Kết quả xác định nồng độ khí NH3 phát xạ từ phân lợn giai đoạn trước 30kg

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN“Ảnh hưởng của việc bổ sung than và giấm gỗ vào thức ăn đến tiêu chảy của lợn vàphát xạ khí ammonia và sulfur hydrogen từ phân lợn” (Trang 62 - 66)

Để đảm bảo độ đo của Kít KITAGAWA-AP.20, mẫu được lấy đồng đều ở các nghiệm thức (200g), nồng độ khí NH3 được đo sau 4h lấy mẫu và kết quả được trình bày ở đồ thị 3.2. Từ kết quả ở biểu đồ cho thấy nồng độ khí NH3 cao nhất đo được ở lô đối chứng (5,20ppm), còn ở các lô thí nghiệm giá trị trung bình đo đươc đều thấp hơn ở lô đối chứng. Tuy nhiên, chỉ có nồng khí NH3 trung bình đo được ở lô 0,1% giấm (1,00ppm) thấp hơn lô đối chứng với mức ý nghĩa (p<0,05), nồng độ khí NH3 trung bình đo được ở các lô khác có xu hướng thấp hơn lô đối chứng nhưng không có ý nghĩa về mặt thông kê (p>0,05).

Nồng độ khí NH3 có xu hướng tăng lên khi tăng nồng độ giấm trong thức ăn. Nồng độ khí NH3 trung bình đo được tương ứng ở các nghiệm thức, ở lô 0,1% giấm (1,00ppm); 0,2% giấm (1,80ppm) và 0,3% giấm (2,60ppm). Khi tăng hàm lượng than trong thức ăn thì nồng độ khí NH3 có chiều hướng giảm xuống do nồng độ khí NH3 trung bình đo được tương ứng ở các nghiệm thức là 3,20ppm ở lô 0,6% than; 3,00ppm ở lô 0,8% than và 2,8ppm ở lô 1% than.

Đồ thị 3.2: Nồng độ khí NH3 phát xạ từ phận lợn

*Ghi chú: Các giá trị trung bình sai khác không có ý nghĩa thông kê ở mức p>0,05

khi có ít nhất một ký hiệu mũ là giống nhau

Các vi khuẩn gây bệnh thường hoạt động tốt trong môi trường pH cao, ngược lại các vi khuẩn có lợi lại phát triển tốt trong điều kiện pH thấp. Chính vì vậy, mà khi bổ sung giấm gỗ một chất chứa hàm lượng acid acetic cao đã làm giảm hoạt động của những vi khuẩn có hại và tăng hoạt động của vi khuẩn có lợi. Vì vậy, khi tăng liều giấm lên đã làm tăng khả năng phân giải thức ăn của các vi khuẩn có lợi chính điều này đã làm tăng nồng độ khí NH3 trong phân do tăng hoạt động của vi sinh vật phân giải thức ăn thừa trong phân. Ngược lại khi bổ sung than một chất hấp phụ rất tốt đã có tác dụng làm giảm hoạt động của hệ vi sinh đường tiêu hóa và có tác dụng làm giảm nồng độ khí NH3 trong phân.

Silvana và ctv (2010) khi xác định nồng độ khí NH3 trong không khí của chuồng nuôi lợn cho thấy nồng độ khí NH3 cao nhất được ghi nhận trong chuồng nuôi lợn vỗ

béo (104,56 ppm) và thấp nhất (38,33 ppm) trong chuồng nuôi lợn cai sữa. Kết quả này cao hơn rất nhiều so với kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi. Do thử nghiệm này được thử nghiệm trực tiếp tại chuồng nuôi và trong điều kiện không có yếu tố khống chế sự phát xạ khí NH3 từ chất thải. Ying và ctv (2010) đã sử dụng than và giấm sản xuất từ tre lứa bổ sung vào hố ủ phân làm giảm thất thoát nitơ tổng số. Tác giả sử dụng 3% than và 0,4% giấm tre bổ sung vào hố ủ đã giảm được 23% sự thất thoát nitơ tổng số trong hố ủ. Ngoài ra, việc bổ sung than và giấm tre còn làm giảm lượng đồng và kẽm trong hố ủ xuống đến 65%, đây là hai kim loại chính dẫn đến hiện tượng trai hóa đất. Khi sử dụng dung dịch giấm gỗ pha loãng 20 lần để phun trong chuồng nuôi đã làm giảm nồng độ khí NH3 phát xạ từ chất thải xuống 83,0 -97,0% (Park và ctv, 2003). Khi acid hóa phân bằng acid hữu cơ và giấm gỗ có thể giảm phát thải khí NH3vào không khí xuống 80%. Ngoài ra việc sử dụng than và giấm gỗ bổ sung vào phân bón còn giúp giữ nước tốt hơn khi bón phân ở những vùng đất cằn cỗi (Khin và ctv, 2009). Kishimoto (1997) cũng đã nghiên cứu hỗn hợp than và giấm gỗ sử dụng trong chuồng gia súc như là chất khử mùi và hấp thụ các chất lỏng sinh ra từ chất thải của gia súc. Trong nghiên cứu của chúng tôi nếu sử dụng ở các mức liều 0,1%; 0,2,%; 0,3% giấm gỗ trộn vào thức ăn cũng đã làm giảm nồng độ NH3 phát thải từ phân lợn tương ứng 80,77%; 65,38 và 50,00%.

