Các nghiên cứu có liên quan tới tự chủ chăm sóc sử dụng lý thuyết căng

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 34 - 36)

căng thẳng nhận thức của Lazarus và Forman (1984)

Các tác giả theo đuổi dòng lý thuyết căng thẳng nhận thức của Lazarus và Forman (1984) chưa đề cập đến tác động trực tiếp của các yếu tố tới tự chủ chăm sóc mà chủ yếu tập trung vào các kết quả chăm sóc khác như khả năng tự quản lý chăm sóc bản thân (self-care management) (Wang, 2013) ; gánh nặng chăm sóc (Shieh, 2012; Sherbourne & Stewart, 1991) hay tập trung nhiều hơn vào yếu tố trung gian đánh giá về công việc chăm sóc (Epps, 2012; Lai, 2010).

Cụ thể, trong lý thuyết của Lazarus và Forman (1984) đề cập tới biến đánh giá của người chăm sóc về công việc chăm sóc. Đây là một biến được đề cập khá nhiều trước đây, khi các tác giả xem xét tác động của các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới kết quả chăm sóc. Yamamoto-Mitani và cộng sự (2004) đã chứng minh rằng đánh giá tích cực và tiêu cực về công việc chăm sóc được kiểm định là có mối quan hệ với chất lượng cuộc sống của người chăm sóc. Quan điểm đánh giá tích cực trong nghiên cứu này dựa trên tổng quan về lý thuyết và phỏng vấn sâu đối với người chăm sóc tại Nhật Bản, liệu rằng họ có xem công việc chăm sóc hiện tại là tốt và thoải mái. Giả thuyết nghiên cứu đưa ra đánh giá tích cực về công việc chăm sóc có mối quan hệ thuận chiều với chất lượng cuộc sống cả về thể chất và tinh thần của người chăm sóc.

Ở một khía cạnh khác, Wang (2013) kiểm định kết quả chăm sóc tích cực liên quan tới khả năng tự quản lý chăm sóc bản thân (self-care management) của người chăm sóc dựa trên mẫu người chăm sóc cho đối tượng người cao tuổi mất trí nhớ tại Mỹ. Cụ thể, tác giả đề cập tới hai nhóm biến trong mô hình của Lazarus và Forman (1984) bao gồm biến môi trường (nhu cầu chăm sóc, đặc điểm người chăm sóc), biến trung gian (chiến lược đối mặt) và đánh giá tác động của nó tới kết quả chăm sóc là khả năng tự quản lý chăm sóc bản thân của người chăm sóc. Khả năng tự quản lý chăm sóc bản thân được định nghĩa như những hoạt động hay khả năng của người chăm sóc để duy trì và tăng cường sức khoẻ, phòng tránh bệnh tật để đối mặt với công việc chăm sóc bất kể với sự giúp đỡ hay không của những người chăm sóc sức khoẻ chuyên nghiệp (WHO, 2009). Kết quả kiểm định cho thấy đặc điểm nhân khẩu học của người chăm sóc, nhu cầu chăm sóc, phương thức đối mặt chủ động (active coping) có ảnh hưởng tới khả năng tự quản lý chăm sóc bản thân của người chăm sóc. Trong đó, các đặc điểm nhân khẩu học có thể giải thích cho sự khác biệt về khả năng quản lý chăm sóc bản thân bao gồm trình độ giáo dục, giới tính và thu nhập; nhu cầu chăm sóc thể hiện qua mức độ phụ thuộc đối với các hoạt động chức năng cơ bản (ADL) và mức độ phụ thuộc đối với các hoạt động chức năng sinh hoạt (IADL).

