Khái niệm bạo lự c bạo hành

Một phần của tài liệu bước đầu nghiên cứu chứng trầm cảm ở phụ nữ sống trong gia đình có chồng bạo hành tại thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 46)

8. Đóng góp mới của đề tài

1.2.2.1.Khái niệm bạo lự c bạo hành

Trong cuộc sống hàng ngày, từ “bạo hành” được dùng để chỉ những người chồng hoặc người vợ (thường là người chồng) có những hành vi bạo lực với người khác trong gia đình.

Ở phương Tây, thuật ngữ “violence” được dùng chung để nói đến sức mạnh về tâm lý hay vật lý tác động lên vật hay con người, dịch sang tiếng Việt là bạo lực, bạo hành. Khi một người sử dụng hành vi mang tính bạo lực với những người trong gia đình thì được gọi là bạo lực trong gia đình, trong đó, đáng lưu ý là bạo lực đối với phụ nữ.

Vấn đề bạo lực với phụ nữ , trong Tuyên ngôn về loại trừ nạn bạo lực do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1993, được xác định là “bất kỳ hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến những tổn thất về thân thể, tình dục hay tâm lý, hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư.”. [1, tr.51]

Một khái niệm mở rộng hơn của tác giả Bùi Thu Hằng, cho rằng bạo lực trong gia đình không chỉ là hành vi bạo lực của chồng với người vợ mà còn là “sự đe dọa bằng hành động của các thành viên trong hộ gia đình (thường xuất phát từ

phía người đàn ông), đe dọa đến cuộc sống chung của người vợ hoặc của người sống chung với họ”. [6, tr.27]

Trong khi đó, thuật ngữ “bạo hành” được hiểu là “…dùng bạo lực trong cả một quá trình để thực hiện những hành vi làm cho người khác bị đau đớn về mặt thể xác, bị khủng hoảng về mặt tinh thần và bị bế tắc về mặt xã hội nhằm mục đích khuất phục, khống chế và kiểm soát người đó”. [13, tr.1]

Trên thực tế, từ “bạo hành” hoặc “bạo lực” thường được sử dụng không có sự phân biệt rõ ràng. Khi xét trên góc độ giới, xã hội học, các nhà nghiên cứu thường dùng từ “bạo lực”. Ngược lại, trong đời sống và truyền thông, từ “bạo hành” được dùng phổ biến hơn. Tuy nhiên, về nội hàm thì hai từ này không có sự khác nhau nhiều. Trong khuôn khổ bài viết của mình, người nghiên cứu xin thống nhất dùng từ “bạo hành” để chỉ những hành vi bạo lực giới hạn trong gia đình và để chỉ những người chồng có hành vi bạo lực với vợ mình.

Như vậy, có thể hiểu một cách ngắn gọn bạo hành là những hành vi bạo lực đối với những người trong gia đình và người chồng bạo hành là người chồng dùng bạo lực đối với người vợ hoặc với những người sống chung trong gia đình của mình.

Theo nhận định và đánh giá của nhiều nhà khoa học, nạn bạo hành gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, rất đa dạng và phức tạp. Một kiểu phân loại khá đặc biệt là chia bạo hành thành hai hình thức: nhìn thấy được và không nhìn thấy được. Hình thức bạo hành nhìn thấy được là hình thức bạo hành mà trong đó, những hành vi bạo lực của người chồng có thể quan sát thấy được bởi người vợ, bởi những người thân trong gia đình hay những người khác ngoài xã hội. Ngược lại, ở hình thức bạo hành không nhìn thấy, những hành vi bạo lực của người chồng không được quan sát thấy trực tiếp bởi người vợ, người thân hoặc những người khác, có thể vì đối tượng chịu sự bạo hành không cho rằng đây là bạo hành và không ý thức được. Như vậy, dù bạo hành nhìn thấy được hay không

nhìn thấy được thì đều có thể diễn ra trên mọi khía cạnh của đời sống vợ chồng, từ thể xác, tình cảm, giao tiếp xã hội, kinh tế cho đến tình dục.

Một cách khái quát và phổ biến hơn cả, các nhà nghiên cứu xã hội học, tâm lý học đã tổng kết và thống nhất đưa ra năm hình thức bạo hành gia đình: bạo hành về thân thể, về tinh thần, về mặt xã hội, về tình dục và về tài chính. Đây cũng là năm hình thức bạo hành được sử dụng để khảo sát trong đề tài.

- Hình thức bạo hành về thân thể: Đây là hình thức người chồng dùng những hành vi như đấm đá, bạt tai,… thậm chí gây thương tích trên cơ thể người vợ hoặc con cái, người thân trong gia đình của mình, hoặc có thể gồm cả việc hạn chế các nhu cầu thiết yếu của con người như thức ăn, nước uống, giấc ngủ…

- Hình thức bạo hành về tình dục: Người chồng có những hành vi ép vợ phải quan hệ tình dục hoặc bắt vợ phải xem các hình ảnh khiêu dâm mà không được sự đồng ý của người vợ. Một vài người phụ nữ còn bị ép phải quan hệ tình dục sau khi chồng đánh đập, cố tình gây đau đớn hoặc làm tổn hại trong suốt quá trình quan hệ sinh lý mà người phụ nữ hoàn toàn không có quyền từ chối.

- Hình thức bạo hành về tinh thần: Người phụ nữ phải sống trong bầu không khí bị chồng đe dọa và so sánh với một người khác bằng lời lẽ mạt sát, xúc phạm, như là “người mẹ, người vợ tồi!”. Ngoài ra, người chồng còn làm đau hoặc đe dọa giết những người thân thương của vợ hoặc con vật nuôi trong nhà.

- Hình thức bạo hành về mặt xã hội: Người chồng cắt đứt các quan hệ xã hội như quan hệ với người thân, bạn bè… của vợ hoặc đe dọa người thân và bạn bè của vợ, nhốt vợ trong nhà, phong tỏa mọi liên lạc với bên ngoài…

- Hình thức bạo hành về mặt tài chính: Người chồng hoàn toàn kiểm soát về tài chính, người phụ nữ không được phép tự kiếm việc làm, nếu vi phạm sẽ bị hành hạ. Người chồng chỉ đưa một số tiền rất ít không đủ chi trả các nhu cầu thiết yếu trong gia đình và sau đó người phụ nữ bị chỉ trích là người không có khả năng nội trợ hoặc chăm sóc gia đình, luôn bị kiểm soát tài chính.

Trong thực tế, bạo hành gia đình là sự kết hợp của nhiều hình thức khác nhau chứ không đơn thuần là một loại. Khi tấn công về mặt thể xác, tình dục, xã hội hay tài chính cũng sẽ gây ra sự hoảng loạn tinh thần, những vết thương tâm lý rất khó chữa lành đối với người phụ nữ.

Một phần của tài liệu bước đầu nghiên cứu chứng trầm cảm ở phụ nữ sống trong gia đình có chồng bạo hành tại thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 46)