Mối quan hệ giữa giá trị gia đình và tự chủ chăm sóc

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 96 - 99)

Khi xem xét tác động trực tiếp của giá trị gia đình tới tự chủ chăm sóc, kết quả kiểm định cho thấy giá trị gia đình bao gồm cả hai khía cạnh Niềm tin về trách nhiệm gia đình và niềm tin về sự hỗ trợ gắn kết gia đình đều có quan hệ thuận chiều với mức độ tự chủ chăm sóc của người chăm sóc. Một người nắm giữ niềm tin giá trị gia đình lớn, đồng nghĩa họ luôn hiểu rằng rằng các thành viên trong gia đình cần có trách nhiệm, tuân thủ những nghĩa vụ gia đình, cần duy trì sự gắn bó kết nối với các thành

viên gia đình và sẵn sàng giúp đỡ hoặc coi các thành viên gia đình như một nguồn lực hỗ trợ sẵn

sàng khi gặp khó khăn. Với quan niệm này, niềm tin giá trị gia đình được xem như một yếu tố động lực, thúc đẩy người chăm sóc hiểu và chấp nhận trách nhiệm chăm sóc như một trải nghiệm tất yếu và thông thường của cuộc sống, khuyến khích họ tự tin, nỗ lực làm tốt công việc chăm sóc, hướng tới nâng cao mức độ tự chủ chăm sóc NCT. Trong các nghiên cứu trong bối cảnh các quốc gia châu Á, thì cho thấy kết quả phần nào tương đồng, khi mà giá trị đạo đức con cái – khía cạnh văn hóa cũng bắt nguồn từ quan điểm về sự có đi có lại giữa cha mẹ - con cái hoặc giữa các mối quan hệ gần gũi khác trong gia đình được chứng minh khuyến khích các hành vi hỗ trợ tích cực với người được chăm sóc (Meyer và cộng sự, 2015; Dong & Xu, 2016). Điều này có thể lý giải rằng, tại các quốc gia châu Á, với văn hóa phương Đông đề cao các giá trị cốt lõi gia đình, đề cao chủ nghĩa tập thể, định hướng và cân bằng các mục tiêu cá nhân để hướng về lợi ích tập thể, họ được khuyến khích và thúc đẩy duy trì niềm tin giá trị gia đình đó trong mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, do vậy họ dễ dàng hơn chấp nhận vai trò trách nhiệm chăm sóc. Qua đó giúp giảm thiểu tác động của tác nhân gây căng thẳng xuất phát từ xung đột công việc – chăm sóc của họ, hướng tới kết quả tự chủ chăm sóc NCT tại gia đình.

Trong ba khía cạnh về tự chủ chăm sóc thì giá trị gia đình cũng cho thấy tác động mạnh nhất tới khía cạnh về hành vi của người chăm sóc. Người chăm sóc nắm giữ niềm tin giá trị gia đình lớn sẽ cho thấy mức độ tự chủ tốt hơn về khía cạnh hành vi, điều đó có nghĩa rằng giá trị gia đình trở thành một yếu tố động lực, thúc đẩy những hành vi tích cực xoay quanh công việc chăm sóc, giúp họ chủ động kiểm soát tốt mọi vấn đề liên quan tới công việc chăm sóc và nỗ lực hết sức để có thể làm tốt công việc chăm sóc của họ.

Xét về tác động gián tiếp của giá trị gia đình tới mức độ tự chủ chăm sóc thông qua biến trung gian xung đột công việc –chăm sóc, xung đột công việc – chăm sóc được chứng minh đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa cả niềm tin về trách nhiệm gia đình và tự chủ chăm sóc và giữa niềm tin về sự hỗ trợ, gắn kết gia đình và tự chủ chăm sóc. Điều này có nghĩa rằng, khi người chăm sóc nắm giữ niềm tin giá trị gia đình lớn, ưu tiên gia đình sẽ cảm thấy bớt áp lực đối với việc vừa đáp ứng nhu cầu công việc (mục tiêu cá nhân) vừa đảm nhiệm vai trò chăm sóc (mục tiêu gia đình), họ có thể dễ dàng hơn chấp nhận vai trò chăm sóc của họ, và đặt mục tiêu chăm sóc lên trên mục tiêu công việc, có thể sẵn sàng hy sinh các mục tiêu cá nhân để dành thời gian và ưu tiên cho công việc chăm sóc hoặc tìm mọi cách để cân bằng giữa nhu cầu công việc và nhu cầu chăm sóc người thân của họ. Khi cảm thấy duy trì được sự cân bằng giữa hai vai trò này,

giảm thiểu áp lực do sự xung đột khi đảm nhận đồng thời cả hai vai trò sẽ giúp bản thân họ tự tin hơn, gắn kết hơn với công việc chăm sóc mà họ đảm nhiệm, khuyến khích họ tích cực tham gia chủ động, nỗ lực để làm tốt vai trò chăm sóc của họ, hướng tới kết quả tự chủ chăm sóc. Kết quả này tương tự như kết quả của Aycan (2008); Mortazavi và cộng sự (2009) về mối quan hệ giữa giá trị văn hóa liên quan chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân và xung đột công việc – gia đình; và nghiên cứu về ảnh hưởng của xung đột công việc –gia đình tới kết quả chăm sóc hay kết quả trong công việc nói chung như mức độ gánh nặng chăm sóc (Gordon và cộng sự, 2012) hay thái độ hành vi tích cực của người lao động trong công việc (Opie & Henn, 2013; Wang và cộng sự, 2010; Grover & Crooker, 2006 và Kirchmeyer, 1995). Tuy một số nghiên cứu cho kết quả trái chiều nhưng đa số các nghiên cứu này tại châu Âu, bối cảnh nghiên cứu tương đối khác so với những quốc gia phương Đông khi mà nền tảng văn hóa gia đình vẫn đóng vai trò không thể thay thế qua các thế hệ, do vậy ảnh hưởng của niềm tin giá trị gia đình tới quá trình chăm sóc hay sự cân bằng giữa các vai trò trách nhiệm khác nhau trong cuộc sống có xu hướng thể hiện tích cực và rõ nét hơn.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 96 - 99)