Tổng quan các nghiên cứu tại Việt Nam về chăm sóc người cao tuổi tại gia

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 45 - 46)

tại gia đình

Các nghiên cứu về chăm sóc người cao tuổi tại gia đình ở Việt Nam chủ yếu xoay quanh các nghiên cứu thống kê về đặc điểm người chăm sóc và đặc điểm người cao tuổi được chăm sóc tại gia đình, các nghiên cứu liên quan tới các kết quả chăm sóc còn tương đối hạn chế. Tổng quan sau đây sẽ cho thấy rõ khoảng trống nghiên cứu tại Việt Nam.

Một số nghiên cứu có đề cập tới đối tượng chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, chẳng hạn như Trần Thị Mai và cộng sự (2020) chỉ ra rằng người chăm sóc là con cái (bao gồm con trai, con gái, con dâu, con rể) chiếm 49,2 % trong số những người thân thường chăm sóc cho người cao tuổi khi bị ốm và chiếm 53% tỷ lệ những người chăm sóc chính cho NCT tại gia đình. Tỷ lệ này tương tự giữa nhóm chăm sóc dài hạn và chăm sóc ngắn hạn cho người cao tuổi. Đồng thời, con cái cũng là nguồn lực hỗ trợ tài chính chủ yếu của người cao tuổi trong các hoạt động điều trị liên quan tới chăm sóc sức khỏe (Trần Thị Mai và cộng sự, 2020). Cũng theo kết quả điều tra của nghiên cứu này, thì nhóm người chăm sóc mà người cao tuổi mong muốn nhất khi nhu cầu chăm sóc dài hạn tăng lên đó là nhóm con trai và con gái. Điều này phản ánh truyền thống văn hóa tại các quốc gia phương Đông và tại Việt Nam nói riêng, người cao tuổi phụ thuộc và kỳ vọng rất nhiều vào sự chăm sóc của con cái khi về già. Tương tự, Truong (2015)

cũng khẳng định vai trò chăm sóc chính cho NCT của các thành viên trong gia đình qua trích dẫn Chương 2, Mục 1, Điều 10 của Luật Người cao tuổi rằng con, cháu và những người thân khác có nghĩa vụ đảm bảo an sinh cho NCT trong gia đình. Như vậy, “trách nhiệm gia đình trong việc chăm sóc các thành viên lớn tuổi không chỉ giới hạn trong công việc hàng ngày mà còn được nhấn mạnh bởi các chính sách của Chính phủ” (Đảm và cộng sự, 2009; Trương, 2015).

Khi nghiên cứu về sự trao đổi giữa các thế hệ trong gia đình thì Trần Thị Mai và cộng sự (2020) cho rằng với xu hướng chuyển dịch từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân hiện đại dẫn tới “sự suy giảm dần về các giá trị truyền thống như lòng hiếu thảo”. Tác giả nghiên cứu các dữ liệu liên quan tới tần suất đến thăm và liên lạc qua thư, gọi điện thoại hoặc nhắn tin giữ NCT và con cái hoặc đo lường mức độ hỗ trợ thường xuyên qua lại giữa cha mẹ và con cái. Ngoài ra, nghiên cứu về sự hỗ trợ xã hội đối với người chăm sóc, kết quả cho thấy 25,7% người chăm sóc cho rằng họ nhận được hỗ trợ từ gia đình/bạn bè/hàng xóm trong việc thực hiện các công việc liên quan tới việc chăm sóc NCT tại gia đình.

Về kết quả chăm sóc, một số nghiên cứu đánh giá mức độ gánh nặng chăm sóc của người chăm sóc chính. Chẳng hạn như Vũ Thị Quý và cộng sự (2020) nghiên cứu về gánh nặng chăm sóc của người chăm sóc chính người bệnh tâm thần phân liệt tại bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên năm 2020, tuy nhiên kết quả không tập trung vào nhóm người cao tuổi. “Kết quả điểm trung bình gánh nặng cao nhất là 82 và thấp nhất là 10”. “Không có sự khác biệt đáng kể về gánh nặng chăm sóc giữa hai giới nam – nữ và mối quan hệ với người bệnh”. Hay một nghiên cứu khác của Nguyễn Bích Ngọc và cộng sự (2013) về đánh giá gánh nặng của người chăm sóc trong bệnh Alzheimer thì chứng minh được rằng mức độ gánh nặng chăm sóc có liên quan chặt chẽ với chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, các kết quả khác liên quan tới người chăm sóc thì 18% người chăm sóc cho thấy gặp vấn đề với NCT, 20% gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất; 31,7% gặp vấn đề trong việc kết hợp với công việc hàng ngày và vấn đề tài chính (Trần Thị Mai và cộng sự, 2020).

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 45 - 46)