Bối cảnh văn hóa –xã hội đương đại và sự ra đời, phát triển của xu hướng bà mẹ đơn thân ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 30 - 32)

Bà mẹ đơn thân là một mô hình tổ chức đời sống ra đời một cách tự nhiên trong lòng xã hội. Không ai biết chính xác thời điểm xuất hiện mô hình này đầu tiên ở Việt Nam nhưng nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển của gia đình người Việt, ta có thể đưa ra nhận định hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ thời kì phong kiến.

Trong thời kì Bắc thuộc trở về trước, mô hình gia đình của người Việt là mô hình mẫu hệ và phụ hệ đan xen. Như vậy, có thể có những gia đình người mẹ là chủ gia đình, nuôi con một mình không cần bố nhưng đó không phải là mô hình bà mẹ đơn thân mà là biểu hiện của chế độ mẫu hệ, phù hợp với sự phát triển của lịch sử.

Bước sang thời kì phong kiến, gia đình Việt Nam hoàn toàn đi theo con đường phụ hệ. Trong bối cảnh ấy, những người phụ nữ phải nuôi con một mình xuất hiện chính là những bà mẹ đơn thân đầu tiên. Hầu hết những trường hợp bà mẹ đơn thân đầu tiên trong xã hội thuộc trường hợp góa phụ xuất phát từ sự chi phối của quan niệm và dư luận xã hội. Như vậy, có thể nhận định, những thời kì chiến tranh, loạn lạc, số bà mẹ đơn thân trong xã hội sẽ tăng lên nhanh chóng.

Thời kì Pháp thuộc, số trường hợp bà mẹ đơn thân do không lấy chồng và li hôn có phần nhiều hơn thời kì trước do sự thay đổi nhất định trong quan niệm xã hội và bối cảnh xã hội phức tạp. Tuy nhiên, số lượng tăng này không nhiều bởi những quan niệm về hôn nhân, gia đình truyền thống vẫn bám rễ khá sâu trong lòng người Việt. Số lượng bà mẹ đơn thân trong thời kì này có xu hướng tăng lên do hệ quả của phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Thời kì 1945-1975 là thời kì đất nước có số lượng bà mẹ đơn thân tăng nhanh chóng. Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt đã tước đi

sinh mạng của hàng triệu chiến sĩ, đẩy hàng triệu người phụ nữ vào hoàn cảnh đơn thân nuôi con. Không những thế, bối cảnh xã hội ở hậu phương thiếu nam giới, hoàn cảnh chiến tranh ác liệt khiến vấn đề kết hôn trở nên khó khăn, mạng sống con người mong manh đã khiến nhiều chị em phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân không kết hôn. Thêm vào đó, tình trạng cưỡng hiếp phụ nữ và lấy vợ Việt tạm thời của lính Mỹ ngụy cũng là một nguyên nhân khiến số lượng bà mẹ đơn thân tăng lên. Sự phát triển của số lượng bà mẹ đơn thân là một hệ quả của chiến tranh, không những thế tất cả sức lực và tinh thần của dân tộc thời kì này đều dồn cho kháng chiến nên những bà mẹ đơn thân không phải chịu nhiều áp lực từ phía dư luận xã hội như thời kì trước. Những trường hợp phụ nữ có chồng hi sinh trong chiến tranh còn được xã hội tôn vinh, giúp đỡ.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc năm 1975, nhiều nữ chiến sĩ trở về hậu phương khi đã quá lứa lỡ thì, nhan sắc và bề ngoài bị chiến tranh phá hủy, những di hại về mặt tinh thần….Trong khi đó, nam giới trong xã hội thời kì này thiếu hụt nghiêm trọng vì một lượng lớn hi sinh trong chiến tranh. Chính vì thế, nhiều nữ chiến sĩ không thể tìm được chồng để kết hôn. Tuy không thể làm vợ nhưng những người phụ nữ này vẫn có nhu cầu làm mẹ, vì thế họ cố gắng kiếm một đứa con hoặc xin con nuôi. Những người phụ nữ như thế đã tập hợp nhau lại thành những “Bến không chồng” với số lượng không hề nhỏ. Đây là một di chứng nặng nề của chiến tranh. Những bà mẹ đơn thân này có thể xếp vào trường hợp chủ động, nhận được sự cảm thông và giúp đỡ từ cộng đồng.

Từ sau khi đất nước tiến hành đổi mới, mở cửa, hội nhập, quan điểm về hôn nhân – gia đình của người Việt đã có những thay đổi nhanh chóng. Số lượng bà mẹ đơn thân ngày càng tăng lên, tính chất ngày càng phức tạp, dần trở thành một xu hướng gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Những trường hợp bà mẹ đơn thân bắt đầu lan rộng ra và trở thành một xu hướng mới trong xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận và những nhà nghiên cứu bắt nguồn

từ khi những người nổi tiếng, những nghệ sĩ nữ làm mẹ đơn thân nhiều và phát biểu tự hào về lối sống ấy trên báo chí. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ bối cảnh văn hóa - xã hội của thế giới và Việt Nam. Đối với Hà Nội nói riêng, khu vực đô thị nói chung, sự gia tăng của xu hướng bà mẹ đơn thân có khuynh hướng nổi trội hơn, xuất phát từ đặc trưng của khu vực này.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 30 - 32)

w