Tương tự, khi nghiên cứu về khía cạnh tiêu cực của kết quả chăm sóc là gánh nặng chăm sóc, Sherbourne & Stewart (1991) hay Shieh (2012) cũng sử dụng lý thuyết căng thẳng nhận thức của Lazarus và Forman (1984). Tuy nhiên, các nhóm tác giả này tập trung vào khai thác yếu tố trung gian, cụ thể là hỗ trợ xã hội với việc phân loại hỗ trợ xã hội theo hai khía cạnh nhận thức về hỗ trợ xã hội (perceived social suppoort) và hỗ trợ xã hội nhận được (received social support). Kết quả nghiên cứu cho thấy hỗ trợ xã hội nhận được (received social support) có mối quan hệ với gánh nặng chăm sóc. Ngoài ra nhóm tác giả này cũng chỉ ra các nhân tố có thể dự đoán gánh nặng khác như: các đặc điểm nhân khẩu học, thời gian chăm sóc, tình trạng sống chung,… nhưng yếu tố sự hỗ trợ xã hội nhận được đóng góp ý nghĩa nhiều nhất trong gánh nặng chăm sóc, nó giúp làm giảm thiểu mức độ gánh nặng đối với người chăm sóc. Nhóm tác giả phát hiện với những người chăm sóc có mức độ tương tác xã hội cao và có được sự hỗ trợ xã hội thì sẽ làm giảm thiểu gánh nặng chăm sóc. Trong khi đó, Shieh (2012) trong nghiên cứu của mình lại cho thấy mối quan hệ giữa nhận thức về HTXH (perceived social support) và gánh nặng chăm sóc. Những người chăm sóc nhận thấy mức độ hỗ trợ xã hội cao được báo cáo mức độ gánh nặng thấp hơn.

Ở một hướng khác, khởi nguồn tập trung vào nhóm biến cá nhân trong mô hình lý thuyết quá trình căng thẳng của Lazarus và Forman (1984), nghiên cứu của Epps (2012) và Lai (2010) chứng minh tác động của giá trị niềm tin văn hóa tới yếu tố trung gian (đánh giá về công việc chăm sóc) và kết quả chăm sóc. Cụ thể, nghiên cứu của Epps (2012) chỉ ra tác động của giá trị văn hoá, tôn giáo đến đánh giá tích cực về công việc chăm sóc của người Mỹ gốc Phi. Trong khi đó, Lai (2010) kiểm định về tác động của giá trị đạo đức tới đánh giá về gánh nặng chăm sóc đối với người chăm sóc gia đình Canada -Trung Quốc. Tác giả đã chỉ ra mối liên hệ giữa dự đoán kết quả tích cực và tiêu cực đối với người chăm sóc, và tác động của giá trị văn hoá tới đánh giá về công việc chăm sóc. Kết quả khẳng định giá trị đạo đức là một động lực quan trọng giúp các thành viên chăm sóc có thêm sức mạnh và khả năng chịu đựng để đối mặt với những thử thách của công việc chăm sóc, góp phần làm giảm gánh nặng chăm sóc cho họ.

Dựa trên tổng quan theo dòng lý thuyết căng thẳng nhận thức của Lazarus và Forman (1984) có thể thấy rất ít nghiên cứu đề cập tới kết quả chăm sóc liên quan tới mức độ tự chủ của người chăm sóc, tuy nhiên đã có một số các nghiên cứu đề cập đến các kết quả tích cực đối với người chăm sóc như chát lượng cuộc sống hay khả năng tự quản lý chăm sóc bản thân (self-care management). Và các nghiên cứu hướng tới các kết quả chăm sóc tích cực này cho thấy các yếu tố có thể dự đoán cho kết quả chăm sóc tích cực tập trung chủ yếu vào đánh giá về công việc chăm sóc và chiến lược đối mặt của người chăm sóc. Đối với biến hỗ trợ xã hội, các kết quả theo dòng lý thuyết này cho thấy có tác động giảm gánh nặng đối với người chăm sóc nhưng chưa cho thấy tác động của hỗ trợ xã hội tới việc thúc đẩy các kết quả chăm sóc tích cực. Đối với những nghiên cứu đề cập tới giá trị văn hóa thì chủ yếu kiểm định tác động của nó tới biến trung gian đánh giá về công việc chăm sóc, từ đó mới tác động tới kết quả chăm sóc. Nhìn vào mô hình lý thuyết của Lazarus và Forman (1984) cũng cho thấy vai trò chủ yếu của biến trung gian đánh giá về công việc chăm sóc, do vậy tác giả không sử dụng lý thuyết này để nghiên cứu mức độ tự chủ của người chăm sóc.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(141 trang)
w