8. Đóng góp mới của đề tài
1.2.1.3. Những tiêu chuẩn chẩn đoán chứng trầm cảm
Theo Hiệp hội các nhà Tâm thần Mỹ, một người được xem là mắc chứng trầm cảm phải đáp ứng đầy đủ các chuẩn A, B, C, D, E và F sau đây: [24, tr.161-162-163-167]
A. Chủ thể phải có ít nhất là 5 trong các triệu chứng sau đây được thể hiện suốt 2 tuần liên tiếp và thể hiện sự thay đổi các chức năng so với trước đây; ít nhất một trong các triệu chứng phải là khí sắc trầm hoặc mất hứng thú hay sự hài lòng (không bao gồm các triệu chứng do một bệnh nội khoa tổng quát hoặc do các ảo giác và hoang tưởng không phù hợp với khí sắc):
(1) Khí sắc trầm hầu như suốt cả ngày và gần như mỗi ngày, do chủ thể khai báo (cảm thấy buồn hay trống rỗng) hoặc do người khác quan sát thấy được (chẳng hạn như khóc). Riêng đối với trẻ em và trẻ vị thành niên có thể biểu lộ sự dễ bực tức.
(2) Giảm sút rõ rệt hứng thú hoặc sự hài lòng, thỏa mãn trong tất cả hoặc đa số những hoạt động hầu như suốt ngày và gần như mỗi ngày (do chủ thể khai báo hoặc do người khác quan sát thấy được).
(3) Giảm cân dù không ăn kiêng hoặc tăng cân khá nhiều (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể một tháng), tăng hoặc giảm sự ngon miệng mỗi ngày. Nếu là trẻ em, có thể không đạt đến mức tăng trọng như mong đợi.
(4) Mất ngủ hoặc ngủ nhiều gần như mỗi ngày.
(5) Sự kích động hay chậm chạp tâm vận động hầu như mỗi ngày (không chỉ chủ thể cảm thấy mệt mỏi hoặc trở nên chậm chạp dần mà còn được người khác quan sát thấy được).
(6) Kiệt sức hoặc mất năng lượng gần như mỗi ngày.
(7) Cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi không thích hợp hoặc quá mức (có thể do hoang tưởng) hầu như suốt cả ngày (không chỉ là tự trách móc hoặc cảm thấy tội lỗi về tình trạng bệnh tình của mình).
(8) Giảm sút khả năng suy nghĩ hoặc tập trung, hoặc mất khả năng ra quyết định, thiếu quyết đoán gần như mỗi ngày (do chủ thể nhận thấy hoặc người khác quan sát thấy được).
(9) Tái diễn những suy nghĩ về cái chết (không chỉ sợ chết), tái diễn ý nghĩ tự tử mà không có kế hoạch chi tiết, hoặc cố gắng nỗ lực tự tử, hoặc có kế hoạch mưu toan tự tử chính xác.
B. Các triệu chứng thuộc chuẩn A không đáp ứng giai đoạn hỗn hợp [xem phụ lục 1].
C. Các triệu chứng thuộc chuẩn A gây cho chủ thể sự đau khổ hoặc làm biến đổi, ảnh hưởng tới các chức năng xã hội, chức năng nghề nghiệp hoặc các chức năng quan trọng khác của chủ thể.
D. Các triệu chứng thuộc chuẩn A không phải là hậu quả tâm lý trực tiếp của một chất nào đó (như nghiện, thuốc) hoặc của tình trạng nội khoa tổng quát.
E. Các triệu chứng thuộc chuẩn A không thể giải thích rõ hơn với lý do tang tóc (chẳng hạn như sau khi mất một người thân) và kéo dài hơn 2 tháng, hoặc được định rõ bởi sự giảm sút rõ rệt chức năng quan trọng, việc quá quan tâm tới sự vô giá trị, ý nghĩ tự tử, những triệu chứng loạn thần hoặc chậm chạp tâm vận động khác của chủ thể.
F. Chủ thể chưa từng có giai đoạn hưng cảm, hỗn hợp hay hưng cảm nhẹ trong tiền sử bệnh.
Trong đề tài này, người nghiên cứu sẽ dùng tiêu chuẩn A, B, C, D, E và F để chẩn đoán trầm cảm về mặt định tính.