Liên quan đến tàu:

Một phần của tài liệu LVTS-2005 - Hợp Đồng Vận Chuyển Hàng Hóa Bằng Đường Biển Quốc Tế (Trang 39 - 41)

Tàu biển là phương tiện được sử dụng để vận chuyển hàng hoá, và vì vậy đảm bảo cho sự an toàn của tàu chính là nhân tố đảm bảo cho sự an toàn của hàng hoá. Do đó, nghĩa vụ đặt lên hàng đầu đối với người vận chuyển là cung cấp tàu đảm bảo khả năng vận chuyển hàng hoá được an toàn. Điều này đòi hỏi người vận chuyển phải có sự “mẫn cán hợp lý” trước khi bắt đầu chuyến đi. Theo quy định tại Điều 3 Công ước Hague ngày 25-08-1924 và Khoản 2 Điều 67 BLHHVN, các hành vi được coi là “mẫn cán hợp lý” bao gồm: làm cho tàu có khả năng đi biển; bố trí thuyền viên và trang bị cho tàu một cách thích hợp, dự trữ đủ nhu yếu phẩm; làm cho các hầm, phòng lạnh và cả các bộ phận khác của con tàu dùng vào vận chuyển hàng hoá, thích ứng an toàn

Khái niệm về tàu có khả năng đi biển có thể được giải thích trên ba khía cạnh sau: (i) khả năng đi biển xét về mặt kỹ thuật thiết kế của chiếc tàu, các điều kiện kỹ thuật về vỏ, máy; (ii) khả năng vận chuyển hàng hoá (thích ứng để nhận vận chuyển và bảo quản hàng hoá như dự định; (iii) khả năng đi biển với hành trình dự định, nghĩa là tàu được trang bị và cấp dầu, lương thực… thích hợp với hành trình dự định.

Theo tinh thần của các Công ước và BLHHVN 1990 thì khả năng đi biển chỉ cần lúc bắt đầu hành trình hoặc người chuyên chở đã cần mẫn thích đáng để tàu có đủ khả năng đi biển ở cảng bốc hàng và ở các cảng dọc đường mà tàu ghé vào (nếu có) là coi như đã hoàn thành trách nhiệm. Sự cần mẫn thích đáng đó không bắt buộc phải mang lại kết quả là tàu đi biển an toàn trong suốt hành trình. Khi người vận chuyển chứng minh được mình đã mẫn cán ba mặt nói trên trong thời gian trước lúc bắt đầu hành trình mà không phát hiện được khiếm khuyết của tàu, khi thiệt hại xảy ra đối với hàng hoá khi vận chuyển bởi nguyên nhân do tàu thì đó là một căn cứ để người vận chuyển được miễn trách nhiệm đối với thiệt hại của hàng hoá, trong trường hợp này được coi là ẩn tỳ của tàu [18].

Khi tàu đã chuẩn bị xong thì người vận chuyển có nghĩa vụ đưa tàu đến cảng xếp hàng trong trạng thái sẵn sàng để nhận hàng, đúng thời điểm và địa điểm, lưu hàng tại cảng bốc hàng theo những điều kiện đã thoả thuận và thông báo trong thời gian hợp lý cho người thuê vận chuyển hoặc người giao hàng biết trước về nơi bốc hàng lên tàu, thời điểm mà tàu sẵn sàng nhận hàng và thời hạn tập kết hàng hoá [19].

Nếu người vận chuyển đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tàu nêu trên mà người thuê vận chuyển vi phạm về địa điểm và thời hạn bốc hàng thì người vận chuyển có quyền cho tàu rời nơi bốc hàng sau khi thời hạn bốc

hàng và thời hạn dôi nhật trong hợp đồng thuê tàu hoặc thời hạn tập kết hàng hoá trong hợp đồng lưu khoang đã hết, mặc dù toàn bộ hàng hoá hoặc một phần hàng hoá được thuê vận chuyển chưa được bốc lên tàu do những nguyên nhân thuộc về người thuê vận chuyển [20].

Bên vận chuyển phải có nghĩa vụ cung cấp tàu và phương tiện vận tải kịp thời theo đúng như đã thoả thuận để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, người vận chuyển vẫn có quyền thay thế tàu đã được chỉ định trong hợp đồng bằng một tàu khác cùng loại, có đủ điều kiện cần thiết để vận chuyển hàng hoá, nếu hợp đồng không cấm việc thay thế tàu và phải thông báo cho người thuê vận chuyển biết [21].

ii ) Liên quan đến hàng:

Đây là nghĩa vụ cơ bản, quan trọng nhất của người vận chuyển. Theo Điều 108 BLHHVN 1990 thì trách nhiệm của người vận chuyển đối với hàng hoá được tính kể từ khi nhận bốc hàng lên tàu cho đến khi giao hàng cho người nhận hàng. Người vận chuyển khi tiến hành vận chuyển hàng hoá phải tiến hành một cách đúng mức, cẩn thận việc bốc xếp, chất xếp, vận chuyển, bảo vệ, giữ gìn hàng hoá và dỡ hàng khỏi tàu. Quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển đối với hàng hoá trong toàn bộ quá trình vận chuyển chính là căn cứ vào các giai đoạn đó mà phân chia.

Một phần của tài liệu LVTS-2005 - Hợp Đồng Vận Chuyển Hàng Hóa Bằng Đường Biển Quốc Tế (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w