Kinh nghiệm của tỉnh Hải Dương

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 69 - 72)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.3.2.1.Kinh nghiệm của tỉnh Hải Dương

Hải Dương là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng với 89% diện tích tự nhiên là đồng bằng, được phù sa sông Thái Bình bồi đắp, đất màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, sản xuất được nhiều vụ trong năm. Năm 2006, Hải Dương đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu phát triển đồng bộ KCHT nông thôn, thu hẹp khoảng cách, để nông thôn tiếp cận gần hơn với thành thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn này, nông thôn Hải Dương đã xây dựng được 2.413km đường các loại; trong đó 56km đường huyện, 486km đường xã, liên xã, 1.482km đường thôn, xóm và 389km đường ra đồng, ra rừng và nội đồng, lô rừng; trong đó chiếm 70% là đường nhựa và bê tông xi măng. Đường nhựa từ chỗ chỉ chiếm 2,3% tổng số km đường năm

2000 lên 12,4% năm 2010; đường BTXM từ 4,9% năm 2000 lên 47,0% năm 2010; Loại đường cấp thấp như đường đất từ 36,09% năm 2000 xuống còn 16,07% năm 2010. Hệ thống đường giao thông nông thôn về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp cho người dân thuận lợi trong sản xuất và đời sống từ chỗ chỉ đi lại thuận lợi trong mùa khô, đến nay thông suốt quanh năm; xe vận tải nhỏ đã vận chuyển hàng hóa đến tận nhà hoặc nơi tiêu thụ, giải phóng được việc vận chuyển bằng lao động thủ công. Từ đó, làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc đầu tư cho

giao thông và các công trình hạ tầng nông thôn khác [78].

Kinh phí đầu tư giai đoạn này là 1.023.534 triệu đồng; trong đó nhà nước đầu tư và hỗ trợ 520.916 triệu đồng, cụ thể: đầu tư cho đường huyện 287.167 triệu đồng, hỗ trợ theo Đề án 97.781 triệu đồng, ngân sách tỉnh đối ứng cho Dự án giao thông nông thôn 2 và giao thông nông thôn 3 là 81.000 triệu đồng, Trung ương hỗ trợ qua Chương trình Dự án giao thông nông thôn 2, giao thông nông thôn 3 là 54.968 triệu đồng. Phần còn lại là từ ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp 502.618 triệu đồng [78].

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, Hải Dương tiếp tục triển khai đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn đạt chuẩn NTM. Tỉnh đã huy động được trên 135 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt 36.782 tỷ đồng, tăng bình quân 3,8%/năm, chiếm tỷ trọng 27,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 33.213 tỷ đồng, tăng bình quân 5,4%/năm, chiếm tỷ trọng 24,6%; vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước 65.014 tỷ đồng, tăng bình quân 5,4%/năm, chiếm tỷ trọng 48,2% [79].

Giai đoạn 2011 - 2019, Hải Dương xác định mục tiêu chủ trương xã hội hóa nguồn vốn cho phát triển KCHT nông thôn, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần và huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự đóng góp của người dân. Kết quả, đã huy động được tổng nguồn kinh phí 44.422,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 8.285,6 tỷ đồng đạt 18,7%, vốn lồng ghép 1.998,4 tỷ đồng đạt 4,5%, vốn tín dụng 24.257 tỷ đồng đạt 54,6%, vốn đầu tư của doanh nghiệp 4.427,2 tỷ đồng đạt 10,0%, vốn nhân dân đóng góp 5.069,3 tỷ đồng đạt 11,4%, vốn tài trợ, ủng hộ 385 tỷ đồng đạt 0,8% [79].

Kết quả là có 2.350 km đường giao thông nông thôn được xây dựng, trong đó có 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đạt chuẩn NTM. Mạng lưới cấp nước sạch được cung cấp tới 100% các xã; với việc đầu tư xây mới, nâng cấp và đưa vào sử dụng gần 80 công trình cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2015 đạt 85% và đứng đầu cả nước. Hải Dương không những đáp ứng tiêu chí về nước sạch trong xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh mà còn cung cấp nước sạch cho một số địa bàn nông thôn các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quan tâm thực hiện, hướng tới những giá trị mới ở nông thôn [79].

KCHT, nhất là giao thông ở khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân 3,1%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra. Hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt nhờ thực hiện tốt chính sách “tam nông”, tập trung vào các yếu tố “năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả”, gắn với bảo đảm an ninh lương thực và vệ sinh môi trường. Bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, đến tháng 6/2019, tỉnh Hải Dương có 190/220 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 86,3%, bình quân mỗi xã trong tỉnh đạt 18,65 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn đạt 98,6%; hệ thống hạ tầng thủy lợi đạt 100%; hệ thống điện đạt 100%; Trường học đạt 100%; Cơ sở vật chất văn hóa đạt 91,8%; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đạt 99,6% [79].

Nhìn chung, các nguồn vốn huy động ở Hải Dương được quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản trong phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo niềm tin và sự đồng thuận của người dân với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người dân đã đồng tình hưởng ứng thông qua việc ủng hộ tiền của, ngày công, hiến đất, tháo dỡ các công trình để phục vụ xây dựng KCHT nông thôn, quy hoạch đồng ruộng, làm đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi

thửa; chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội... Cùng với các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đã tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng nông thôn quan trọng có tác động tới phát triển liên vùng và phục vụ đời sống dân sinh, nhất là các trục giao thông chính, hệ thống đường giao thông nông thôn, mạng lưới cấp nước sạch, dự án cầu Hàn, nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt. Một số dự án quan trọng cũng đang được tích cực đầu tư như đường trục Bắc Nam, đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; hệ thống đường dẫn vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhân dân khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển kinh tế, du lịch và mở rộng thông thương với nhiều tỉnh, thành phố [79].

Bài học của Hải Dương cho thấy, để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn cần thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế bỏ vốn tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh và xây dựng KCHT. Vốn ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, hoặc không xã hội hóa được. Đồng thời, tỉnh có chính sách thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tạo hành lang pháp lý với các cơ chế, chính sách đồng bộ, công khai, minh bạch để thu hút vốn từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng KCHT với những hình thức phù hợp, trên cơ sỏ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư và lợi ích toàn xã hội. Mở rộng phương thức đầu tư Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực vốn đầu tư từ đất đai, chú ý huy động tối đa nguồn lực từ đất cho đầu tư xây dựng KCHT thông qua khai thác địa tô chênh lệch do đầu tư hạ tầng đem lại.

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 69 - 72)