chỉ khối lượng của cải mà lao động của con người tạo ra, được tích lũy lại và đưa vào quá trình sản xuất, lưu thông nhằm mục đích mang lại khối lượng của cải lớn hơn lúc ban đầu. Do đó, vốn có thể tồn tại dưới hình

thái một khối lượng tiền tệ nào đó; hoặc là toàn bộ các yếu tố đầu vào được bố trí để sản xuất hàng hoá, dịch vụ như máy móc, thiết bị, nhà xưởng, các kiến thức kinh tế, kỹ thuật của doanh nghiệp được tích luỹ, chất lượng nguồn nhân lực quản lý và sản xuất của doanh nghiệp, thương hiệu của doanh nghiệp.... Tùy theo nhu cầu quản lý và phân tích khác nhau sẽ dẫn đến các cách hiểu và quan niệm khác nhau về vốn.

Theo quan niệm của các nhà kinh tế chính trị Tư sản cổ điển, thì vốn được được hiểu thông qua thuật ngữ "tư bản", đó là số tiền mà nhà tư bản bỏ ra để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận. Tư bản được coi là một trong bốn yếu tố sản xuất, ba yếu tố còn lại là đất đai, lao động và doanh nghiệp [80].

Kinh tế chính trị Mác - Lênin cũng gọi phạm trù vốn dưới tên gọi là "tư bản" và cho rằng tư bản được biểu hiện bằng một lượng giá trị nhất định được đưa vào trong sản xuất và lưu thông để tìm kiếm giá trị thặng dư: "giá trị được ứng ra lúc ban đầu không những được bảo tồn trong lưu thông, mà còn thay đổi đại lượng của nó, còn cộng thêm một giá trị thặng dư, hay là đã tự tăng thêm giá trị. Chính sự vận động ấy đã biến giá trị đó thành tư bản" [9, tr.228].

Định nghĩa của Mác về vốn có tầm khái quát lớn vì nó bao hàm đầy đủ bản chất và vai trò của vốn. Bản chất của vốn là giá trị và mang lại giá trị thặng dư cho người sở hữu nó trong quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, mặc dù nó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: tài sản cố định, nguyên vật liệu, tiền công...

Các nhà kinh tế hiện đại như Schiller, Mankiw, Begg [96], vốn đầu tư là những chi tiêu cho (việc sản xuất) xưởng máy, trang thiết bị và những công trình xây dựng mới trong một thời kỳ nhất định cộng với những thay đổi trong hàng hóa lưu kho của các doanh nghiệp được tạo ra cho khu vực kinh doanh.

Ở Việt Nam, các quan niệm về vốn có sự kế thừa từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào điều kiện thực tiễn. Theo PGS.TS Từ Quang Phương cho rằng, vốn là một trong bốn thành tố của GDP bao gồm: Tiêu dùng, vốn đầu tư, mua hàng của chính phủ, xuất nhập khẩu ròng, trong đó vốn đầu tư là thành tố biến động mạnh nhất của GDP. Nguồn lực sử dụng cho đầu tư phát triển theo nghĩa hẹp là tiền vốn, theo nghĩa rộng, bao gồm cả tiền vốn, đất đai, lao động, máy móc thiết bị, tài nguyên [45, tr.101].

Theo Luật Đầu tư năm 2014, “Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh” [49].

Với những quan niệm về vốn đã nêu, có thể thấy nội hàm của vốn như sau: - Vốn là một phạm trù kinh tế tồn tại trong nền kinh tế hàng hóa, nó bao gồm toàn bộ những giá trị ứng ra ban đầu hay các giá trị tích luỹ thể hiện bằng tiền hoặc tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, sức lao động hoặc công nghệ sản xuất... được đưa vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại giá trị thặng dư cho người sở hữu vốn.

- Để lượng giá trị trở thành vốn đưa vào sản xuất kinh doanh thì nó phải đáp ứng khối lượng nhất định, và được chuyển hóa thành những yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất như máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu, tiền công của người lao động,...

- Vốn phải có chủ sở hữu và gắn với chủ sở hữu nhất định để có thể quản lý, đầu tư một cách hiệu quả nhằm mang lại giá trị thặng dư cho chủ sở hữu vốn, lợi ích cho xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.

- Xét ở góc độ nền kinh tế, vốn đầu tư được dùng để sản xuất và tái sản xuất nền kinh tế, tạo ra của cải vật chất mới cho nền kinh tế, làm tăng tiềm lực sản xuất kinh doanh và mọi hoạt động xã hội khác, là điều kiện chủ yếu để tạo việc làm, nâng cao đời sống mọi người dân trong xã hội.

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 40 - 42)