Những công trình nghiên cứu về phương thức, nhân tố ảnh hưởng đến huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 30 - 33)

đến huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn

Nguyễn Lương Thành (2009), “Tăng cường huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình KCHT kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Ninh trong thời kỳ đổi mới - thực trạng - kinh nghiệm và giải pháp” [58].

Phát triển KCHT kinh tế - xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư và khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, cho phát triển KCHT kinh tế - xã hội cũng đa dạng hơn. Giai đoạn 1997 - 2005, Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả trong huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình KCHT kinh tế - xã hội nhưng mức độ huy động vốn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tác giả luận án đã trình bày những vấn đề cơ bản về huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phân tích thực trạng huy động vốn để xây dựng KCHT kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 1997- 2005. Từ đó, đề xuất hệ thống các giải pháp huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình KCHT kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh.

Nguyễn Xuân Thành (2010), "Những trở ngại về cơ sở hạ tầng của Việt Nam" [59]. Báo cáo phân tích số liệu giai đoạn 2000 - 2010 và chỉ ra rằng trong thập niên vừa qua, tổng đầu tư hạ tầng ở Việt Nam đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, vượt qua khỏi các nền kinh tế Đông Á vốn nổi tiếng về mức đầu tư KCHT cao. Kết quả từ tỉ lệ đầu tư cao của Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng khối lượng KCHT và cải thiện tiếp cận, góp phần vào sự thành công về tăng trưởng và phát triển của đất nước. Mặt dù được đầu tư cao song những trở ngại về KCHT của Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả. Việt Nam phải đối mặt với thách thức bảo vệ KCHT trước thiên tai và việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Giải quyết được rào cản KCHT này có tầm quan trọng rất lớn giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng với tốc độ cao và theo hướng bền vững, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển tham vọng đã đề ra cho

những thập niên sắp tới. Tác giả đã xem xét những thách thức KCHT mà Việt Nam đối mặt trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải, chất lượng của công tác quy hoạch KCHT chiến lược trong hai khu vực này để xác định những nút thắt quan trọng, nhu cầu ưu tiên, và đưa đến việc hình thành những can thiệp chính sách giải quyết nhiều khó khăn khác nhau mà Việt Nam đang gặp phải trong các lĩnh vực trên.

Bùi Văn Khánh (2010), “Huy động nguồn lực tài chính xây dựng KCHT giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” [30].

Luận án tập trung nghiên cứu về KCHT giao thông đường bộ và thực trạng huy động nguồn lực tài chính xây dựng KCHT giao thông đường bộ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2001-2010. Trên cơ sở đó tác giả luận án đề xuất hệ thống các giải pháp huy động nguồn lực tài chính xây dựng KCHT giao thông đường bộ tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, bao gồm nhóm giải pháp huy động nguồn lực tài chính trong nước, nhóm giải pháp huy động nguồn lực tài chính nước ngoài.

Đỗ Đức Tú (2012), "Phát triển KCHT giao thông Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 theo hướng hiện đại" [69].

Luận án đã xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá tính hiện đại, đồng bộ của KCHT giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở phân tích, đánh giá sự phát triển hệ thống KCHT giao thông đồng bằng sông Hồng, luận án đưa ra những đánh giá cơ bản: Đầu tư phát triển KCHT giao thông phải có tầm nhìn dài hạn hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm để đảm bảo sự đồng bộ của cả hệ thống KCHT và tránh lãng phí nguồn lực; đầu tư có trọng điểm vào những công trình có thể tạo bước phát triển đột phá về năng lực của cả hệ thống KCHT giao thông; Đầu tư phát triển KCHT giao thông phải đi đôi với nâng cao ý thức và văn hoá tham gia giao thông của người dân. Để huy động nguồn lực cho phát triển KCHT, Nhà nước phải có những cơ chế chính sách thực sự ưu đãi để khuyến khích đầu tư, không chỉ dừng ở những khẩu hiệu chung chung.

