Tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 41 - 44)

CHƯƠNG HAI: HIỆN TRẠNG BÀ MẸ ĐƠN THÂN

2.2.1 Tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình

Như đã phần tích ở phần 1.4 của chương một, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống có giá trị sâu sắc của người Việt. Trong gia đình Việt hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tuy có đơn giản đi nhưng vẫn bảo lưu được phần lớn giá trị của nó.

Trong các mô hình bà mẹ đơn thân mà người nghiên cứu khảo sát, chỉ có những trường hợp bà mẹ đơn thân sống cùng cha mẹ đẻ thì mới có sự tồn tại của bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên ấy là bàn thờ tổ tiên bên gia đình của bà mẹ đơn thân. Những bà mẹ đơn thân vẫn phần nào tham gia vào việc thờ cúng như chuẩn bị lễ vật, lau dọn bàn thờ….Bản thân họ cũng có niềm tin vào tổ tiên nhà mình, thường xuyên lễ bái vào ngày giỗ, ngày mồng một hàng tháng, khi có chuyện quan trọng sắp xảy ra…Tuy nhiên, những bà mẹ đơn thân không phải là đối tượng chịu trách nhiệm chủ yếu với việc cúng giỗ như vai trò của người vợ trong gia đình Việt trước đây mà là mẹ của họ. Khi bố mẹ người mẹ đơn thân này qua đời, việc thờ cúng tổ tiên sẽ được giao cho những anh em trai của họ. Và trong gia đình của người mẹ đơn thân ấy sẽ không còn sự tồn tại của bàn thờ tổ tiên. Tuy nhiên, khi ấy, họ không có tổ tiên bên nhà chồng để thờ cúng, chính vì thế họ sẽ hướng đến tổ tiên nhà mình nhiều hơn. Những dịp cúng giỗ, lễ tết…họ sẽ có mặt thường xuyên hơn và đóng góp nhiều cho hoạt động cúng giỗ về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Tuy nhiên, số lượng bà mẹ đơn thân sống cũng cha mẹ số lượng rất hạn chế, phần lớn là những bà mẹ đơn thân đến từ những vùng quê khác và sống, làm việc ở Hà Nội một mình. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, việc thờ cúng tổ tiên là do con trai, thường là con trai trưởng phụ trách, chỉ khi gia đình không có con trai, người con gái được nhà chồng cho phép thì mới thờ cúng tổ tiên nhà mình, tuy nhiên, trường hợp này cũng rất hiếm hoi. Chính vì thế, trong mô hình bà mẹ đơn thân, những người phụ nữ làm mẹ đơn thân hầu hết cũng không thờ cúng tổ tiên nhà mình. Tuy nhiên, những phụ nữ làm mẹ đơn thân không phải thờ cũng tổ tiên nhà chồng, không chịu ràng buộc từ phía nhà chồng nên nếu họ có nhu cầu thờ cúng tổ tiên nhà mình thì dễ dàng thực hiện hơn.

Trong mô hình những bà mẹ đơn thân là góa phụ, phần lớn trong số họ có bàn thờ tổ tiên nhà chồng và bàn thờ người chồng quá cố. Tuy nhiên, trong phạm vi khảo sát của khóa luận chỉ có trường hợp li hôn và không kết hôn.

Đối với trường hợp li hôn, sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa người vợ và người chồng dẫn đến việc rạn nứt trong quan hệ giữa người vợ và gia đình nhà chồng. Chính vì thế, khi li hôn, người phụ nữ không sống cùng gia đình nhà chồng và không thờ cúng tổ tiên nhà chồng. Đối với trường hợp không kết hôn, họ không có nhà chồng chính vì thế họ không thờ cúng tổ tiên nhà chồng.

Trong số những trường hợp khảo sát của khóa luận, có trường hợp của bà mẹ đơn thân Phạm Thị Thanh Nhàn tương đối đặc biệt, phản ánh sự bối rối của những bà mẹ đơn thân trong việc thờ cúng trong gia đình. Trong ngôi nhà của chị Nhàn có sự tồn tại của bàn thờ, tuy nhiên bản thân chị không biết là thờ gì và không tham gia vào việc thờ cúng. Chiếc bàn thờ có sẵn trong ngôi nhà chị thuê và việc thắp hương, cúng giỗ do mẹ chị đang lên giúp con gái chăm cháu đảm nhận. Trước đây, khi chị sống một mình cùng con gái, chị thuê một ngôi nhà khác cũng có bàn thờ nhưng chị bỏ đi không thờ cúng gì. Chị cho biết, sắp tới khi mẹ chị về quê, bàn thờ này cũng được chị bỏ đi. Như vậy, có thể thấy, những người phụ nữ làm mẹ đơn thân bị chơ vơ trong việc thờ cúng tổ tiên, bản thân họ không biết phải thờ cúng ai bởi lẽ tín ngưỡng này được duy trì theo chế độ phụ hệ, bản thân họ không có nhiều kiến thức về vấn đề này.

Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đối tượng được thờ cúng không chỉ có tổ tiên mà còn rất nhiều vị thần linh khác. Những bà mẹ đơn thân nếu không biết thờ cúng tổ tiên bên nào thì họ có thể thờ những thần linh này để cầu bình yên, lấy đó là nền tảng tâm linh. Tuy nhiên, một phần do sự đơn giản hóa của việc thờ cúng hiện nay, những bà mẹ đơn thân không hiểu về những vị thần này nên không thờ cúng họ trong gia đình. Số lượng bà mẹ đơn thân càng tăng thì số hộ không thờ cúng tổ tiên trong xã hội Việt càng nhiều.

Con người tồn tại trong xã hội luôn có một đời sống tâm linh phong phú, cần một niềm tin vào điều gì đó để tồn tại, số lượng người theo quan điểm vô thần rất ít. Không những thế, nước ta là một đất nước đa thần giáo, quan niệm vạn vật hữu linh. Chính vì thế, mỗi người dân Việt hầu hết đều cần có niềm

tin vào một điều gì đấy. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phổ biến trong xã hội Việt, niềm tin vào tổ tiên mình là niềm tin lớn nhất của hầu hết người dân Việt. Ngoài ra, họ tin vào thần linh, Phật giáo…Đối với những người mẹ đơn thân, khi không có niềm tin vào tổ tiên, người ta phải tìm niềm tin vào một tôn giáo, tín ngưỡng khác. Đặc biệt, đối với những người mẹ đơn thân, phần lớn họ nhìn nhận cuộc sống của mình nhiều bất trắc và khó khăn, niềm tin vào những tôn giáo, tín ngưỡng khác vì thế rất mạnh mẽ. Hầu hết những đối tượng bà mẹ đơn thân đã khảo sát đều có niềm tin vào Phật giáo và Trời. Họ có thói quen đi lễ đình, chùa đầu năm, dịp rằm, mồng một hàng tháng và khi có chuyện quan trọng trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn hay may mắn, họ đều nghĩ đó là do Trời Phật và có thói quen nương tựa đời sống tâm linh vào đó. Như vậy, có thể thấy, Trời Phật đã đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tâm linh của những người phụ nữ làm mẹ đơn thân.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w