Tổng quan các lý thuyết về kết quả chăm sóc gia đình

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 28 - 29)

Các thành viên trong quá trình chăm sóc người thân trong gia đình đều trải nghiệm các kết quả cả tiêu cực và tích cực từ công việc chăm sóc. Hầu hết các các lý thuyết giải thích cho tác động tiêu cực của công việc chăm sóc đối với NCS đã được phát triển từ

rất lâu, và đã được ứng dụng trong nhiều nghiên cứu về chăm sóc nhóm đối tượng dễ tổn thương nói chung và NCT nói riêng. Tuy nhiên các lý thuyết giải thích và dự đoán cho kết quả tích cực đối với người chăm sóc lại chưa được nhiều nhà nghiên cứu tập trung đến (Broese van Groenou và cộng sự, 2013a). Một số ít các nghiên cứu ủng hộ khía cạnh kết quả tích cực đối với các thành viên gia đình nhưng chưa có nền tảng lý thuyết rõ ràng, kết quả vẫn cho thấy nhiều mâu thuẫn và chủ yếu hướng tới các khía cạnh kết quả tích cực như chất lượng cuộc sống, sức khoẻ của người chăm sóc (Boele và cộng sự, 2012; Wang, 2013; Zegwaart và cộng sự, 2013; Sahai và cộng sự, 2018). Các nghiên cứu về kết quả tích cực liên quan tới tự chủ chăm sóc hầu như chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến. Trong khi đó, dựa trên các lý thuyết đang tồn tại cho thấy, kết quả chăm sóc tích cực và tiêu cực sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau. Dưới đây, sẽ đề cập một số lý thuyết được sử dụng khi đánh giá các yếu tố tác động tới kết quả chăm sóc tại gia đình.

Một số mô hình lý thuyết về các kết quả tích cực và tiêu cực từ trải nghiệm công việc chăm sóc được ứng dụng nhiều nhất, điển hình bao gồm mô hình căng thẳng nhận thức (Cognitive Phenomenological Model of Stress) của Richard S Lazarus và Susan Folkman (1984); mô hình lý thuyết quá trình căng thẳng (Stress Process Model) của Pearlin và cộng sự (1990) và mô hình lý thuyết chuyển đổi căng thẳng và hỗ trợ xã hội (Transactional Stress and Social Support Model) của Aranda & Knight (1997).

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 28 - 29)