Mô hình lý thuyết quá trình căng thẳng (stress process model) đầu tiên được đề cập bởi Pearlin và cộng sự (1990). Lý thuyết này chỉ ra rằng, người chăm sóc sẽ phải đối mặt với 2 nhóm gây căng thẳng. Nhóm tác nhân gây căng thẳng chính bao gồm chủ yếu các yếu tố khách quan tác động trực tiếp tới kết quả chăm sóc như nhu cầu chăm sóc hay đặc
điểm người được chăm sóc. Nhóm tác nhân gây căng thẳng thứ cấp bao gồm các yếu tố như xung đột vai trò (role conflict), sự đảm bảo về thu nhập. Các nhóm yếu tố gây căng thẳng này sẽ tác động tới các kết quả chăm sóc như khả năng kiểm soát đối với công việc chăm sóc (sense of control), mức độ hài lòng tinh thần (mental well-being), sức khỏe, khả năng từ bỏ công việc chăm sóc của người chăm sóc.
Tuy nhiên lý thuyết này chỉ ra rằng, cho dù cùng đối mặt với hai nhóm căng thẳng này, thì kết quả chăm sóc vẫn có sự khác biệt đối với các nhóm người chăm sóc khác nhau. Chẳng hạn, với cũng hai người chăm sóc đều phải đảm nhận cùng lúc hai vai trò (vai trò chăm sóc và làm việc), nhưng kết quả chăm sóc lại có sự khác biệt. Do vậy, lý thuyết chỉ ra rằng tồn tại các yếu tố khác tác động tới quá trình căng thẳng của một người, từ đó ảnh hưởng tới kết quả chăm sóc. Các yếu tố đó bao gồm yếu tố nền tảng liên quan tới ngữ cảnh chăm sóc (văn hóa, địa vị xã hội, mạng lưới mối quan hệ gia đình, lịch sử các yếu tố liên quan tới người chăm sóc) và các yếu tố trung gian thuộc về nguồn lực cá nhân và nguồn lực xã hội (HTXH, chiến lược đối mặt…).
Hình 2.2. Mô hình lý thuyết quá trình căng thẳng
Nguồn: Pearlin (1990)
Các nghiên cứu theo mô hình lý thuyết này mới chủ yếu chỉ hướng tới giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình chăm sóc như sự lo lắng, kiệt sức, cô đơn, gánh nặng, sức khoẻ thể chất, trong khi đó không đề cập nhiều đến khía cạnh tích cực của quá trình chăm sóc (Carretero và cộng sự, 2009; Conde-Sala và cộng sự, 2010; Han và cộng sự,
2012). Đồng thời, phần lớn các tác giả theo dòng lý thuyết này đều chủ yếu tập trung vào các đặc điểm nhân khẩu học của người chăm sóc và tình trạng sức khỏe của người được chăm sóc trong khi đó vai trò của các yếu tố trung gian chưa được nhiều nghiên cứu kiểm định, đặc biệt vai trò trung gian của yếu tố xung đột công việc – gia đình. Do vậy, nghiên cứu này sẽ tập trung vào kiểm định vai trò của yếu tố xung đột công việc – gia đình trong mối liên hệ giữa yếu tố ngữ cảnh, cụ thể là nền tảng văn hóa giá trị gia đình và mức độ tự chủ chăm sóc. Đồng thời trong mô hình lý thuyết này, sự hỗ trợ xã hội cũng được xem là một yếu tố nguồn lực quan trọng tác động tới kết quả chăm sóc, tuy nhiên các nghiên cứu mới dừng lại dưới góc độ tác động của hỗ trợ xã hội tới giảm thiểu gánh nặng, mức độ kiệt sức của người chăm sóc, mà chưa làm rõ tác động của yếu tố này tới trải nghiệm tích cực, cụ thể là mức độ tự chủ đạt được của người chăm sóc theo ba khía cạnh hiểu biết, thái độ, hành vi, và đây cũng là mối quan hệ mà luận án muốn khai thác làm rõ.