Thay đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 66 - 68)

CHƯƠNG BA: XU HƯỚNG BÀ MẸ ĐƠN THÂN ẢNH HƯỞNG VÀ KIẾN NGHỊ

1.3.2 Thay đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình

Người phụ nữ là người có vai trò rất lớn trong mô hình gia đình truyền thống của người Việt, trong những gia đình hiện đại bình thường. Ba vai trò chính của người phụ nữ trong gia đình là kinh tế, chăm sóc, giáo dục con cái và tổ chức, quản lí gia đình. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn chỉ là người phụ giúp, đứng phía sau người đàn ông. Họ phải đặt người đàn ông cao hơn mình, mọi việc lớn trong gia đình do người đàn ông quyết định, có khi không cần hỏi ý kiến của người phụ nữ. Những việc quan trọng, ý nghĩa như đại diện gia đình tham gia những hoạt động của làng xóm, dòng họ…đều là trách nhiệm và quyền lợi của người đàn ông. Chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng, người phụ nữ mới được quyền thay người đàn ông đảm nhận những công việc này.

Trong mô hình bà mẹ đơn thân, những vai trò truyền thống của người phụ nữ trong gia đình vẫn được duy trì, thậm chí mở rộng hơn về biên độ và trách nhiệm, họ gánh vác một mình mà không được sự chia sẻ từ những thành viên khác. Họ không chỉ là người giữ vai trò chủ yếu trong việc nuôi dạy, giáo dục con cái mà toàn quyền quyết định việc nuôi dạy con. Mọi hoạt động nuôi dạy con họ không thể và không cần phải bàn bạc với ai, không có sự đóng góp ý kiến hay chỉ trích từ bất kì ai. Những quyết định lớn đối với cuộc đời con như học ở đâu, thi trường nào…do người mẹ quyết định. Chính vì thế, cuộc đời đứa trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người mẹ hơn những đứa trẻ trong gia đình bình thướng. Cùng với đó, vai trò tổ chức và quản lí gia đình của họ vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, người phụ nữ không phải là người quản lí sau bóng một người đàn ông mà là người toàn quyền trong gia đình. Việc tổ chức và quản lí cuộc sống của họ chỉ hướng đến một đối tượng duy nhất trong gia đình, đó là con cái họ. Họ vẫn phải điều tiết những quan hệ với gia đình, họ hàng nhưng với tính chất hoàn toàn khác, điều tiết để gia đình, họ hàng chấp nhận, giúp đỡ họ và con cái họ. Đối với những phụ nữ không kết hôn, sự điều tiết này càng khó khăn hơn và hầu hết họ không điều tiết quan hệ với bên nội. Sự khó khăn trong việc điều tiết các mối quan hệ gia đình và họ

hàng khiến nhiều bà mẹ đơn thân bỏ qua việc điều tiết này, bỏ qua một vai trò của mình.

Về vai trò kinh tế, người phụ nữ không còn là trợ lực cho người đàn ông kiếm tiền, kiếm một phần thu nhập phụ trong gia đình mà là người kiếm nguồn thu nhập chính và chủ yếu trong gia đình. Ngoại trừ một số trường hợp có thể nhận được trợ cấp nuôi con từ người chồng và hỗ trợ phần nào từ gia đình, hầu hết thu nhập trong mô hình bà mẹ đơn thân là từ hoạt động kinh tế của người phụ nữ.

Bên cạnh việc đổi thay của một số vai trò cũ, người phụ nữ trong gia đình đơn thân phải đảm nhận thêm nhiều vai trò mới. Vì trong gia đình không có người đàn ông nên tất cả những việc nặng trong gia đình, những việc vốn là của người đàn ông người phụ nữ phải đảm nhận. Tất cả những việc quan trọng trong nhà đều do người mẹ quyết định, mọi hoạt động của gia đình như tham dự họp tổ dân phố, họp phụ huynh…đều do người phụ nữ đảm nhận. Chính vì thế, những bà mẹ đơn thân thường được gọi là bà mẹ siêu nhân, là những người phụ có trách nhiệm và vai trò trong gia đình nặng nề hơn những người phụ nữ bình thường rất nhiều.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w