Hầu hết những ứng cử viên được phỏng vấn đều cho rằng vị trí tương quan của các ứng cử viên trong danh sách bầu cử là yếu tố quan trọng nhất quyết định ai được bầu. Do không có sự cạnh tranh giữa các đảng hoặc cạnh tranh trong vận động bầu cử nên đối với cử tri, hồ sơ và trình độ của ứng cử viên là yếu tố duy nhất tạo nên sự khác biệt. Đa phần, ứng cử viên có vị trí công tác cao hơn sẽ được bầu. Nếu nam giới và phụ nữ có trình độ ngang bằng nhau, nhìn chung, nam giới sẽ thắng cử. Cách sắp xếp danh sách bầu cử của một quận, huyện có thể quyết định kết quả bầu cử có lợi cho nam hoặc nữ ứng cử viên. Các ban bầu cử địa phương, sau khi tham khảo ý kiến đảng ủy địa phương và các quan chức chính quyền, sẽ quyết định xếp vị trí ứng cử viên nào bên cạnh ứng cử viên nào.
Không có một giải pháp “ăn ngay” nào áp dụng được cho mọi trường hợp. Ví dụ, một số người cho rằng số ứng cử viên nữ luôn phải nhiều hơn số ghế là một người, như vậy mới đảm bảo ít nhất sẽ có một nữ ứng cử viên được bầu. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ xé lẻ số phiếu dành cho các nữ ứng cử viên. Do các ứng cử viên cũng cần có ít nhất 50% số phiếu được bầu nên kế hoạch này cũng có thể phản tác dụng. Trong các trường hợp khác, người ta lại cho rằng chỉ nên có một nữ ứng cử viên trong danh sách bầu cử, để mọi người có xu hướng bỏ phiếu cho nữ ứng cử viên này vì “sự nhạy cảm chính trị” (political correctness). Nhưng điều này cũng có thể đem lại kết quả ngược với mong đợi, đặc biệt nếu người phụ nữ đó không phải là một ứng cử viên nặng kí. Cần tránh trường hợp sắp xếp nhiều nữ ứng cử viên cùng tranh cử tại một đơn vị bầu cử vì như vậy tối đa sẽ chỉ có một phụ nữ được bầu. Nhìn chung, giải pháp ở đây là địa phương cần theo dõi chặt chẽ cơ cấu danh sách bầu cử và yêu cầu thay đổi nếu rõ ràng có nhiều yếu tố bất lợi khiến nữ ứng cử viên khó thắng cử. Tất nhiên, điều này đòi hỏi quyết tâm của và phụ thuộc vào tiếng nói của Hội có được tôn trọng hay không.