NH3 là chất khí có ảnh hưởng lớn đến năng xuất chăn nuôi. Khi cho gà tiếp xúc với khí NH3 ở các nồng độ 50, 100 và 200ppm đã làm giảm tăng trọng, tăng tiêu tốn thức ăn và làm giảm tỷ lệ nở của trứng khi cho ấp (Reece và ctv, 1980). Thử nghiệm tương tự của Yahav (2004) ở các nồng độ khí NH3 khác nhau (16, 28, 39, 45ppm) đã làm giảm tăng trọng của gà trống thương phẩm, làm tăng chỉ số FCR. Theo Petersen (2009) khi bổ sung chế phẩm probiotic vào thức ăn đã giảm được 18% khí NH3 trong phân so với khẩu phần đối chứng. Okoli (2004) khi đánh giá mức độ ô nhiễm trong chuông nuôi gà đã đo được nồng độ khí NH3 giao động trong khoảng 0-0,5ppm giá trị này thấp hơn tiêu chuẩn (20ppm) của châu Âu nhiều lần. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng thấp hơn kết quả nghiên cứu của Wathes và ctv, (1997) khi nghiên cứu sự thay đổi nồng độ khí NH3 giữa mùa hè và mùa đông ở Anh tương ứng là 24,2ppm và 12,3ppm. Chính vì vậy, tìm ra giải pháp làm giảm nồng độ khí NH3 đào thải từ chăn nuôi là thực sự cần thiết góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường.

Ngoài việc bổ sung giấm gỗ thì việc bổ sung các mức protein và các acid amin trong khẩu phần cũng làm giảm phát xạ mùi trong phân lợn. Khi sử dụng hàm lượng protein thô trong khẩu phần từ 18%; 12% và bổ sung các acid amin thiết yếu đã làm giảm phát xạ mùi xuống 77%, (từ 4,46 xuống 1,03 ouE/(s.m2)). Bổ sung các acid amin tinh thể có chứa S ở mức 3 lần nhu cầu của lợn làm tăng phát xạ mùi 823%, từ 1,88 lên 15,48 ouE/(s.m2) (Le, 2005). Như vậy khi tác động vào hàm lượng protein thô và các acid amin trong khẩu phần có thể hạn chế được nồng độ mùi và phát xạ mùi từ phân lợn và các hợp chất có chứa lưu huỳnh (S). Trong đó NH3 là một trong những hợp chất quan trọng nhất tạo nên nồng độ mùi và phát xạ mùi (Lê Đình Phùng, 2008). Nguyễn Quang Tuyến và ctv (2009) cũng đã nghiên cứu sử dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi lợn và giảm thiểu ô nhiểm môi trường. Kết quả cho thấy hàm lượng khí NH3 ở lô thí nghiệm là 389,0 mg/m3 và lô đối chứng lên tới 959,67 mg/m3. Nguyễn Xuân Hách (2004) cũng sử dụng chế phẩm EM để xử lý môi trường chăn nuôi ở một số hộ chăn nuôi ở thành phố Hải Dương. EM được trộn vào cám và định kỳ phun trong chuồng đã giúp khử được 70-80% mùi hôi từ chất thải của lợn mà không gây độc hại cho lợn. Kim và ctv (2008) khi nghiên cứu nồng độ khí NH3 trong chuồng nuôi lợn ở Hàn Quốc và các nước khác cho thấy nồng độ khí NH3 trong chuồng nuôi dao động trong khoảng từ 0,045 đến 1,23 ppm trung bình là 0,29 ppm. Nếu trong chuồng nuôi lợn (trọng lượng trung bình của lợn là75kg) thì sẽ có 37,8 mg khí NH3 được giải phóng/ con lợn tương ứng với 50,9 mg khí NH3 được giải phóng trên đơn vị diện tích chuồng nuôi là 1 m2. Wang và ctv (2009) đã sử dụng chế phẩm Bioplus 2B@ (thành phần gồm có 3,2x 109 vi khuẩn B. subtilis, B. licheniformis và 98% sữa bột tách bỏ bơ) vào mục đích giảm nồng độ khí NH3 trong chất thải của lợn giai đoạn sinh trưởng. Kết quả cho thấy chế phẩm có thể làm giảm nồng độ khí NH3 phát thải từ chất thải của lợn. Nồng độ khí NH3 đo được thấp nhất ở thời điểm 24 giờ sau khi lấy mẫu. Với những con lợn được ăn khẩu phẩn có bổ sung 0,5% chế phẩm trong thức ăn nồng độ khí NH3 đo được là 7,5 ppm so với 25 ppm lô đối chứng. Li và ctv (2011) đã đánh giá ảnh hưởng của việc kiểm soát khẩu phân ăn cho lợn đến mức độ phát thải các khí NH3. Kết quả cho thấy hàm lượng khí NH3 phát thải đã giảm được 7,6% khi lợn được cho ăn khẩu phần có bổ sung các khoáng hữu cơ, tăng 11,0% khi sử dụng các khoáng vô cơ bổ sung vào khẩu phân ăn. Từ kết quả này cho thấy hàm lượng khí phát thải từ chăn nuôi lợn là rất đáng

kể và cần có những giải pháp làm giảm ảnh hưởng của nó đến năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Than và giấm gỗ có thể đáp ứng với mục đích giảm nồng độ khí NH3 trong chuồng nuôi.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN“Ảnh hưởng của việc bổ sung than và giấm gỗ vào thức ăn đến tiêu chảy của lợn vàphát xạ khí ammonia và sulfur hydrogen từ phân lợn” (Trang 62 - 66)

w