6. Kết cấu của luận văn
3.1.6. Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực QTCT
UBCKNN là cơ quan quản lý chuyên môn đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên, hiện nay như phân tích tại các chương trước của Luận văn, quy định về vai trò của UBCKNN trong lĩnh vực QTCT vẫn còn nhiều hạn chế. UBCKNN được quyền ban hành các nguyên tắc, các văn bản hướng dẫn đối với thị trường; được cấp phép hoạt động cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; thực hiện các hoạt động thanh tra, giám sát và quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, UBCKNN không được thay mặt cho các nhà đầu tư thực hiện khởi kiện dân sự ra tòa án, và cũng không được thực hiện chức năng truy tố (có thể tham gia công tác điều tra). Bên cạnh đó, với tư cách là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, UBCKNN không có thẩm quyền ban
hành văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ được ban hành dưới dạng văn bản hướng dẫn, các hướng dẫn này cũng phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Trong khi đó, thông lệ quốc tế lại cho thấy sự kêu gọi sự độc lập cho các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Ông Ken Rushton, trưởng Ban Niêm yết, Cơ quan quản lý niêm yết Vương quốc Anh (FSA) tại một hội thảo đã chia sẻ, tại Anh, FSA có quyền “phạt tiền không giới hạn” đối với hành vi vi phạm và bỏ tù đối với những cá nhân có hành vi thao túng TTCK hay giao dịch nội gián. Chủ tịch FSA có một nhiệm vụ chính là thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các công ty niêm yết để thuyết phục, khuyến khích họ thực hiện các thông lệ tốt về QTCT. Các công ty muốn niêm yết ở Anh thì trong bản cáo bạch phải nêu rõ những điểm áp dụng QTCT tốt, giải trình những điểm chưa áp dụng và vì sao. Khi một công ty, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hay khi trên thị trường có tin đồn thì công ty, cá nhân đó phải giải trình trước Ủy ban Pháp chế. Ủy ban này có Chủ tịch là thành viên của FSA và các thành viên khác là những chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm… Sau đó, Ủy ban sẽ ra phán quyết nếu thấy có dấu hiệu vi phạm. Công ty hoặc cá nhân vi phạm có thể kháng cáo lên tòa án độc lập và quyết định của tòa án là cuối cùng. Xuất phát từ thực tiễn của thị trường cũng như từ kinh nghiệm quốc tế, theo người viết, với tư cách là một cơ quan chuyên môn, nên tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính, trở thành một cơ quan độc lập (đặc biệt là khi Bộ Tài chính cũng phát hành tín phiếu Kho bạc, trở thành một tổ chức phát hành trên thị trường chứng khoán) có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh của thị trường. Một thực tế hiện nay là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán đang rất chậm, một phần do UBCKNN không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là cơ quan soạn thảo, trình Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành; để kịp thời điều chỉnh các hoạt động sôi động, không ngừng biến đổi của thị trường, UBCK đã phải ban hành các công văn hướng dẫn đối với các SGDCK và các chủ thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, vì các là công văn hướng dẫn nên tính pháp lý nên những văn bản này không tính bắt buộc thực thi, và do đó, hiệu quả thực hiện rất hạn chế.
Ngoài ra, vai trò của Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thực hiện quyền giám sát việc tổ chức ĐHĐCĐ của doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Doanh nghiệp (hiện nay là khoản 2 Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014) còn khá mờ nhạt. Tình trạng nhiều công ty không triệu tập họp ĐHĐCĐ đúng quy định nhưng thiếu chế tài xử lý đặc biệt là đối với các công ty niêm yết gây ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường. Do vậy, nên giao thẩm quyền giám sát, bảo vệ quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên và bất thường của các cổ đông trong các công ty niêm yết (mở rộng ra là các công ty đại chúng) cho UBCKNN; cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện giám sát đối với các công ty chưa phải là công ty đại chúng.
Cùng với UBCKNN, các quy định pháp lý cũng cần phải trao quyền nhiều hơn cho các SGDCK- là những đơn vị tuyến đầu trong việc giám sát thực hiện QTCT của các công ty niêm yết, là đơn vị “gần gũi” nhất với các doanh nghiệp tham gia thị trường. Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, định kỳ 6 tháng và năm công ty đại chúng phải công bố thông tin về tình hình quản trị công ty, đồng thời báo cáo UBCKNN và SGDCK; tuy nhiên thẩm quyền của UBCKNN cũng như SGDCK trong việc xử lý các công ty vi phạm các quy định về QTCT vẫn chưa được quy định; việc xử lý vi phạm hiện nay chỉ dừng lại ở nghĩa vụ công bố thông tin (theo quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP); cần sớm khắc phục lỗ hổng này của luật. Cùng với đó, cần trao quyền cho các SGDCK được thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra tại các công ty niêm yết, hiện nay việc thanh tra, kiểm tra chỉ mới được thực hiện theo sự ủy quyền của UBCKNN hoặc tham gia đoàn thanh tra của UBCKNN.