Dương Văn Thái (2014), "Huy động vốn đầu tư phát triển KCHT giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" [56].

Trong các nguồn lực đầu tư phát triển KCHT giao thông đường bộ, nguồn lực tài chính là nguồn lực khởi nguồn cho việc khai thác các nguồn lực khác. Tuy nhiên,

nguồn lực tài chính từ ngân sách có hạn, mức độ huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách cho phát triển KCHT giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thông qua việc phân tích thực trạng nguồn lực tài chính cho phát triển hệ thống KCHT giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2001 - 2013, tác giả luận án đã đề xuất hệ thống các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống KCHT giao thông đường bộ theo quy hoạch của tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ Giao thông Vận tải (2013), Báo cáo "Đầu tư nước ngoài với phát triển KCHT tại Việt Nam" [5].

Sau 25 năm thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn đầu tư cho KCHT giao thông của Việt Nam phát triển theo chiều hướng khá tích cực, mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, số lượng còn rất hạn chế, chưa đồng đều và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng và khai thác cảng biển. Từ thực tế đó, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra khuyến nghị: (1) Sớm hoàn chỉnh thể chế, chính sách nhất là thể chế triển khai các dự án theo hình thức hợp tác đối tác công - tư PPP nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển kết hạ tầng giao thông. (2) Tăng cường sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành với các nhà tài trợ trong quá trình huy động vốn và triển khai thực hiện các dự án, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai các dự án theo hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP) - đây là hình thức huy động vốn cơ bản trong giai đoạn tới. (3) Trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ cần có phương án vốn đặc biệt tham gia vào các dự án lớn có tính lan tỏa, kịp giải quyết tình trạng ùn tắc và nâng cao năng lực thông qua của hệ thống KCHT giao thông.

TS Nguyễn Thị Mỹ Linh (2016), "Giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại thành phố Cần Thơ" [35].

Nghiên cứu cho thấy, nguồn vốn đầu tư cho KCHT của thành phố Cần Thơ thời gian qua chủ yếu được phân bổ từ ngân sách nhà nước và vốn ODA, một phần nhỏ được đóng góp bằng nguồn vốn xã hội hóa trong dân cư qua các dự án được triển khai. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chưa có hoặc cũng chỉ trên cam kết và thiếu vắng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chính

quyền địa phương. Từ thực tế trên, bài viết đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển KCHT tại thành phố Cần Thơ.

PGS, TS. Trần Kim Chung (2017), "Giải pháp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng gắn với tái cơ cấu đầu tư" [7].

KCHT, phát triển KCHT và vốn đầu tư phát triển KCHT là một vấn đề hết sức quan trọng. Có nhiều giải pháp vốn cho phát triển KCHT giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên, các giải pháp truyền thống về tăng các yếu tố nguồn đầu tư công hiện đã gặp trở ngại do ngân sách Việt Nam không thể mở rộng đầu tư KCHT. Vì vậy, nguồn đầu tư KCHT trong giai đoạn tới phải chủ yếu dựa vào các nguồn vốn trong nước khác với truyền thống. Tác giả đã đề xuất khai thác các nguồn vốn cho KCHT ngoài các nguồn vốn truyền thống như: nguồn vốn từ việc thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước; nguồn vốn từ huy động nguồn lực đất đai bất động sản; nguồn vốn từ hợp tác công tư (PPP), nhất là từ tư nhân trong nước. Các nguồn vốn này có tiềm năng rất lớn nếu huy động được vào phát triển KCHT thì giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và sớn hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, để huy động những nguồn lực này, theo tác giả cần sớm ban hành và thể chế hóa Luật Đầu tư phát triển KCHT để làm cơ sở cho việc thu hút các nguồn vốn mới; đặc biệt là phải xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tăng cường huy động vốn từ thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước, từ nguồn lực đất đai bất động sản và hợp tác công tư (PPP).

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 30 - 33)