nghiên cứu
Việc thu mua của thương lái tại địa phương trong thời gian hiện nay gặp không ít khó khăn vì phải cạnh tranh với những thương lái cùng ngành, với những chủ vựa lớn hay thương lái đường dài. Mặt khác, hiện nay sản lượng chôm chôm không ổn định, qui mô sản xuất của nông hộ tương đối nhỏ, manh mún; gây không ít khó khăn cho thương lái trong việc tìm nguồn hàng và thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn như trên, người thu mua ở địa phương cũng có không ít thuận lợi. Cùng là dân địa phương, nên nhà vườn tin tưởng có thể trả tiền sau hay khi có chôm chôm chín nhà vườn sẽ điện thoại thông báo, hai bên thương lượng giá, nếu được giá thương lái chỉ việc chở công lao động lại tại vườn để thu hái (những vườn có số lượng thu hoạch lớn, trên 400kg/lần/ngày), hay nhà vườn chở đến tận nơi (những vườn thu hoạch với sản lượng nhỏ 100 – 300kg/lần/ngày). Và do cùng địa phương nên người thu gom cũng không phải tốn nhiều chi phí vận chuyển, thêm vào đó, thương lái hiểu rõ địa bàn biết vườn nào có chôm chôm chín để đến mua, không mất nhiều thời gian tìm nguồn hàng.
Qua thông tin khảo sát, người dân thường chọn người thương lái nhỏ tại địa phương để bán chôm chôm, có thể vì mức độ tin cậy và mức độ thuận tiện của việc thu mua. Khi bán chôm chôm cho các thương lái nhỏ địa phương, nông hộ giảm được chi phí vận chuyển và một phần chi phí công lao động vì thương lái đến tận nhà để mua và đóng hàng. Bên cạnh đó, việc làm ăn của các vựa lớn trong vùng cũng tương đối khấm khá, nếu chọn bán cho người thu gom tại địa phương có lợi thế về vận chuyển và công lao động thì chủ vựa lớn trong vùng cũng có ưu thế cạnh tranh của riêng mình, đó chính là giá mua cao. Những người
thu gom sau khi mua chôm chôm từ vườn sẽ mang hàng về giao lại cho chủ vựa, và phần thu nhập họ thu được là phần chệnh lệch giá giữa mua tại vườn và giao tại vựa. Nếu nhà vườn bán chôm chôm trực tiếp cho chủ vựa thì phần chênh lệch cho người thu gom, nhà vườn sẽ được hưởng. Bên cạnh đó, việc thu mua chôm chôm trên địa bàn còn có sự góp mặt của thương lái đường dài. Còn lại, là những người bán lẻ, hay người tiêu dùng mua với số lượng ít.
Hiện nay đa phần việc thanh toán giữa thương lái và nhà vườn được trả ngay khi nhà vườn bán chôm chôm. Đây cũng là một ưu thế cạnh tranh giữa thương lái với nhau. Nhiều thương lái đồng vốn kinh doanh không nhiều thường chọn hình thức gối đầu vốn, tức là, mua chôm chôm từ nhà vườn chưa trả tiền liền mà đợi đến khi giao chôm chôm lại cho chủ vựa, nhận tiền từ chủ vựa, rồi dùng tiền đó trả cho nhà vườn. Đây là một hình thức mượn vốn, thường gặp ở những thương lái mới gia nhập ngành. Bên cạnh đó, còn có một hình thức thanh toán nữa là trả trước hay còn gọi là đặt tiền cọc trước. Đây là một hình thức khá nhiều rủi ro nhưng bù lại khả năng thương lái mua được chôm chôm cao hơn, đạt khoảng 95%. Vì khi đặt tiền cọc trước là giữa hai bên đã thống nhất giá cả, dù giá có tăng hay giảm đều không thay đổi.
Trước đây vài năm, mỗi lần muốn mua hay bán chôm chôm nhà vườn hay thương lái phải đi đến tận nơi để trực tiếp thương lượng giá cả và sản lượng thu hoạch. Sau đó, cứ lần bán trước nhận sản lượng và giá bán cho lần sau, hay nhà vườn mang ra chợ bán trực tiếp cho thương lái. Tuy nhiên, với những tiến bộ khoa học ngày nay, việc liên lạc không còn khó khăn như trước nữa. Hiện nay, nhà vườn và thương lái liên lạc với nhau qua điện thoại. Bằng cách này, mối liên hệ giữa nhà vườn và thương lái trở nên chặt chẻ hơn, thêm vào đó, với sự phát triển của các phương tiện thông tin liên lạc giúp người dân cập nhật được những biến động về giá cả thị trường, tránh trường hợp bị ép giá vì thiếu thông tin. Thông thường, thương lái chỉ đến tận vườn xem xét chất lượng chôm chôm tốt xấu như thế nào lần đầu (thường đối với những chủ vườn lạ, mới bán lần đầu hay vườn mới bán vào đầu vụ) những lần bán sau, chỉ cần gọi điện thông báo giá và số lượng.
Bên cạnh đó, với tình trạng khan hiếm lao động và tình trạng cạnh tranh giữa thương lái với nhau, nên thương lái thường trực tiếp đưa nhân công và các dụng cụ chứa chôm chôm đến tận vườn “đóng hàng”. Cách mua bán này có nhiều ưu điểm là: tiết kiệm được nhân công lao động cho cả thương lái và nhà vườn, thêm vào đó, giảm bớt khâu vận chuyển chôm chôm giúp tăng khả năng bảo quản và tránh xây sát, trầy xướt, bầm, giập vỏ chôm chôm.
Phần đông thương lái xuất thân từ những nhà vườn có diện tích canh tác không nhiều, họ tăng thu nhập bằng cách kinh doanh mua bán trái cây. Vì trái cây thường thu hoạch theo mùa, nên mùa nào có trái cây loại trái nào thì họ thu mua trái cây ấy. Cứ như thế luận phiên suốt năm.
Sau khi chôm chôm được tập trung về các vựa lớn hay thương lái đường dài sẽ được vận chuyển đi khắp mọi miền đất nước như TPHCM, Hà Nội… kể cả các nước bạn như Trung Quốc, Đức, Campuchia…Trong vụ thu hoạch 2008, việc làm ăn của thương lái cũng gặp nhiều lúc thăng trầm với nhà vườn. Vào trung vụ, khoảng tháng 5 – 6, giá chôm chôm giảm chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg; do lượng trái cây từ miền đông đổ về nhiều dẫn đến việc chôm chôm rớt giá. Giá thấp nhưng ngược lại, chỉ tiêu đặt ra cho chôm chôm lại gay gắt hơn. Việc thu mua gặp không ít khó khăn, do giá thị trường thấp nên để mua được hàng phần đông thương lái đã chia sẽ nổi khổ mất giá với người dân, bằng cách giảm đi khoảng chệnh lệch giữa giá mua tại vườn và giá bán cho chủ vựa. Hay nói cách khác là giảm lợi nhuận từ việc thu mua xuống. Tóm lại, giữa thương lái và nhà vườn có mối tương quan khá chặt chẽ với nhau, luôn song hành cùng nhau. Khi phân tích sâu thì phần được của thương lái chính là phần mất đi của nhà vườn, nhưng tổng quát mà nói thì khi lợi nhuận của nhà vườn giảm thì lợi nhuận thương lái cũng giảm dưới tác động của giá cả thị trường.
CHƯƠNG 5
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT - KINH DOANH CỦA HỘ SẢN XUẤT CHÔM CHÔM