Khuôn khổ pháp lý

Một phần của tài liệu Tài liệu Việc tiếp nhận các nguyên tắc quản trị công ty của OECD (Trang 94 - 98)

6. Kết cấu của luận văn

2.6.1. Khuôn khổ pháp lý

Như đã trình bày tại Chương I của Luận văn, khuôn khổ quản trị công ty thường bao gồm các yếu tố như luật lệ, thỏa ước, cam kết tự nguyện và thông lệ kinh doanh,

trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, người viết chỉ tập trung vào các khía cạnh thuộc về hệ thống pháp luật trong khuôn khổ quản trị công ty; theo OECD, “khuôn khổ quản trị công ty cần thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, phù hợp với quy định của pháp luật, và phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi”.

Có thể nói, ở Việt Nam, thị trường chứng khoán ra đời tương đối muộn- ngày 20/7/2000 bởi sự thành lập của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSTC), nhưng trước đó đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm mở đường cho sự hình thành của thị trường tài chính này. Xuất phát từ Nghị định số 75/1996/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp theo đó là Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán, được thay thế bởi Nghị định 144/2003/NĐ-CP; trước năm 2006, chưa có một văn bản luật điều chỉnh riêng đối với thị trường chứng khoán. Đối với lĩnh vực quản trị công ty thì chỉ có các quy định tại Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ban hành ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 và Mẫu Điều lệ áp dụng cho các công ty niêm yết được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 19/11/2002 theo Quyết định số 07/2002/QĐ-VPCP.

Cùng với sự phát triển của thị trường, hệ thống pháp luật về QTCT cũng đã dần được hoàn thiện. Đầu tiên phải kể đến Luật Chứng khoán năm 2006 và văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 14/2007/NĐ-CP, Nghị định 84/2010/NĐ-CP) với những quy định về chào bán chứng khoán, nghĩa vụ công bố thông tin và tổ chức thị trường đã tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức, xây dựng các quy định cơ sở cho sự bảo vệ quyền, lợi ích của nhà đầu tư, thu hẹp thị trường tự do- nơi các giao dịch không có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ xâm phạm quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Sự ra đời của Luật Chứng khoán đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia thị trường, cùng với nhiều nguyên nhân khách quan xuất phát từ tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã tạo nên một năm phát triển đột phá cho thị trường chứng khoán trong năm 2007 với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt gần 43% GDP, số tài

khoản của nhà đầu tư tăng từ 100.000 vào năm 2006 lên 330.000 [17]. Cũng trong năm này, nhằm đáp ứng các yêu cầu khi gia nhập WTO cũng như tăng cường các quy định để đảm bảo sự phát triển minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán đã được ban hành (kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ- BTC). Tiếp đó, Luật Chứng khoán được sửa đổi năm 2010, Nghị định 14/2007/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và quy chế quản trị công ty niêm yết cũng đã được thay thế bởi Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.

Tuy nhiên, một thực tế không chỉ của pháp luật về quản trị công ty mà còn là điểm chung của hệ thống pháp luật nước ta, đó là sự thiếu thống nhất thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo, giữa các quy định pháp lý có liên quan điển hình như trường hợp tranh chấp tại Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) dưới đây.

ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 6/2013 của PVL không bàn về việc thay đổi nhân sự HĐQT; ngày 01/7/2013, ông Nguyễn Văn Lai có đơn gửi HĐQT xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và rút khỏi HĐQT. Nhận đơn, ngày 02/7/2013 HĐQT PVL đã họp và chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Văn Lai, đồng thời đề cử ông Nguyễn Văn Dũng là người đại diện phần vốn của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC)- cổ đông lớn nắm giữ 14% vốn tại PVL – làm chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, sau khi PVL thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, các cổ đông và cơ quan quản lý đã phát hiện ra việc bổ nhiệm này không đúng quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp (trường hợp HĐQT bầu Chủ tịch HĐQT thì Chủ tịch được bầu trong số thành viên HĐQT)- tại thời điểm được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Dũng không phải là thành viên HĐQT. Bởi sai sót này, HĐQT PVL đã phải họp lần 2 để bầu lại Chủ tịch HĐQT. Tại cuộc họp này, HĐQT đã thông qua việc bổ nhiệm ông Hoàng Ngọc Sáu làm Chủ tịch. Ngày 26/8/201, PVL nhận được văn bản của PVC yêu cầu HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường với lý do: HĐQT/BKS công ty PVL đã hết nhiệm kỳ quá 6 tháng. Ngày 11/9/2013, Chủ tịch HĐQT PVL đã có công văn trả lời PVC theo hướng, HĐQT vừa được bầu mới, văn bản này không đề cập tới việc từ chối yêu

cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường của PVC. Ngày 19/9/2013, PVC lại có công văn cho rằng ông Hoàng Ngọc Sáu “xưng danh” Chủ tịch HĐQT PVL trả lời PVC là không đúng thẩm quyền (trước đó, ngày 28/8/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã ký phát hành Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh cho PVL, xác nhận bộ máy lãnh đạo mới của công ty này). Đồng thời, PVC cũng đã có công văn yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) chốt danh sách cổ đông để tự đứng ra triệu tập ĐHĐCĐ, bầu HĐQT mới. Tuy nhiên, PVL cho rằng, việc PVC không công nhận HĐQT mới của PVL là sai quy định và PVC không đủ thẩm quyền để yêu cầu VSD cung cấp danh sách cổ đông của Công ty.

Luật Doanh nghiệp cho phép cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ, có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ trong trường hợp HĐQT, BKS công ty từ chối triệu tập ĐHĐC theo yêu cầu; tuy nhiên, đối với doanh nghiệp niêm yết, để triệu tập họp ĐHĐCĐ, phải chốt danh sách cổ đông tại VSD. Vấn đề ở đây là liệu VSD có quyền cung cấp danh sách cổ đông của doanh nghiệp niêm yết cho nhóm cổ đông hay không? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Luật Chứng khoán quy định VSD có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của khách hàng theo yêu cầu của “công ty đại chúng, tổ chức phát hành”.Tuy nhiên trong trường hợp này, ai là “tổ chức phát hành”? HĐQT mới của PVL? Hay cổ đông lớn PVC? HĐQT đương nhiên là đại diện của tổ chức phát hành, nhưng khi HĐQT không được cổ đông thừa nhận thì nhóm cổ đông lớn có được coi là tổ chức phát hành hay không? Chính VSD cũng không trả lời được câu hỏi này. Thực tế cả VSD và UBCKNN đều không đủ thẩm quyền để xem xét tính hiệu lực của HĐQT đương nhiệm PVL và cũng không đủ thẩm quyền để khẳng định cổ đông lớn PVC có phải là đại diện của tổ chức phát hành, đủ quyền yêu cầu VSD cung cấp danh sách cổ đông hay không? Trong trường hợp cụ thể này, UBCKNN đã phải có công văn xin hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan, đề nghị giải thích rõ khái niệm về tổ chức phát hành.

Một phần của tài liệu Tài liệu Việc tiếp nhận các nguyên tắc quản trị công ty của OECD (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)